Giá nhân công rẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp gắn kết, được nhà nước hỗ trợ tối đa…, những lợi thế này khiến Việt Nam, trong mắt những nhà khởi nghiệp nổi tiếng ở châu Á và thế giới, đang là miền đất hứa cho giới khởi nghiệp.
Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025. Hiện nay, các trường đại học, học viện, trường cao đẳng và trường trung cấp đã có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển quan trọng nhờ vào sự hình thành của nền kinh tế số. Với thuận lợi là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao ở Đông Nam Á, thu nhập GDP bình quân đầu người cũng có chiều hướng tăng. Qua đó giúp các startup Việt tận dụng lợi thế sân nhà để xây dựng nền tảng ban đầu vững chắc rồi từ đó tiến dần ra khu vực Đông Nam Á và xa hơn là ra thị trường toàn cầu.
Hiện có 91% người Việt được khảo sát cho biết họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước. 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Đồng thời, 96% người Việt được khảo sát cũng cho rằng họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng. 76% người Việt trả lời là để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình, và đây là lý do chính của việc Việt Nam dẫn đầu bảng khảo sát.
Ngoài ra, với hỗ trợ và đồng hành của chính phủ bao gồm những hoạt động như: Xây dựng hành lang pháp lý, thiết lập cơ sở hạ tầng, tổ chức các chương trình đào tạo nhân tài và các sự kiện, cuộc thi cho startup. Có thể thấy, chính phủ đang xem các công ty khởi nghiệp như một nguồn động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Một loạt các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp đã đem lại tác động tích cực đến tư duy của thế hệ trẻ, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam. Hiện Chính phủ đang coi các công ty khởi nghiệp như một nguồn động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Cụm từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, từ các cơ quan truyền thông đến các nhà hoạt định chính sách. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, các cuộc tọa đàm, hội thảo được tổ chức với tần suất ngày một tăng. Nhiều chính sách, luật và chương trình khuyến khích khởi nghiệp đang được nhà nước xây dựng, ban hành. Tuy nhiên, để tạo nên thành công các startup vẫn luôn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp truyền thống đã thành công trên thị trường và các đối thủ tiềm năng.
Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công trong thực tế, trước nhất cần sự thay đổi nhận thức và chuyển biến thành những hành động thiết thực hơn so với chỉ hô hào khẩu hiệu. Cần có nhiều cuộc chia sẻ từ các chuyên gia, cố vấn với quy mô lớn, làm sao để người dân, đặc biệt là các tầng lớp thanh niên hiểu rằng ngoài con đường đi làm thuê, còn có con đường tự thân lập nghiệp đồng thời tạo việc làm cho người khác; phải làm cho họ tự tin; chỉ cho họ cách thức để đăng ký một doanh nghiệp như thế nào, vốn tìm ở đâu ra, quản lý một doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách nào, có khó lắm không….
Qua đó rất cần kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp trẻ có năng lực, trình độ và tâm huyết gây dựng đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp. Không chỉ bằng đóng góp tài chính, việc truyền thụ các kiến thức kinh doanh, các bài học kinh nghiệm thực tiễn mà họ đã trải qua sẽ giúp các học viên và khơi gợi ở họ tinh thần khởi nghiệp; từ đó sẽ kích thích thành các phong trào khởi nghiệp.
Mặc dù, nhiều người nói Việt Nam đang rất cởi mở và nhiều cơ hội cho các startup. Nhưng để có một startup thành công thì không phải là việc dễ dàng. Khởi nghiệp là một cuộc đua marathon trường kỳ, ai kiên gan nhất sẽ là người cười cuối cùng, cho dù bạn có nhận được nhiều hỗ trợ và đang sống trong hệ sinh thái tốt đến như thế nào.
Kiên định chính là một phẩm chất sống còn của một startup, kiên nhẫn với đam mê và mục tiêu mà mình đã chọn lựa ban đầu thì mới có thể đến thời gian bùng cháy.
Ý kiến bạn đọc