Mỗi năm, trên địa bàn cả nước có hàng trăm ngàn gói thầu được thực hiện. Nếu như các DN khởi nghiệp sáng tạo có thể tham gia chỉ một phần nhỏ trong số này thì cơ hội thương mại hóa sản phẩm và thị trường cho công nghệ Việt sẽ lớn hơn. Thực tế, trình độ tư duy, khả năng phát triển công nghệ của người Việt là rất tiềm năng, tuy nhiên môi trường để đội ngũ “tinh hoa”, nhà nghiên cứu, sáng tạo có đất phát triển thường thua thiệt hơn so với nhiều quốc gia khác. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kinh nghiệm cho thấy Nhà nước đưa ra các vấn đề cần giải quyết về mặt công nghệ và cung cấp tài trợ cho những đề xuất tốt từ nhiều start-up. Sau đó theo sát quá trình phát triển công nghệ, phát triển mô hình kinh doanh của start-up, lựa chọn những start-up có giải pháp hoàn thiện, phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề của Chính phủ và sản phẩm của start-up đó sẽ được Chính phủ mua lại.
Đối với Việt Nam, việc hỗ trợ DN Việt trong đấu thầu mua sắm công không chỉ củng cố nội lực DN mà còn có lợi cho Nhà nước khi được tiếp cận các công nghệ, giải pháp phù hợp với các vấn đề quan trọng một cách nhanh chóng và với chi phí thấp hơn nhiều so với việc mua các giải pháp có sẵn, đặc biệt là giải pháp công nghệ từ nước ngoài. Sản phẩm, công nghệ Việt khi được ứng dụng thành công ở trong nước, tạo được uy tín sẽ là động lực để họ vươn ra thế giới, trở thành những kỳ lân mới của nền kinh tế Việt Nam.
Tăng cường mua sắm công, sử dụng sản phẩm của DN nội cũng kích thích sự sáng tạo của DN, ngày càng đưa ra được những sản phẩm, giải pháp mới phục vụ sự phát triển của đất nước. Ngược lại, họ sẵn sàng đóng thuế nhiều hơn cho Nhà nước, tạo ra nhiều việc làm, là tiền đề cho khát vọng, “tầm nhìn 2045” xây dựng một nước Việt Nam hùng cường trên bản đồ thế giới.
Ý kiến bạn đọc