Tiếp sức cho startup vượt qua đại dịch

Thứ tư - 30/06/2021 23:11 314 0

Tiếp sức cho startup vượt qua đại dịch

Đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là startup rơi vào trạng thái bấp bênh, khủng hoảng. Để doanh nghiệp tiếp tục “sống sót”, “sống khỏe” sau đại dịch, cần thêm các chính sách, các gói hỗ trợ thiết thực trong thời gian tới.

Khó khăn chồng chất

Dịch COVID-19 đã và đang diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đại dịch làm đứt gãy chuỗi sản xuất, thương mại, hạn chế sự di chuyển của các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đa số vừa mới được hình thành nên nguồn lực còn hạn chế, dẫn đến phá sản.

Theo số liệu từ Cổng đăng ký doanh nghiệp Quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả nước giảm mạnh, trong khi số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và hoàn thành thủ tục giải thể tăng cao. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 9.942 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, ngành có số doanh nghiệp giải thể nhiều nhất là dịch vụ với 7.428 ND; ngành công nghiệp với 2.3809 doanh nghiệp… Số doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn 6 tháng lên tới 35.607 doanh nghiệp, tăng 22,1%.

Chia sẻ về những khó khăn trong kinh doanh, anh Lê Tuấn Vũ - CEO VuFood cho biết, dự án VuFood dùng công nghệ IOT để quản lý toàn bộ các máy bán hàng tự động như máy bán cà phê, trà sữa… Doanh thu của dự án trực tiếp từ bán sản phẩm và quảng cáo trên màn hình. Kế hoạch kinh doanh của dự án tập trung vào mảng trường học, bệnh viện, tuy nhiên khi dịch COVID-19 bùng phát, trường học tạm nghỉ, các bệnh viện cũng hạn chế người ra, vào dẫn đến nguồn doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, lô thiết bị nhập từ nước ngoài về bị lưu kho, khiến công ty khó khăn về dòng tiền.

Tương tự, khi dịch COVID-19 bùng phát, nền tảng gọi xe TaxiGo cũng lâm vào cảnh khó khăn. Anh Phạm Dũng - Founder TaxiGo cho biết, thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi năm công ty phục vụ khoảng 100.000 khách hàng. Nhưng đến khi dịch COVID-19 bùng phát, các lễ hội, du lịch tạm dừng nên doanh thu của công ty giảm 70%, có thời điểm doanh thu về mức 0 đồng. Tuy nhiên theo anh Dũng, đây là cơ hội hoàn thiện lại mô hình. Tranh thủ thời gian nghỉ dịch, công ty tập trung hát triển lại nội dung, hoàn thiện mặt công nghệ, gia tăng trải nghiệm của khách hàng.

Cần thêm đòn bẩy từ chính sách

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thời điểm này Chính phủ cũng như quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng nên có hỗ trợ ban đầu về mặt tài chính để các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Trong đó vấn đề đầu tiên vẫn là chính sách. Hiện nay các yếu tố cấu thành của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tuy nhiên mối quan hệ khăng khít giữa các đơn vị trong hệ này nếu được duy trì và phát triển thì hệ sinh thái sẽ tái khởi động lại rất nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, chính sách phải được ban hành kịp thời, phải mở đường cho những động thái mới, chuyển động mới sôi động hơn trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Còn theo Vụ Trưởng Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy, để tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh trong thời kỳ doanh nghiệp vẫn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, trước tiên cần ưu tiên hàng đầu lúc này là phòng chống và dập dịch. Bên cạnh đó, tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 theo hướng cho phép doanh nghiệp cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết năm 2021. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trở nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh.

Tiếp đến cần bổ sung Nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế đối với việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, ban hành Nghị quyết tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021.

Với các khoản phí, lệ phí phải nộp, đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đến hết năm 2021; giãn đóng phí công đoàn và giảm phí công đoàn đến hết năm 2021. Ngoài các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như trên, về dài hạn cũng nên có các chính sách mới để “lôi kéo’ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới về quy trình và công nghệ sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu đầu vào và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do COVID-19 tạo ra.

https://kinhtedothi.vn/kinh-te/doanh-nghiep/

Bạn đang đọc bài viết Tiếp sức cho startup vượt qua đại dịch tại chuyên mục Quốc gia khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây