Cách đây 2 năm, từ số tiền tích cóp, chị Tô Thị Quyên (thôn Măng Tôn, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã mua 5 con dê giống. Nhờ biết chăm sóc, phòng bệnh, đàn dê của chị Quyên sinh trưởng tốt, nên chị quyết định tiếp tục đầu tư nuôi thêm. Chị Quyên bảo: Dê núi dễ nuôi, sinh sản nhanh, chống đỡ bệnh tật tốt, vốn ít lại cho hiệu quả cao, thu hồi vốn nhanh, trong năm, gia đình tôi đã bán hơn 30 con dê.
Đánh giá cao ý tưởng nuôi dê núi của chị Quyên, chị Đặng Thị Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Pờ Y - cho biết: Khi nghe chị Quyên trình bày ý tưởng, Hội LHPN xã nhận thấy đây là một mô hình hay, nên đã đề xuất UBND huyện hỗ trợ. Ngoài 50 triệu đồng được xét duyệt cho vay, đầu năm 2021 này, chị Quyên còn nhận thêm 5 triệu đồng hỗ trợ để phát triển đàn dê. Đây là mô hình rất có tiềm năng, đáng để chị em trong Hội học hỏi và làm theo.
Giống như chị Quyên, chị Bùi Thị Tý (thôn Ngọc Yên Phúc, xã Đăk Xú) cũng vừa nhận 5 triệu đồng hỗ trợ để phát triển mô hình trồng ổi lê, mít Thái. Sản phẩm trái cây từ diện tích 8 sào của chị vừa được xã giới thiệu để tham gia chương trình OCOP.
Đó là những ý tưởng kinh doanh của phụ nữ Ngọc Hồi được hưởng lợi từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Để triển khai Đề án này, sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện Ngọc Hồi đã ban hành Kế hoạch 417/KH-UBND ngày 27/3/2019, vai trò chủ trì triển khai thực hiện được giao cho Hội LHPN huyện.
Qua 2 năm triển khai, đến nay, các mục tiêu Đề án giai đoạn 2018 - 2020 đã đạt, vượt mục tiêu của kế hoạch đề ra. Trong đó công tác tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh cho cán bộ hội chuyên trách tham gia triển khai Đề án đạt 100% kế hoạch; tổ chức tuyên truyền, phổ biến về nâng cao việc làm, khởi nghiệp được 117 buổi, cho 8.318 lượt hội viên/8.123 hội viên, đạt tỷ lệ 102% kế hoạch đề ra.
Các cấp hội đặc biệt chú trọng hướng dẫn phụ nữ cách xây dựng ý tưởng, dự án kinh doanh bằng cách phối hợp mở lớp tập huấn hướng dẫn viết ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2020 cho 40 chị em tại 8/8 xã , thị trấn; phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức 1 lớp tập huấn về liên kết trong chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi VietGAP cho 35 chị em phụ nữ.
Đặc biệt, huyện hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng CSXH huyện và các nguồn vốn vay ủy thác của các đoàn thể khác theo quy định. Trong 2 năm qua, đã xét duyệt hỗ trợ 6 chị vay với tổng số tiền 350 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế; giải ngân 160 triệu đồng hỗ trợ mô hình liên kết nuôi heo đen, heo sọc dưa, nuôi bò sinh sản cho phụ nữ xã Đăk Dục… Với mục đích nuôi dưỡng, hình thành và phát triển thành các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ quản lý, trong thời gian tới, huyện triển khai hỗ trợ 6 ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ trên địa bàn huyện.
Không chỉ hỗ trợ sản xuất, huyện Ngọc Hồi còn hỗ trợ xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm xanh, sạch tại chợ thị trấn Plei Kần cho các hợp tác xã sản xuất rau, thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện, góp phần quảng bá các sản phẩm “nhà làm” tới thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Có thể nói, những hoạt động cụ thể, thiết thực xuất phát từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trong thời gian qua đã giúp hội viên phụ nữ trên địa bàn Ngọc Hồi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó giúp nâng cao thu nhập, có cuộc sống ổn định, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.
https://phunuvietnam.vn/kontum-nang-cao-thu-nhap-tu-khoi-nghiep-2021040612424213.htm
Ý kiến bạn đọc