Theo số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê, dân số Việt Nam đạt gần 98 triệu người. Tính chung năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người. Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có nhiều công việc bị mất đi. Tuy nhiên, đi liền với đó là sự ra đời của nhiều công việc mới.
Con người đang sống trong một thế giới VUCA - một thế giới bất định, khó đoán, phức tạp và mơ hồ. Bối cảnh đó buộc con người phải thích nghi với sự thay đổi khó lường của thời cuộc, mà mới đây nhất, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên là một ví dụ điển hình.
Đại dịch bất ngờ ập đến không ai đoán trước được, nhiều người đã hy vọng dịch bệnh sẽ kết thúc vào cuối năm 2020. Thế nhưng đến nay đã gần hết quý I/2021 mà tình hình Covid vẫn chưa được khống chế. Trên thế giới, một số nước đã thực hiện chính sách tái cách ly xã hội trên toàn quốc.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong tương lai, thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức còn “khó nhằn” hơn Covid. Trong bối cảnh đó, con người cần trang bị nhiều kỹ năng và năng lực để sinh tồn. Một trong số đó là kỹ năng nhận diện cơ hội nghề nghiệp và tự hướng nghiệp.
Dẫn một báo của một tổ chức nghề nghiệp ở Mỹ, bà Yến Đỗ, Giám đốc điều hành GPO cho biết mỗi người sẽ thay đổi ngành nghề ít nhất ba lần trong đời. Còn việc thay đổi công việc dưới năm lần là chuyện bình thường. Tỷ lệ thay đổi công việc của những người ở độ tuổi 9x trở về sau có xu hướng nhiều hơn, thời gian làm việc ở một doanh nghiệp ngày càng ngắn.
Tại Việt Nam, bà Yến cho biết, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm từ 5,3 - 6 triệu học sinh, tương đương khoảng 11 nghìn trường. Số lượng tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ 2,5 - 3 triệu học sinh, tương đương ba nghìn trường. Như vậy, có khoảng 40-50% số lượng học sinh tốt nghiệp cấp trung học cơ sở đã đi làm thay vì học tiếp lên cấp ba.
“Các thành phố lớn thường có điều kiện tiếp cận thông tin trong khi những người ở vùng sâu vùng xa còn chưa có điều kiện tiếp cận thông tin, hoặc các bậc phụ huynh cũng không có đủ khả năng và trình độ để hướng nghiệp cho con cái. Điều này dẫn đến việc các em dễ mất phương hướng ở độ tuổi nhạy cảm”, bà Yến nói.
Lên đến bậc học cao hơn là trung cấp, cao đẳng và đại học, Việt Nam có khoảng 2 triệu sinh viên mỗi năm. Như vậy có khoảng 500 nghìn đến 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia thị trường lao động thay vì tiếp tục sự nghiệp học hành. Theo bà Yến, đa phần trong số này còn chưa được hướng nghiệp.
“Theo góc độ quan sát của tôi, việc hướng nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học có thể có nhưng chưa hiệu quả. Hàng năm, tỷ lệ sinh viên không kiếm được việc làm trong vòng một năm sau khi ra trường có xu hướng tăng lên. Cụ thể năm 2019 là 6,8%, năm 2020 là 13% và năm 2021 dự kiến trên 15%”, bà Yến nói.
Dưới góc độ quan sát của các chuyên gia lĩnh vực nhân sự, công tác hướng nghiệp chuyên nghiệp hiện chưa được chú trọng đầu tư bài bản mặc dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất ủng hộ vấn đề hướng nghiệp quốc gia. Bằng chứng là quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14/5/2018 đến nay đã gần ba năm nhưng phần thực hiện còn chưa triệt để.
Bộ Giáo dục và đào tạo giao cho các sở, các sở lại giao cho các trường trung học phổ thông thực hiện. Trong khi hiệu quả thực hiện còn tuỳ điều kiện của mỗi trường. Theo bà Yến, đa số trường trung học phổ thông còn chưa có bộ phận chuyên trách, ngoại trừ các trường quốc tế, trường dân lập.
Các trường công lập có thực hiện hướng nghiệp nhưng chủ yếu dưới hình thức hội chợ việc làm, hướng nghiệp tuyển sinh cho các trường đại học thay vì đào tạo cho các đối tượng học sinh để các em tự nhận thức được khả năng và năng lực phù hợp với nhu cầu xã hội để có thể tìm hướng đi và quyết định tương lai cho cuộc đời.
Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia hướng nghiệp đang hình thành một cách manh nha, hoạt động tự phát. Đội ngũ này chưa được đào tạo một cách hệ thống và bài bản, cung và cầu còn chưa gặp nhau.
Nếu mỗi trường cần một giáo viên hướng nghiệp chuyên trách thì toàn quốc sẽ cần có khoảng gần 15 nghìn giáo viên với trình độ hướng nghiệp chuyên nghiệp cho học sinh.
Bên cạnh đó, bà Yến cho rằng, nhu cầu được hướng nghiệp không chỉ dừng lại ở học sinh và sinh viên mà còn là những người đã đi làm, đặc biệt là sau độ tuổi 35. Việc hướng nghiệp giúp họ cập nhật kiến thức xã hội và tìm hướng đi mới khi đứng giữa các ngã rẽ trên đường đời.
“Chúng ta đang sống ở thế giới VUCA, sự thay đổi đến từ cả chủ quan và khách quan. Nhiều khi người đi làm không muốn thay đổi công việc nhưng do Covid hoặc lý do công ty phá sản mà người lao động buộc phải tìm kế sinh nhai khác. Họ bị đặt vào tình thế không biết bước tiếp theo phải làm gì, giữ công việc cũ hay tìm hướng đi mới”, bà Yến nói.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động cho biết, việc định hướng cho người trẻ về vấn đề nghề nghiệp, từ đó chuẩn bị hành trang kiến thức, kỹ năng và thái độ trong cả hành trình làm việc trong đời là một nội dung quan trọng.
Bởi đó là viên gạch đầu tiên để hướng dẫn học sinh, sinh viên và người lao động trong quá trình học tập, phát triển nghề nghiệp được định hướng tốt nhất, phát huy được thế mạnh của bản thân. Từ đó, đóng góp cho sự phát triển của xã hội, đất nước.
Đó cũng chính là động lực để bà Yến và một số chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự cho ra đời Hiệp hội chuyên gia hướng nghiệp quốc tế (ICCA) nhằm thu hút và quy tụ các chuyên gia ở Việt Nam và thế giới có kinh nghiệm trong các ngành nghề, có nhu cầu chia sẻ kinh nghiệp nghề nghiệp của mình cho giới trẻ và trở thành chuyên gia hướng nghiệp quốc tế. Bà Yến đồng thời là chủ tịch của hiệp hội này.
https://theleader.vn/giai-bai-toan-nhu-cau-huong-nghiep-cua-hang-chuc-trieu-nguoi-1614420024312.htm
Ý kiến bạn đọc