Phác hoạ chân dung một mentee lý tưởng

Thứ hai - 29/07/2019 10:24 535 0
Phác hoạ chân dung một mentee lý tưởng

1. Làm rõ điều bạn cần

Hai bác sĩ y khoa Vineet Chopra(*) và Sanjay Saint(**) từng chia sẻ rằng, “Tôi cần một cố vấn” là câu nói mà họ thường nghe thấy tại các hội trường hay đại sảnh bệnh viện, đặc biệt là các trung tâm học thuật về y khoa (Academic Medical Center) nơi chuyên đào tạo nên đội ngũ bác sĩ tương lai. Dưới quan điểm của bác sĩ học thuật, trong sự nghiệp của mình, họ đã nhiều lần phản đối những đề nghị này. Bởi điều kiện tiên quyết khi một người muốn tìm cố vấn là xác định rõ rang bạn cần sự hỗ trợ ra sao.

Trong khi nhiều mentee – những người khao khát trở thành bác sĩ/ nhà khoa học – mong muốn nhận được sự hướng dẫn chính thức dài hạn thì một số khác chỉ cần được hỗ trợ nhanh một lần. Ví dụ, họ cần tư vấn cách đàm phán nhận việc, nói chuyện tại hội thảo quốc gia, hoặc tìm chỗ đứng trong bệnh viện. Những tình huống khác nhau sẽ đòi hỏi các nhu cầu khác nhau về hình thức cố vấn. Hiện nay, nhiều đơn vị đã phân loại 3 dạng mentor: huấn luyện (coach), tài trợ (sponsor) hoặc kết nối (connector).

Huấn luyện viên là người rất phù hợp để giúp bạn cải thiện hiệu suất trong các tình huống, vấn đề cụ thể. Những mentee gặp thách thức nhỏ và cụ thể như chuẩn bị diễn thuyết sẽ nhận được lợi ích khi học hỏi cùng huấn luyện viên.

+ Bên cạnh đó, một vài mentee lại tìm nhà tài trợ làm “người chống lưng” về chuyên môn, mối quan hệ hoặc cơ hội. Các nhà tài trợ này là người có vị thế, nắm giữ được nguồn lực vững vàng đáng kể về chính trị lẫn xã hội trong sự nghiệp như trưởng khoa, viện trưởng, chủ tịch… Họ dùng dấu ấn cá nhân giúp các nhân tố mới giàu tiềm năng gia nhập vào những nhóm nghiên cứu, tổ chức uy tín và mạng lưới xã hội danh giá.

+ Cuối cùng, nhiều mentee rất cần người kết nối, một hướng dẫn dày dạn giúp mentor và mentee gặp gỡ nhau, hoặc xây dựng đội cố vấn. Người kết nối chính là đầu mối hữu ích tạo nên mối quan hệ cho mọi người.

2. Lựa chọn khôn ngoan

Biết mình cần gì là bước đầu tiên, theo đúng mentor là điều quan trọng thứ hai. Giống như khi tìm kiếm đối tượng kết hôn, việc chọn cố vấn chuyên môn ảnh hưởng đến 95% khả năng thành công và hạnh phúc của bạn.

Hãy bắt đầu từ việc xác định xem ai chính là người gặt hái những thành công rực rỡ mà bạn yêu thích, nể trọng và tin tưởng. Trong khi thành tựu của mentor là điều quan trọng thì những phẩm chất cá nhân (như lòng vị tha, tính kiên nhẫn, khả năng cân bằng công việc và cuộc sống) của họ cũng là mấu chốt đáng cân nhắc. Nên tìm một cố vấn mà bạn có thể liên hệ, họ chia sẻ các mục tiêu như bạn và hiểu được những ưu tiên của bạn.

Đặc biệt lưu ý rằng, một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực bạn tham gia không nhất thiết là quyết định tốt nhất. Lời khuyên là hãy tìm những cố vấn mà bạn nhìn thấy hình ảnh tương lai mình trong đó – và chắc rằng họ luôn muốn chấp nhận thách thức.

3. Hứa ít – Làm nhiều

Mọi người thường tin rằng nhà cố vấn sẽ tìm kiếm bạn đồng chí hướng – người hoàn thành điều họ đã bắt đầu. Mentee lý tưởng thường sở hữu những phẩm chất nhất định như: nhiệt tình, tràn đầy năng lượng, có tổ chức và tập trung. Họ tiếp nhận phản hồi trong khi giữ vững tính trung thực và tích cực đáp ứng nhanh chóng. Luôn hành xử chính trực, và họ nhận thức rằng nỗ lực làm việc và dám hi sinh sẽ được nhận lại phần thưởng xứng đáng.

Cho nên mentee tốt sẽ học cách hứa hẹn ít “Tôi sẽ có bản nháp đầu tiên trong khoảng một tuần” và sau đó bàn giao vượt mức kỳ vọng “Tôi biết chỉ mới 3 ngày thôi, nhưng bản nháp đầu tiên đã sẵn sàng để gửi cho anh”. Và họ luôn luôn đảm bảo kết quả công việc mình làm ra đạt chất lượng cao.

4. Quý trọng thời gian của cố vấn

Cố vấn giỏi thành công là có lý do: Họ quản lý thời gian khôn ngoan, làm nhiều việc vào cùng một thời điểm nhằm bảo đảm thành công. Vì thế, mentee phải học cách tôn trọng thời gian của mentor. Ví dụ như dành thời gian đủ để mentor xem xét và cho nhận xét về ý tưởng hay sản phẩm của bạn. Chẳng hạn: 1 tuần để tóm tắt tổng quan và 2-3 tuần để đưa ra quyết định. Luôn xác định mục tiêu trước khi thực hiện các buổi họp, bằng cách vạch rõ nội dung muốn thảo luận, công việc cần hoàn tất… rồi bám sát vào đó trong suốt thời gian gặp mặt nhằm có kết quả tốt.

Quan trọng nhất, tuyệt đối tránh viết email dông dài, quanh co nếu bạn có thể sớm đưa ra câu trả lời hay đề xuất. Thay vào đó, đóng khung giải pháp của mình bằng cách gởi cho cố vấn các câu hỏi dạng “Nên – Không nên”, và để dành thời gian gặp trực tiếp cho những vấn đề dài hơi.

Thời gian của cố vấn là tài sản quý giá, hãy nghĩ ra những cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả (cả trực diện lẫn từ xa). Điều này rất quan trọng với thành công của bạn.

5. Cẩn thận với những cạm bẫy

Muốn nắm chắc thành công, bạn phải học kỹ năng quản lý– tức là tạo điều kiện thuận lợi để mentor chỉ dẫn mình. Khi người cố vấn mắc phải sai lầm hoặc thất bại trong các kế hoạch, mentee phải sẵn sàng đối mặt. Sự tắc trách hoặc khinh suất trong quá trình cố vấn (mentorship malpractice) – là một tập hợp hành động của mentor do vô tình hoặc cố ý – có thể gây tác động không thích đáng lên thành công của bạn.

Bạn cần nhận biết các dấu hiệu cảnh báo và biết đâu là biện pháp xử lý nên áp dụng. Ví dụ, nếu mentor đang dần trở thành một nút thắt cản trở tiến trình, hãy đặt ra các thời hạn thật cụ thể và xác định rõ điều gì sẽ xảy ra nếu trễ hạn. Ngược lại, trong trường hợp bạn nhận thấy cố vấn đang bắt đầu chiếm đoạt ý tưởng của mình thì các biện pháp quyết liệt là cần thiết.

Song song đó, hãy cẩn thận tránh những hành động sai lầm gây hại đến kết quả. Ví dụ, đừng giao tiếp với mentor theo cách thoát ẩn thoắt hiện như ma, cố tránh xa tầm nhìn để không phải giải quyết vấn đề khó khăn. Tương tự vậy, cũng đừng hành động như một con ma cà rồng, rút cạn năng lượng của mentor bằng cách bám riết không rời từ bên ngoài cho đến trên mạng, liên tục gọi điện thoại, gửi email, đặt ra vô vàn câu hỏi.

Các sai lầm của mentee hoàn toàn có thể tránh được, nhưng đòi hỏi phải có sự nhận biết và giám sát cẩn thận trong suốt quá trình hướng dẫn.

6. Cam kết và hoạt động tích cực

Hãy là một mentee mà ai cũng vui khi làm việc cùng! Không chỉ là người nhận năng lượng mà còn là người truyền sinh lực. Bạn phải bước vào công việc với tất cả sự hăng hái, nhiệt tình và đầy cảm hứng để các dự án tiến triển tốt nhất.

Nhiều khả năng các cố vấn sẽ phản ứng tích cực với người nào thể hiện nỗ lực giành lấy kết quả tốt hơn là quá chú tâm vào nhược điểm. Nhớ đừng phàn nàn về mọi người hoặc kêu ca trong các tình huống chưa thuận lợi. Khi vấn đề nảy sinh, như thực tế chúng vẫn xảy ra, hãy cố biến khó khăn đó thành cơ hội phát triển. Trình bày vài giải pháp, rồi lắng nghe xem cố vấn của mình có ủng hộ hay góp thêm lời khuyên nào khác để hành động không.

Nhiều người khi bắt đầu công việc mới hoặc chuyển sang lĩnh vực chuyên môn khác sẽ được phân công cố vấn dẫn dắt nhằm sớm hoà nhập và làm việc hiệu quả hơn. Hoặc cũng có khi bạn tự phát triển các mối quan hệ của mình để tìm một người thầy giúp xây dựng bản lĩnh và nâng cao năng lực. Dù tình huống nào, chúng ta cần phải nắm được quy tắc chung để việc hướng dẫn đạt kết quả mong muốn. Hãy thường xuyên học hỏi để hiểu bản thân và thuộc nằm lòng những điều mà cố vấn tương lai mong bạn hiểu nhé!

(Nguồn hình: Internet)

  CareerBuilderVietnam

Bạn đang đọc bài viết Phác hoạ chân dung một mentee lý tưởng tại chuyên mục Con đường Khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thông kê
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây