Với người kinh doanh thì sản phẩm và công ty kinh doanh thực sự là đứa con tinh thần của họ. Mà đã là “con” thì cũng cần phải nghĩ ra cái tên không chỉ thật đúng, đủ mà còn phải đẹp, phải kêu, để khai sinh, để tồn tại với đời và làm rạng mặt “cha mẹ”. Và từ đó là những chuyện bi hài xảy ra…
Kimono là văn hóa hay là đồ mặc trong?
Tháng 7/2019, ngôi sao truyền hình thực tế người Mỹ Kim Kardashian (vẫn thường được giới showbit gọi là cô Kim siêu vòng ba) nhận thư ngỏ từ Thị trưởng thành phố Kyoto (Nhật Bản) - ông Daisaku Kadokawa. Lý do để có lá thư này là bởi dòng sản phẩm mới của Kim Kardashian chuẩn bị ra mắt thị trường và ngay lập tức gây tranh cãi vì tên gọi mà ngôi sao truyền hình thực tế sử dụng là “Kimono”. Đó là tên gọi mà Kim đặt cho những mẫu trang phục định hình cơ thể, vốn là một dạng đồ nội y, dành để mặc bên trong, giúp tạo dáng vóc lý tưởng hơn cho người mặc.
Trong lá thư, ông Daisaku Kadokawa không thể hiện bất cứ sự gay gắt hay phản đối mạnh mẽ nào, ông chỉ đưa ra những đề xuất đồng thời giải thích về vẻ đẹp văn hóa của kimono cho Kim Kardashian hiểu rõ hơn: “Kimono là trang phục truyền thống bắt nguồn từ vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của chúng tôi, cùng với những nghiên cứu và nỗ lực không mệt mỏi của các bậc tiền bối, kimono giờ đây là một mảng văn hóa được tôn vinh và được truyền lại bằng sự trân trọng trong đời sống của người dân Nhật Bản”.
Thị trưởng Daisaku Kadokawa gọi kimono là “Trái ngọt tinh túy của nghệ thuật thủ công và là biểu tượng đích thực của vẻ đẹp, tinh thần và giá trị văn hóa Nhật Bản”. Kimono được người dân trên khắp thế giới biết tới và yêu mến. Những khách du lịch nước ngoài cũng như người dân Nhật vẫn luôn thích thú, trân trọng bộ trang phục truyền thống kimono và cho tới hôm nay, hình ảnh kimono vẫn xuất hiện ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản.
Trong lá thư ngỏ này, ngài Thị trưởng Kyoto đề nghị Kim Kardashian cân nhắc lại cách đặt tên dòng sản phẩm thời trang mới. Ông Daisaku Kadokawa cũng đề cập rằng nhà chức trách tại Nhật hiện đang tiến hành những công việc cần thiết để “văn hóa Kimono” được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO. Cuối thư, Thị trưởng Daisaku Kadokawa mời Kim Kardashian tới thăm thành phố Kyoto để hiểu thêm về văn hóa Kimono.
Không nhã nhặn như người Nhật, khi vừa giới thiệu về dòng sản phẩm định hình cơ thể sắp ra mắt thị trường, Kim Kardashian đã phải đối diện với những tranh cãi gay gắt của dư luận Mỹ bởi có những người cho rằng Kim đã không có sự tôn trọng và nhạy cảm trước nét văn hóa bản địa.
Về phần mình, Kim đã trả lời phỏng vấn của tờ tin tức New York Times và khẳng định rằng cô không hề có ý định sử dụng ý tưởng nào xoay quanh những thiết kế kimono truyền thống để đem áp dụng cho những thiết kế phục trang định hình cơ thể của mình. Việc Kim sử dụng tên gọi “Kimono” cho dòng sản phẩm của mình được cô lý giải là bởi muốn tạo dấu ấn thương hiệu và theo cô hiểu thì không có bất cứ rào cản nào trong việc sử dụng từ “kimono” trên thị trường hiện nay, ngoài ra, cô cũng không có ý định thay đổi tên gọi dòng sản phẩm mới của mình.
Sau cùng, Kim khẳng định rằng cô “thấu hiểu và trân trọng ý nghĩa của kimono trong đời sống văn hóa Nhật Bản” và cô cũng đã đăng ký bản quyền thương hiệu tại Mỹ với những tên gọi sản phẩm của dòng “Kimono” này gồm “Kimono Body”, “Kimono Intimates” và “Kimono World”.
“Sung sướng” và “Ăn mòn”
Từ câu chuyện “Kimono” của cô Kim siêu vòng ba, người viết bài này nhớ trước đây ở Việt Nam cũng đã từng có những câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc đặt tên doanh nghiệp. Bởi rất nhiều trường hợp chọn tên doanh nghiệp khiến cơ quan quản lý bối rối vì không biết có vi phạm quy định về thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không.
Truyền thông ngày đó kể lại câu chuyện của một cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội rằng: “Có một bác tới đăng ký thành lập doanh nghiệp lấy tên là Lý Thụy. Nghe thế, anh em khuyên bác nên đổi sang một cái tên khác vì đó là bí danh của Bác Hồ (danh nhân) khi hoạt động cách mạng. Bác này nói không biết điều đó và giải thích, bác tên Lý, vợ tên Thụy nên muốn ghép lại thành tên doanh nghiệp và sợ cán bộ không tin bác còn mang cả chứng minh thư của hai vợ chồng làm bằng chứng. Sau khi nghe cán bộ giải thích, bác ấy đã rất vui vẻ chọn một cái tên khác”.
Cũng thời gian đó, trong cuộc họp bàn về dự thảo Luật Doanh nghiệp, một đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội còn đưa ra những trường hợp khiến cơ quan quản lý lúng túng hơn. Đơn cử như hai luật sư tên Hùng và Vương hợp tác mở một công ty luật với tên gọi Công ty Luật hợp danh Hùng Vương. Tuy nhiên, trường hợp này đã không được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận vì trùng với tên Vua Hùng. Trường hợp khác, một cá nhân muốn đăng ký tên doanh nghiệp là Công ty TNHH Cung cấp dịch vụ Sung Sướng. Khi đó, cán bộ của Sở đã rất bối rối vì không biết xử lý ra sao với trường hợp này và cái tên đó có vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam như quy định trong Luật Doanh nghiệp hay không.
Rồi một cái tên khác cũng khiến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký khó xử là “Công ty Cổ phần Ăn mòn Việt Nam”, hoạt động kinh doanh các chất ăn mòn. Ngành nghề kinh doanh hợp pháp nhưng cụm từ “ăn mòn Việt Nam” đã khiến vị cán bộ của ngành kế hoạch - đầu tư hết sức lúng túng vì không biết có bị xếp vào trường hợp nhạy cảm hay không.
Không chỉ có cán bộ Việt Nam lúng túng, nhà quản lý ở Mỹ cũng đau đầu không kém trước các kiểu đặt tên cho “đứa con tinh thần” của công dân nước này. Đó là câu chuyện của miếng xốp rửa bát hình mặt cười do Aaron Krause - người sáng lập Công ty Scrub Daddy. Hiện Scrub Daddy có giá trị 170 triệu USD và trở thành startup thành công nhất Shark Tank Mỹ với việc bán được hơn 25 triệu sản phẩm. AaronKrause thừa nhận một phần tạo nên thành công của Scrub Daddy là cái tên khác thường và dễ gây chú ý.
“Trong gia đình tôi, đàn ông thường rửa bát vì vậy nó cũng ảnh hưởng phần nào đến việc đặt tên. Khi chúng tôi đang thảo luận về tên của sản phẩm, một thành viên nói rằng khuôn mặt trên miếng bọt biển trông hơi giống hình một người cha trượt ván và một người khác thì gọi nó là “scrub daddy” (liên tưởng đến hình ảnh người cha đang lau chùi, cọ rửa). Tôi nghĩ đó là một cái tên mang tính biểu tượng, hài hước và đáng nhớ”, Krause kể.
Thế nhưng cái tên Scrub Daddy không phải được lòng tất cả mọi người, đã có những phản ứng, thậm chí một giáo sư tại một trong những trường kinh doanh lớn nhất nước Mỹ nói với Krause rằng đó là cái tên tồi tệ nhất mà ông từng nghe. Nhưng với Aaron Krause nào có hề gì vì sau đó ngoài sản phẩm chủ lực là Scrub Daddy, Krause cho biết người tiêu dùng cũng có thể mua các sản phẩm lau rửa khác của công ty như Scrub M Mom, Big Daddy, Scrub Daisy, Scrub Daddy Lemon Fresh hay Daddy Caddy.
… Thế mới biết, không phải cứ nghĩ ra được một sản phẩm hoặc một phương cách kinh doanh mà đã xong việc. Chuyện đặt tên cho “đứa con tinh thần” ấy cũng lắm nỗi nhiêu khê, đôi khi vượt ra khỏi biên giới của địa phương để thành chuyện quốc gia đại sự như chuyện cô Kim siêu vòng ba nhận thư ngỏ từ Thị trưởng thành phố Kyoto là một ví dụ.
Ý kiến bạn đọc