Hơn một tháng qua, Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc đã lâm vào trạng thái khó khăn khi chính phủ Mỹ đưa nó và 70 chi nhánh khác của công ty vào danh sách cấm làm ăn với các công ty Mỹ. Đây có thể nói là một tháng khá ảm đạm đối với Huawei. Hệ quả của hành động này là rất lớn, trên cả lĩnh vực kinh doanh thiết bị viễn thông và tiêu dùng của đại gia Trung Quốc. Một loạt các công ty chip được cho là đã buộc phải cắt đứt quan hệ trong khi Google, đơn vị cung cấp Android cho các thiết bị của Huawei cũng phải "đóng băng" mối quan hệ với đối tác của mình.
Chính bản thân CEO Huawei Nhậm Chính Phi cũng đã phải thừa nhận lệnh cấm sẽ khiến công ty của mình, hãng bán smartphone lớn thứ ba thế giới, mất khoảng 30 tỷ USD doanh thu trong hai năm tới.
Tuy nhiên, mới đây chính quyền Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vận này, ít nhất là dựa trên những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20. Theo đó các công ty của Mỹ có thể bán công nghệ và thiết bị của họ cho Huawei, tất nhiên đó vẫn phải là các thiết bị "không liên quan tới an ninh quốc gia", theo quan điểm của ông Trump.
Mặc dù đây là tin tốt, nhưng rõ ràng khi sự tin tưởng lẫn nhau đã bị phá vỡ một lần, mọi thứ dù có quay trở thì dường như cũng không thể êm đẹp được như cũ.
Việc Mỹ gần như chuyển Huawei vào danh sách đen và ảnh hưởng của nó cho thấy công ty Trung Quốc đã phụ thuộc vào Mỹ nhiều như thế nào, dù trong các hoạt động kinh doanh đơn giản. Do đó, Huawei đã và đang thực hiện các bước để ngăn chặn sự phụ thuộc vào Mỹ, bao gồm cả việc phát triển hệ điều hành riêng để thay thế Android cũng như chip dự phòng. Nếu các dự án này thành công, chúng sẽ đảm bảo cho việc Huawei sẽ không bao giờ phải rơi vào tình trạng khủng hoảng như trong hơn một tháng vừa qua.
Tất nhiên, việc tách chuỗi cung ứng của mình khỏi các đối tác Mỹ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, cả về phần mềm lẫn linh kiện. Bởi vẫn còn phải xem liệu Huawei có thể duy trì mức độ kinh doanh hiện tại, bao gồm 59 triệu chiếc smartphone được bán ra trong quý vừa qua và tổng doanh thu 107,4 tỷ USD trong năm 2018. Cùng với việc muốn sử dụng các thành phần linh kiện và phần mềm không phải của đối tác Mỹ, công ty cũng phải chuẩn bị một chính sách dự phòng vững chắc, trong trường hợp lại bất ngờ trở thành một quân cờ chính trị một lần nữa trong tương lai.
Ngoài việc cứu giúp Huawei, động thái của ông Trump cũng có tác dụng nâng đỡ, thúc đẩy Google và các đối tác khác của Huawei, những công ty Mỹ đã đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực đáng kể vào việc phát triển mối quan hệ với công ty Trung Quốc, tránh được các thiệt hại trong trường hợp việc hợp tác kinh doanh đổ bể.
Thật vậy, chia sẻ với báo chí, ông Trump cũng thừa nhận rằng các công ty Mỹ đang bán một lượng lớn sản phẩm của họ cho Huawei. Bất chấp việc họ có thực sự muốn bán chúng cho Huawei hay không, điều này cũng đã phần nào ảnh hưởng tới các quyết định đưa ra của tổng thống Mỹ.
Ngược lại, các công ty Mỹ sẽ phải suy nghĩ đối xử ra sao với đối tác Trung Quốc của mình trong thời gian tới. Thân thiết hay e dè, gắn bó hay cũng phải như Huawei chuẩn bị sẵn một đường lui cho mình trong trường hợp cuộc chiến tranh thương mại lại tiếp tục nổ ra gay gắt. Dù lựa chọn là thế nào đi nữa, mối quan hệ giữa các bên sẽ không thể tin tưởng và gắn bó chặt chẽ với nhau như cách đây chỉ hơn 1 tháng.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị vô cùng phức tạp và có thể đổi chiều bất cứ lúc nào, câu nói "đừng bao giờ nói không bao giờ" lại trở nên vô cùng chính xác. Câu chuyện Huawei-Trump được dự đoán là "còn lâu mới kết thúc", cũng như việc nó không bao giờ có thể trở lại như ngày đầu, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra.
Ý kiến bạn đọc