Các bị cáo cho rằng vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, bỏ lọt tội phạm, oan sai người vô tội…
Saga và đồng phạm trong phiên tòa sơ thẩm
24 ngày làm giám đốc lĩnh 14 năm 6 tháng tù?
Theo bản án sơ thẩm, Hsu Minh Jung (còn gọi là Saga, SN 1975, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc, Tổng Giám đốc Cty Khải Thái) đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và thuê Phan Kiện Trung làm phiên dịch. Tháng 8/2011, Hsu Minh Jung làm thủ tục lập Công ty Khải Thái với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Quá trình hoạt động, Saga đã đưa ra hình thức kinh doanh mới là huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức “ủy thác đầu tư”.
Sau khi huy động vốn của khách hàng, Hsu Minh Jung chuyển tiền về Đài Loan và Quảng Châu (Trung Quốc) để đầu tư kinh doanh vàng và ngoại tệ. Bên cạnh đó, Công ty Khải Thái còn mở hội thảo đưa khách hàng sang Đài Loan, Hong Kong, Quảng Châu tham quan giới thiệu hoạt động đầu tư…
Tuy nhiên, theo cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm thì trên thực tế, hình thức hoạt động của Công ty này là: thu tiền của người này, trả tiền cho người kia. Theo kết quả điều tra thì từ cuối năm 2012 đến tháng 9/2014, Hsu Ming Jung và đồng bọn đã chiếm đoạt được 264 tỷ đồng của hơn 700 bị hại.
Với hành vi nêu trên, Saga bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sáu nhân viên làm thuê cho Hsu Ming Jung bị coi là đồng phạm, bị tuyên từ 4 – 20 năm tù. Trong đó có bị cáo Tăng Hải Nam. 24 ngày làm giám đốc (nhận việc bằng miệng), không được nhận một đồng lương nào song anh Nam vẫn bị tuyên 14 năm 6 tháng tù.
Theo chia sẻ của anh Nam, khi thấy Cty Khải Thái đăng tin tuyển dụng trên báo, anh đã nộp đơn ứng tuyển và được nhận vào làm nhân viên kinh doanh từ tháng 4/2013. Hơn 1 năm làm việc tại đây, anh Nam được lên chức trưởng phòng và sau đó được giao quản lý (bằng miệng) Chi nhánh LOTTE (với mô hình về Bất động sản, giấy phép ĐKKD cấp ngày 15/8/2014). Tại đây, anh Nam được giao trách nhiệm quản lý (bằng miệng) với công việc là tuyển nhân viên và chuẩn bị các trang thiết bị văn phòng. 24 ngày sau khi khai trương (16/9/2014 thì 1/10/2014 CQCSĐT vào cuộc), chi nhánh LOTTE chưa phát sinh doanh thu nào, thậm chí chưa có mẫu hợp đồng cho mô hình kinh doanh bất động sản. Vậy nhưng, Tăng Hải Nam vẫn bị truy tố, xét xử, tuyên mức án 14 năm 6 tháng tù vì bị nhận định là đồng phạm tích cực giúp sức cho Saga.
“Nếu ở cương vị trưởng phòng, tôi cũng phải như 18 trưởng phòng khác, không bị khởi tố. Nếu ở vị trí Giám đốc chi nhánh LOTTE (giao bằng miệng), chi nhánh này chưa có bất cứ hoạt động nào, tôi cũng chưa được nhận một đồng lương nào thì tôi bị oan”, anh Nam nói và cho biết thêm trong thời gian làm việc, anh cùng các nhân viên công ty khác được Saga đưa tới Quảng Châu và Đài Loan để tham quan các chi nhánh khác của công ty đang hoạt động như thế nào. Vì được tận mắt chứng kiến các hoạt động đó nên bản thân anh và những người thân trong gia đình hoàn toàn tin tưởng và đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng lại không được xác định là bị hại.
“Bản án sơ thẩm xác định tôi hưởng lợi 3.147.000.000 đồng là sai bản chất, không chính xác với số tiền thực tế tôi đã nhận. Tôi là người làm công ăn lương, tôi được trả theo quy định chung của công ty. Có những trưởng phòng khác như Nguyễn Xuân Trào, nhân viên khác như Nguyễn Thị Hồng Thơm,... được nhận số tiền lớn hơn tôi nhiều thì không bị xem xét. Hơn nữa, số tiền cá nhân tôi đầu tư tại công ty nhiều hơn số tiền 3.147.000.000 đồng nói trên (số liệu được thể hiện trên vi bằng). Tính đến nay tôi vẫn bị âm hàng trăm triệu đồng nhưng tôi lại không được xem xét như một bị hại”, anh Nam nói.
Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng?!
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư TP Hà Nội, sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, bản án hình sự sơ thẩm số 395/2017/HSST ngày 15/2/2017 của TAND TP Hà Nội và đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, tôi thấy trong quá trình điều tra của CQCSĐT đã tồn tại nhiều thiếu sót trong triển khai công việc, có nhiều tình tiết chưa được làm rõ và vi phạm nghiêm trọng quá trình tố tụng.
Luật sư cho rằng việc Cơ quan công an, Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm sử dụng các tài liệu dưới dạng công văn trả lời của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Chi cục Thuế Cầu Giấy làm tài liệu, chứng cứ để buộc tội các bị cáo là không đúng với quy định của pháp luật tố tụng. Các văn bản, tài liệu mà Chi cục Thuế Cầu Giấy và Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ cung cấp dưới dạng công văn mà không thể hiện tư cách tham gia tố tụng của mình với vai trò là gì. Chính vì vậy, việc sử dụng công văn trả lời trên làm căn cứ để nhận định trong bản án mà không triệu tập phía Chi cục Thuế Cầu Giấy, Ngân hàng nhà nước cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là người tham gia tố tụng hay văn bản trưng cầu giám định đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng về chứng cứ.
Tiếp lời, luật sư Hòe cho rằng CQĐT đã bỏ qua một số tình tiết liên quan đến vụ án. Theo như hồ sơ thông tin của Cty Khải Thái thì có hình ảnh mà các cán bộ cấp cao của Công ty cũng như Saga chụp với các đối tác đầu tư nước ngoài cụ thể hơn là Lưu Kiến Toàn. Ngoài ra, CQĐT chưa được các nguồn thu, nguồn chi khi tiền gửi vào được các kế toán của Công ty ký và thu tiền của các nhà đầu tư, việc các khoản tiền được đưa vào tài khoản công ty hay đã dược đưa vào tài khoản cá nhân. Bản án hình sự sơ thẩm khẳng định Cty Khải Thái không có thẩm quyền và chức năng kinh doanh tài khoản vàng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có khái niệm kinh doanh tài khoản vàng mà chỉ có khái niệm kinh doanh vàng trên tài khoản.
“Vậy có hay chăng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đang xác định sai hành vi của Cty Khải Thái dẫn đến việc buộc tội đối với các bị cáo là hoàn toàn không có căn cứ. Bởi lẽ tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về hoạt động kinh doanh vàng quy định nếu cá nhân, tổ chức nào muốn kinh doanh vàng trên tài khoản phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép. Song vấn đề đáng chú ý ở đây chính là ngay tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư 16/2014/TT-NHNN lại không có bất cứ quy định nào hướng dẫn về thủ tục cấp phép việc kinh doanh vàng trên tài khoản. Liệu có phải chính bởi rào cản về thủ tục này đã dẫn đến khó khăn cho Cty Khải Thái khi muốn xin cấp phép kinh doanh hay không?”, luật sư Hòe nêu vấn đề.
Luật sư phân tích thêm việc VKSND TP Hà Nội truy tố Cty Khải Thái với hành vi Huy động vốn trái pháp luật là chưa có căn cứ bởi lẽ các hợp đồng Ủy thác đầu tư mà nhà đầu tư (bị hại) đã ký với Cty Khải Thái nhằm mục đích ủy thác cho Cty Khải Thái thực hiện việc đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau nhằm mục đích sinh lợi nhuận đều theo sự thỏa thuận, tự nguyện và dựa theo ý chí của các bên. Cũng như phía nhà đầu tư đồng ý cho Cty Khải Thái thực hiện việc ủy thác để đầu tư và thỏa thuận trong hợp đồng về lãi suất 3,5% khi tiến hành đầu tư. Đây là một giao dịch dân sự giữa các bên. Do đó, việc Cơ quan tố tụng cho rằng hợp đồng ủy thác là một hành vi huy động vốn thì đây là hoàn toàn không có cơ sở và không phù hợp với sự thật khách quan.
Trước khi dừng lời, Trưởng văn phòng luật sư Interla nói, trong nội dung bản án sơ thẩm cũng thể hiện rõ việc kinh doanh sàn giao dịch hàng hóa này được thực hiện tại các sàn ở Quảng Châu, Đài Loan. Theo như lời khai của bị cáo Đinh Thị Hồng Vinh thì có thấy một số lần Saga gửi cho mình các bản danh sách lịch sử giao dịch của Cty Khải Thái với các nhà đầu tư Công ty ở Quảng Châu Trung Quốc.
Sau phiên tòa sơ thẩm, các công ty bên Quảng Châu có cung cấp các tài liệu về sự hợp tác đầu tư này chứng minh việc Công ty Khải Thái hay Saga có sự hợp tác kinh doanh và gửi các tài khoản giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa tại Quảng Châu, Trung Quốc. “Như vậy, lời khai trước kia của Saga về việc hợp tác kinh doanh và gửi tài khoản trên sàn giao dịch hàng hóa là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với sự thật khách quan. Việc cơ quan tố tụng không xác minh làm rõ vấn đề trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo”, luật sư Hòe chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc