1. Đặc điểm sinh sản trâu đực
Trâu đực có khả năng giao phối lúc 3 năm tuổi, thời gian sử dụng tốt nhất là 4-6 năm tuổi, càng về sau tuy trâu vẫn còn khả năng giao phối nhưng tính hăng và kết quả phối giống sẽ giảm dần. Mỗi lần phóng tinh trâu đực xuất 3-4ml tinh dịch, hoạt lực 70-80%, nồng độ 0,8-1 tỷ/ml.
Khả năng phối giống của trâu đực phụ thuộc vào cá thể, mùa vụ, điều kiện nuôi dưỡng và sử dụng.
2. Giống và chọn giống
2.1. Giống trâu nuôi ở nước ta
Trâu nuôi ở nước ta hầu hết là giống trâu nội, thuộc loại hình trâu đầm lầy. Trâu ta có lông thưa, da dày, màu xám tro sẫm, nhiều con có vệt khoang trắng ngang phía dưới cổ, có khoảng 5% trâu có màu trắng. Trâu thường có những vòng lông xoắn trên mình gọi là xoáy (biến động từ 1 đến 9). Về tầm vóc, có thể chia trâu nuôi làm hai loại là trâu Ngố và trâu Gié:
- Trâu Ngố là loại trâu ngoại hình to, khối lượng cơ thể con đực 450-500kg, con cái 400-450kg.
- Trâu Gié là loại trâu ngoại hình nhỏ, khối lượng cơ thể con đực 350-400kg, con cái 300-350kg.
2.2. Chọn trâu đực giống
- Để tạo ra đàn nghé tốt, trâu đực nuôi sử dụng phối giống cho đàn cái phải được chọn từ những cá thể ưu tú, đủ tiêu chuẩn:
+ Về nguồn gốc: Chọn con có nguồn gốc rõ ràng, được sinh ra từ những trâu bố mẹ tốt và không bị cận huyết.
+ Về sức khỏe: Trâu khỏe mạnh, không bị các khuyết tật, được tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo quy định của thú y.
+ Về trọng lượng: Sơ sinh ≥24 kg, 1 năm tuổi ≥140 kg, 2 năm tuổi ≥ 240 kg, 3 năm tuổi ≥ 320 kg, trưởng thành ≥ 420 kg.
+ Về ngoại hình: Trâu có sừng dài, lông thưa và có màu tro sẫm. Đầu to, trán phẳng, mặt ngắn, mõm rộng, cồ dài thẳng. Mình dài, vai đầy, bụng tròn, lưng dốc về phía sau, mông phát triển. Hai hòn cà đều, chân to, móng ít hở.
- Tốt nhất nên chọn mua những trâu đực giống ở ngoài địa phương đã qua bình tuyển.
Ngoài ra, cần lưu ý về vùng cũng như một số đặc điểm về ngoại hình (xoáy, đốm trắng …) để con giống được chọn phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện chăn nuôi của địa phương.
3. Chăm sóc, nuôi dưỡng
- Trâu đực giống phải được nuôi ở một ngăn riêng trong chuồng, không nhốt chung với các loại trâu khác.
- Một số vùng đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên hẹp nên chăn dắt ít nhất 3-4 giờ/ngày để trâu vận động. Chăn thả vào lúc thời tiết mát mẻ, ít nắng nóng.
- Tháng không phối giống hoặc ít phối giống cho ăn mức vừa phải (từ 15-25 kg thức ăn xanh, 2 kg rơm và ít thức ăn tinh) để trâu phát triển tốt và có độ béo nhất định.
- Trong mùa phối giống không để đực giống cày kéo, đồng thời tăng lượng thức ăn xanh và bổ sung thức ăn tinh từ 0,5-1,5 kg/con/ngày. Thức ăn tinh cho ăn 2 - 3 lần/ngày.
- Với nhu cầu thức ăn như trên, ngoài thức ăn trâu ăn được khi chăn thả cần phải cho trâu ăn thêm tại chuồng, nhất là vào ban đêm.
- Với trâu nhập đàn cần phải được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để trâu thích nghi dần với điều kiện mới.
- Luôn có nước mát, sạch tại chuồng; thường xuyên tắm chải cho trâu vào những ngày nắng nóng.
- Phát triển các giống cỏ trồng năng suất cao để có đủ nguồn thức ăn xanh cho trâu; chủ động dự trữ rơm rạ, cỏ khô để không bị thiếu hụt thức ăn trong mùa mưa lũ.
- Chú ý bổ sung chất khoáng (bánh đa dinh dưỡng đặt cố định tại chuồng, hòa muối vào nước uống …) cho trâu đực giống.
- Thực hiện tốt khâu vệ sinh, thú y trong chăn nuôi trâu đực giống; đồng thời quản lý tốt trâu khi chăn thả, không để trâu uống nước bẩn hay ăn lá mỳ.
4. Quản lý, sử dụng
- Cho phối giống khi trâu đực giống đạt ≥ 36 tháng tuổi, thời gian sử dụng không quá 6 năm, với phương thức chăn thả sau 3 năm phải chu chuyển khỏi vùng.
- Bố trí mỗi trâu đực giống phụ trách 40-50 trâu cái sinh sản, phối giống đạt 20 trâu cái có chửa/năm.
- Tổ chức các điểm chăn thả tập trung để trâu đực giống có điều kiện tiếp xúc và phối giống cho đàn cái.
- Thực hiện biện pháp nuôi cách ly hoặc thiến đối với những trâu đực không sử dụng làm giống, không chăn thả chúng chung đàn với trâu đực giống.
- Số lần phối giống tốt là 2-3 lần trong một tuần, nếu nhiều hơn thì phẩm chất tinh sẽ kém và tỷ lệ thụ thai thấp hơn.
- Các hộ nuôi trâu đực giống để phối giống trực tiếp phải đăng ký với UBND xã và mở sổ sách theo dõi kết quả phối giống.
- Những trâu đực giống phối giống có tỉ lệ thụ thai thấp cần phải loại thải.
Tác giả: TTTTUDKHCN
Ý kiến bạn đọc