Trang bị kiến thức, kỹ năng
Sở GD-ĐT cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị tổ chức tốt các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong các trường THPT và giáo dục thường xuyên. Theo đó, học sinh đã được định hướng ngành nghề, cung cấp kỹ năng chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp; khám phá, nhận biết năng lực bản thân, định hướng nghề nghiệp và khởi nghiệp… giúp học sinh thuận lợi trong quá trình chọn trường, chọn nghề.
Em Lê Thị Minh Châu, học sinh Trường THPT Bình Sơn (H.Long Thành) cho biết, trước đây em cũng nghe nói nhiều về khởi nghiệp nhưng chỉ hiểu một cách mơ hồ. Thế nhưng khi nghe chuyên gia nói về khởi nghiệp tại buổi tư vấn hướng nghiệp ở trường, em mới hiểu thế nào là khởi nghiệp, những yếu tố quan trọng cần có của người bắt đầu khởi nghiệp và đặc biệt em hiểu được rằng bất cứ người trưởng thành nào cũng có thể khởi nghiệp chỉ cần mình có một ý tưởng kinh doanh khả thi có thể đem lại lợi ích cho bản thân và xã hội.
Chị Bùi Thị Nhàn, Phó bí thư Tỉnh đoàn cho biết, bên cạnh các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp dành cho đối tượng học sinh tại các trường THPT, dưới sự định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn cùng với Hội LHTN, Hội Sinh viên tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, thanh niên khởi nghiệp. Trong đó, định kỳ hằng năm, tổ chức các ngày hội sinh viên Đồng Nai sáng tạo khởi nghiệp với các hoạt động: sàn giao dịch ý tưởng, diễn đàn khởi nghiệp, phỏng vấn thử nhằm định hướng việc làm; tổ chức cuộc thi Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp; tập huấn khởi nghiệp… thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên, HSSV.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Hội Sinh viên tỉnh phối hợp với Sở KH-ĐT tổ chức chương trình Học kỳ doanh nghiệp - một dạng hỗ trợ khởi nghiệp nhưng tập trung vào đào tạo con người - nhân tố góp phần làm nên sự phát triển của phong trào khởi nghiệp. Đỗ Xuân Hồng, sinh viên năm 3, Khoa Nông học Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu Đồng Nai cho biết, vừa học vừa bán hàng online nhưng khi tham gia Học kỳ doanh nghiệp, bản thân Hồng được học hỏi rất nhiều điều, từ kinh nghiệm khởi nghiệp đến đạo đức kinh doanh, quý trọng thời gian…
* Tạo môi trường để HSSV khởi nghiệp
Bên cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, trong Kế hoạch 1195/KH-UBND triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đề cập đến giải pháp tạo môi trường để HSSV khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của HSSV…
Theo Phó bí thư Tỉnh đoàn Bùi Thị Nhàn, bên cạnh công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến HSSV trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trước khi có kế hoạch của UBND tỉnh, Tỉnh đoàn cũng đã tổ chức được các hoạt động hỗ trợ và đồng hành với HSSV trong quá trình thực hiện các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Chẳng hạn như năm 2017, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức cuộc thi Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp thu hút 150 ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên, HSSV tham gia. Ban tổ chức đã chọn 44 ý tưởng tham gia vòng sơ khảo (các thí sinh thuyết trình ý tưởng trước Ban giám khảo và phản biện các vấn đề liên quan đến ý tưởng mà Ban giám khảo đặt ra). Sau vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn 18 ý tưởng vào vòng bán kết. Trước khi diễn ra vòng bán kết, các tác giả có ý tưởng khởi nghiệp đã được tư vấn, hỗ trợ, bổ sung hoàn thiện ý tưởng.
Hay như tại Ngày hội Sinh viên Đồng Nai sáng tạo khởi nghiệp năm 2018, các ý tưởng, dự án của sinh viên tham gia sàn giao dịch ý tưởng đều nhận được hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, dự án. Đặc biệt, có một ý tưởng của sinh viên đã được một doanh nghiệp hỗ trợ vốn, đất sản xuất và cải tiến công nghệ để hiện thực hóa ý tưởng.
Tại các trường đại học, cao đẳng hiện đang hình thành các trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, thành lập các CLB khởi nghiệp… Theo TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng, hiện nhà trường bố trí một khu làm việc chung, kết nối với một doanh nghiệp đảm nhận việc đào tạo trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, và để sinh viên trải nghiệm bán sản phẩm. Do nhà trường có quy định bắt buộc sinh viên ra trường phải có kỹ năng mềm, trong đó có kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp nên 100% sinh viên của nhà trường đều trải qua lớp đào tạo khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức những lớp đào tạo khởi nghiệp chuyên sâu dành cho những sinh viên có nhu cầu. Bên cạnh đó, nhà trường còn có cơ chế hỗ trợ toàn bộ chi phí để sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp ngoài nhà trường. Một số giảng viên trong trường cũng thành lập Công ty TNHH Khởi nghiệp cùng sinh viên nhằm hỗ trợ sinh viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.
TS Nguyễn Văn Tân cho rằng, việc đào tạo khởi nghiệp cho HSSV từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng quan trọng, quyết định tương lai của chính họ. Trong thực tế, người có kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp sẽ có khả năng nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội và dễ thành công hơn. Và nội dung khởi nghiệp không chỉ dành cho HSSV khối kinh tế mà cần thiết cho tất cả mọi đối tượng HSSV. |
Ý kiến bạn đọc