Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong 10 năm qua (2010-2020) toàn tỉnh đã đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 16.900 lao động. Phần lớn các lao động tham gia học nghề là đồng bào dân tộc thiểu số với trên 10.500 người và hộ nghèo, cận nghèo với trên 4.000 người.
Các lao động được đào tạo chủ yếu với các nghề: Trồng và chăm sóc cây: cà phê, hồ tiêu, điều, lúa; khai thác nấm; khai thác mủ cao su; chăn nuôi: heo, gà, trâu, bò.
Kết thúc thời gian học nghề, trong giai đoạn 2011 - 2015 có trên 6.000 lao động có việc làm (đạt 85%) và giai đoạn 2016 - 2020 có trên 7.400 lao động tìm được việc làm (đạt 84%).
Nhiều lao động đã ứng dụng và có hàng loạt mô hình tiên tiến, sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở trên địa bàn tỉnh.
Tiêu biểu tại huyện Cư M'gar, vào năm 2019 Trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp cùng Nông trường cao su Phú Xuân đào tạo 35 học viên. Sau khóa học, 31 người đã được nông trường nhận vào làm việc ổn định, với mức thu nhập bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng.
Anh Huỳnh Đức Quốc (ngụ xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) đã theo học nghề trồng và khai thác nấm do huyện tổ chức. Kết thúc khóa học, anh Quốc đã nắm bắt được kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư 6 trang trại sản xuất nấm rơm với doanh thu khoảng 60 triệu đồng/tháng, lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng/tháng và tạo công ăn, việc làm cho 2 lao động.
Hay trường hợp học viên Lê Đình Kế (ngụ xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) sau khi trải qua khóa đào tạo nghề chăn nuôi heo đã ứng dụng kỹ thuật, mạnh dạn triển khai từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ của gia đình thành quy mô lớn lên đến trên 700 con/năm. Lợi nhuận bình quân từ nghề nuôi heo mang lại cho anh kế lên tới 500 triệu đồng/năm và còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương.
Tương tự, anh Trần Dũng Mạnh (ngụ xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đã ứng dụng kỹ thuật được học từ khóa đào tạo nghề, phát triển nghề chăn nuôi heo ký kết với công ty, quy mô khoảng 2.000 con/năm mang lại thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm.
Theo anh Mạnh, trước đây anh theo học ngành Công nghệ thông tin và ra trường không có được việc làm ổn định. Sau đó, anh đăng ký học khóa đào tạo nghề chăn nuôi heo do Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức, giúp cho anh có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để ứng dụng vào thực tiễn để mạnh dạn đầu tư phát triển kinh doanh.
"Tôi cảm ơn khóa đào tạo đã giúp những thanh niên nông thôn như chúng tôi được lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình. Điều tôi mong muốn đó là sau khi các học viên được đào tạo nghề xong sẽ được các ngân hàng hỗ trợ vốn vay ban đầu để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh như vậy sẽ thuận tiện hơn rất nhiều", anh Mạnh đề xuất.
Theo một lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, địa phương là tỉnh có lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động, tuy nhiên lực lượng này chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo, với trình độ sản xuất thấp. Kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động thời gian qua đã giúp nâng cao trình độ, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã có những tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức với chính quyền các cấp và nhận thực của người dân về dạy nghề - học nghề.
"Lao động sau khi học nghề đã vận dụng các kiến thức đã học vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất; nhiều lao động đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập không những cho bản thân mà góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động khác", vị lãnh đạo cho biết thêm.
Ngoài ra, những đề xuất của các Trung tâm GDNN - GDTX, các học viên như: nguồn vốn vay sau khóa đào tạo; bố trí giáo viên, đầu tư trang thiết bị giảng dạy; các chính sách khuyến khích sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề; nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, của xã hội về công tác đào tạo nghề… đều được ghi nhận, kiến nghị đến UBND tỉnh, Sở LĐ -TB&XH nhằm triển khai việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn tiếp theo được hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc