Khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân

Thứ ba - 19/01/2021 02:29 321 0

Trong những năm tới, TP tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao tại Công ty CP Năng lực Việt, khu công nghiệp Nam Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải

Sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao tại Công ty CP Năng lực Việt, khu công nghiệp Nam Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp 40% tổng sản phẩm (GRDP) 

Trong năm 2020, Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho 26.441 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 337.689 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội lên 303.646 doanh nghiệp (đứng thứ hai về số lượng doanh nghiệp trên cả nước). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 6.298 doanh nghiệp (tăng 21% so với cùng kỳ). Giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, TP Hà Nội có hơn 112.000 doanh nghiệp thành lập mới; số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%. 

Số doanh nghiệp tư nhân của Hà Nội đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp tới 40% tổng sản phẩm (GRDP) cho TP, cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Qua đó có thể thấy, đội ngũ DNNVV, doanh nghiệp tư nhân của TP Hà Nội đã và đang ngày càng có vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước. 

Theo mục tiêu của UBND TP, giai đoạn 2021 - 2025, DNNVV phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: Tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tăng trưởng GRDP và trên 30% ngân sách TP. 

Trong những năm qua, Chính quyền TP đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Đến năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã đạt 100%. Các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, vốn, điện năng đều được chú trọng để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Hà Nội thực hiện 100% đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; triển khai tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh. Kê khai thuế qua mạng đạt 97,1%; 95,5% đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử và tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt khoảng 95%; trao đổi thông tin với doanh nghiệp 100% qua thư điện tử. Các sở, ngành đơn giản hóa 91 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó thực hiện rà soát từng thành phần hồ sơ, từng khâu thực hiện, rút ngắn được thời gian thẩm định hồ sơ nhu cầu sử dụng đất được từ 5 đến 10 ngày... 

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khởi nghiệp

Ngay trong năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm từ 7,5% trở lên. 

Tại Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 do Chủ tịch UBND TP ban hành, phê duyệt đề án “Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, có 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ thực hiện đề án trên, gồm: Hỗ trợ chung cho các DNNVV; hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ theo cơ chế của Hà Nội. 

Kinh phí để thực hiện đề án là 957,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP Hà Nội hỗ trợ 832,5 tỷ đồng; đối ứng của các tổ chức, cá nhân 125,1 tỷ đồng. Ngoài kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán của đề án trên, hàng năm, các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc TP và UBND các quận, huyện… sẽ xây dựng dự toán kinh phí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động hỗ trợ DNNVV đã được phê duyệt để triển khai thực hiện. 

Các chính sách hỗ trợ cụ thể bao gồm: Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong các DNNVV; Hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp... Đồng thời hỗ trợ ít nhất 500 DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ điện tử... 

TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường, góp phần cải thiện chỉ số PCI của TP. Tháo gỡ vốn, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Khi doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong việc thích ứng với rủi ro thì các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mới phát huy được hiệu quả.

TP Hà Nội xác định, một trong những mục tiêu quan trọng của TP giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tận dụng tối đa thành quả của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân để tạo động lực phát triển kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết Khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân tại chuyên mục Quốc gia khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây