Nhờ những chiến lược hỗ trợ kịp thời của tỉnh, hiện Hà Giang đã có một số dự án khởi nghiệp tiêu biểu về nông nghiệp.
Trong đó phải kể đến, dự án nông nghiệp kết hợp công nghệ cao được các nhóm khởi nghiệp Hà Giang triển khai có hiệu quả. Cụ thể là dự án trồng Hoa hồng và Dâu tây sạch của chị Đỗ Thị Liễu tại Tổ 17, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, đã cho doanh thu cao và ổn định.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp chị Liễu trưởng nhóm cho biết: xác định địa bàn là đất đồi núi, phù hợp với mô hình phát triển nông nghiệp và dược liệu nên tôi đã ấp ủ nguyện vọng thực hiện về dự án này. Với mục tiêu: Dâu tây sẽ là cây ăn trái xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người nông dân nên tôi quyết định trồng theo phương pháp hữu cơ trong nhà lưới để giảm được sâu bệnh, đồng thời không sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn chất lượng cho cho sản phẩm trái dâu sạch.
"Đối với dự án Hoa hồng, khi thu hoạch những vụ hoa, tôi tiếp tục đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến hơn trong việc sản xuất, chế biến ra các dòng sản phẩm tinh chất khác từ nguồn hoa hữu cơ. Áp dụng công nghệ trong sản xuất sản, chưng cất, tôi thu được sản phẩm là dầu gội hoa hồng, nước rửa chén hoa hồng, tinh chất dưỡng thể hoa hồng… Mô hình chuỗi giá trị này không chỉ giúp dự án tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có mà còn mang về cho chúng tôi được doanh thu ổn định", chị Liễu cho biết.
Bên cạnh đó, Hà Giang còn có những dự án nông sản xuất sắc như dự án sản xuất, chế biến quả cam sành đem lại doanh thu cao. Đó là dự án của Công ty Cổ phần Cam Ta tại xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019 với tổng số vốn là 8.985.000.000 đồng.
Chia sẻ về thành công dự án, anh Nguyễn Việt Cường chủ dự án cho biết: nhận định trái cam là loại cây phù hợp trồng trên đất Hà Giang, sẽ cho giá trị cao, nên tôi đã quyết định khởi nghiệp từ ý tưởng này. Hơn nữa quả cam sẽ tận dụng được cả nước cam lẫn vỏ cam nên tôi tiếp tục đầu tư máy móc, chiết xuất tinh dầu cam với sản lượng dự kiến đạt 1.440 lít/năm, vỏ cam tương đương với 371,8 tấn cam tươi/năm.
"Sản phẩm trái cam sau tươi sau thu hoạch, sẽ phân loại để xuất vào các siêu thị lớn. Hiện sản phẩm của dự án đang xuất vào hệ thống siêu thị Big C, Bác Tôm Hà Nội với sản lượng đạt 140 tấn/năm, chiếm 23% tổng sản lượng thu hoạch.
Ngoài cam tươi, dự án còn sản xuất nước cam ép, đóng lọ tiêu chuẩn 400 ml, sản lượng dự kiến đạt 86.400 lít/năm, tương ứng 371,8 tấn cam tươi/năm, chiếm 40% tổng sản lượng cam tươi… Sau 1 năm đi vào hoạt động, dự án đã cho lợi nhuận 1 tỷ/ năm và dự kiến thời gian hoàn vốn sau 5 năm đầu tư" - ông Cường nói.
Cùng với việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp tại địa phương, Hà Giang luôn quan tâm, hỗ trợ các startup tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại du lịch, quảng bả sản phẩm tỉnh Hà Giang tại Hà Nội và các thành phố lớn...
Tuy nhiên, qua thực tiễn hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương, Hà Giang đề xuất, Chính phủ cần hoàn thiện hơn nữa chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho các địa phương miền núi.
Trước tiên, đó là cơ chế vốn. Hiện nay, các dự án khởi nghiệp thường bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp. Mô hình khởi nghiệp bị hạn chế về cơ chế chính sách liên quan đến huy động vốn dành riêng tại các ngân hàng thương mại.
Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh chiếm 95% nên hiếm có nhà đầu tư mạo hiểm nào chấp nhận rủi ro đầu tư cho các ý tưởng hay dự án khởi nghiệp. Vì vậy, Hà Giang mong Chính phủ cần hoàn thiện hơn nữa chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là ưu đãi lãi vay tín dụng dành cho các tỉnh miền núi.
Ý kiến bạn đọc