Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã đề nghị các thành viên tập trung đánh giá tình hình trong nước và thế giới 6 tháng qua và đưa ra dự báo từ nay tới cuối năm, trong đó, tính tới các rủi ro liên quan tới các động thái quốc tế gần đây về thương mại, dịch bệnh, thiên tai...
"Thủ tướng đặt hàng cho Hội đồng kiến nghị tới Chính phủ có cần bổ sung hay điều chỉnh chính sách vĩ mô trong thời gian tới không? Trên tinh thần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và giữ được đà tăng trưởng", Phó Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng chậm hơn dự kiến (riêng Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh hơn 3%). Rủi ro và bất ổn gia tăng trong điều kiện xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn leo thang và tiến trình Brexit bế tắc. Thị trường tài chính, tiền tệ biến động phức tạp khi các ngân hàng trung ương có xu hướng giảm lãi suất vì rủi ro gia tăng.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế đạt 6,76%, thấp hơn năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn phù hợp với mục tiêu điều hành. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận xuất hiện một số động lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực chế biến chế tạo như lọc hoá dầu Nghi Sơn, thép Formosa, xe có động cơ Vinfast,... Cả nước đã xuất siêu 1,64 tỷ USD.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, khi bình quân 6 tháng tăng 2,64%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu dưới 4% của Chính phủ...
Về phía Bộ Tài chính, đơn vị này cho biết thu ngân sách đạt khá với 53% kế hoạch. Tuy nhiên chi ngân sách chậm, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm khiến bội thu ngân sách Nhà nước, chứ không bị thâm hụt ngân sách Nhà nước như năm ngoái, góp phần giảm bội chi và nợ công.
Nợ công ở mức 57-58% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49% GDP và trái phiếu Chính phủ là công cụ tài khoá quan trọng khi thời hạn vay trung bình cao lên tới 13,7 năm với lãi suất thấp 4,6%/năm.
Với Bộ Công thương, đơn vị này cho biết hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đạt khá trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm ở lĩnh vực này. Đây là nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Thu hút và giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng.
Trước việc Hoa Kỳ mở rộng danh sách các quốc gia cần giám sát từ 12 lên 21, trong đó có Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp làm việc với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường và đặc thù của Việt Nam, chứ không tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế. Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực thực hiện truyền thông kịp thời để ổn định tình hình thị trường trong nước.
Đánh giá chung, các thành viên Hội đồng cho rằng, tới thời điểm này, chưa có dấu hiệu rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô so với các giai đoạn trước đây; đánh giá cao kết quả đạt được về kinh tế-xã hội nhất là trong 6 tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, thách thức với tăng trưởng GDP trong năm 2019 là không nhỏ khi các động lực tăng trưởng như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng chậm hơn năm 2018; xuất khẩu có xu hướng giảm; cán cân vãng lai tăng cao nhưng chủ yếu phụ thuộc từ kiều hối nên chưa bền vững; tốc độ tăng trưởng dịch vụ thấp hơn tăng trưởng GDP…
Theo đó, các thành viên đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến về thương mại, đầu tư trên thế giới để ổn định vĩ mô, đồng thời tăng cường nội lực để ứng phó với các tác động từ bên ngoài; một mặt tạo thuận lợi thương mại nhưng cũng phải kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại.
Ngoài ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm tới việc dự báo xuất hiện các đồng tiền ảo mới trên thế giới sẽ tác động mạnh mẽ tới chính sách tài khoá, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam. Theo đó, cần sớm ban hành các quy định pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác công- tư, chứng khoán cũng như nghiên cứu xây dựng chính sách tiền tệ, tài chính hiện đại hơn...
Ý kiến bạn đọc