Trí tuệ Việt trong vườn ươm khởi nghiệp

Thứ năm - 18/02/2021 05:24 493 0
kỹ sư Tống Vũ Thân Dân và đứa con khởi nghiệp của mình tại vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao - Ảnh: NGỌC HIỂN

kỹ sư Tống Vũ Thân Dân và đứa con khởi nghiệp của mình tại vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trút hết vốn liếng, dốc tâm sức và kinh nghiệm đã tích lũy từ môi trường quốc tế, họ tạo ra những sản phẩm công nghệ mang trí tuệ Việt.

Đây là ba trong số hàng chục dự án được ươm tạo tại vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Đưa AI vào đồ chơi trẻ em

Trong một buổi giới thiệu các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu tại TP.HCM, khách tham quan triển lãm nán lại rất lâu để trải nghiệm mô hình đồ chơi trẻ em ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). 

Trên tay cầm chiếc "đũa thần" bằng gỗ có hình ngôi sao, các em bé sẽ học cách lập trình, tư duy logic khi dùng đũa thiết lập đường đi nước bước cho chiếc xe bằng gỗ có ánh đèn chớp nháy đặt trong sa hình với rất nhiều khúc cua và chướng ngại vật. 

Tùy theo cách bé chọn đường, chiếc xe gỗ sẽ rẽ trái, rẽ phải hay đi thẳng để tìm đến đích là trường học, nhà bà nội hay mang chiếc bánh chưng, bánh giầy cho bà ngoại ngày tết.

Bên trong món đồ chơi bằng gỗ tưởng chừng đơn giản này là sáng chế về công nghệ với lập trình có thể cập nhật để tùy biến cách thức chơi, khuyến khích trẻ em sáng tạo, và báo cáo về cho cha mẹ tỉ lệ trẻ chơi chuẩn xác. 

Chủ nhân dự án này là kỹ sư Tống Vũ Thân Dân (38 tuổi), từng đảm nhiệm vai trò thiết kế máy móc cho công ty Mỹ, sang Nhật làm công nghệ bán dẫn rồi trở về Việt Nam làm kỹ sư cho Tập đoàn Intel. Cuối cùng, khi đã tích lũy đủ nguồn lực, anh quyết định gây dựng dự án riêng.

Ý tưởng đến với anh Dân rất bình dị: khi con nhỏ quá đam mê smartphone, ông bố bấm bụng đưa cho con chiếc điện thoại, lòng đau đáu nghĩ phải làm sao để có thứ đồ chơi cũng ứng dụng công nghệ, có tính giáo dục cao nhưng không cần đến màn hình. 

Thế là món đồ chơi gỗ mang tên Kodimo đã ra đời để giúp trẻ phát triển tư duy, thổi công nghệ vào một món đồ chơi mà xưa nay chỉ dùng cho trẻ xếp hình.

Suốt 3 năm mày mò nghiên cứu, đổ vào dự án cả tỉ bạc tích cóp từ thời còn làm kỹ sư, kết quả đã là những trái ngọt đầu tiên: hai phiên bản được mang sang Hàn Quốc thử nghiệm và bắt đầu thương mại hóa, mỗi bộ sản phẩm có giá chừng 5,5 triệu đồng đã xuất hiện trên các trang thương mại điện tử, có ngôn ngữ tiếng Anh để tiếp cận những thị trường tỉ đô như Mỹ, Pháp... 

"Cái hay của trò chơi này là giúp trẻ được tưởng tượng, sáng tạo với sự trợ lực của công nghệ ẩn nấp dưới lớp vỏ gỗ rất gần gũi với trẻ em nên tôi tin dự án này sẽ thành công" - anh Dân nói.

Kỹ sư Lương Vũ Đăng Quang (phải) giới thiệu máy laser với bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp TP.HCM - Ảnh: T. TRUNG

Kỹ sư Lương Vũ Đăng Quang (phải) giới thiệu máy laser với bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp TP.HCM - Ảnh: T. TRUNG

Sản phẩm Việt dành cho thế giới

Một chàng kỹ sư người Việt khác mới chân ướt chân ráo sang Hàn Quốc một năm đã leo lên vị trí trưởng phòng và hai năm sau đó đã giữ chức giám đốc R&D (nghiên cứu và phát triển) của một công ty công nghệ. 

Trước đó, chàng đã có kinh nghiệm ba năm làm về điện tử cho một công ty Mỹ tại Việt Nam. Lương Vũ Đăng Quang (41 tuổi), hiện là chủ nhiệm dự án khởi nghiệp Amed với sản phẩm là các thiết bị y tế dựa vào công nghệ laser và quang học.

Hành trình trở về Việt Nam khởi nghiệp là một quyết định táo bạo. Tại Hàn, anh Quang làm cho một công ty phát triển các thiết bị laser ứng dụng trong y tế, thẩm mỹ để xuất khẩu sang các nước. Sau 7 năm, nhận thấy rằng mình đã làm chủ được công nghệ, "chất xám" của người Việt lại mang về bán sản phẩm cho người Việt với giá cao gấp bội nên anh Quang quyết thành lập công ty riêng.

"Tôi hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm của người Việt, sản xuất trong nước hoặc xuất khẩu với giá rẻ hơn rất nhiều" - anh nói. Quyết định về Việt Nam tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. 

Ở Hàn, mỗi cái bo mạch, mỗi con ốc vít đều đạt chuẩn mười mươi, còn tại Việt Nam chất lượng lại rất thiếu ổn định. Tuy vậy, năm 2016, dự án Amed của anh Quang vẫn bắt đầu tại TP.HCM, gầy dựng một không gian nghiên cứu và sản xuất máy laser dùng trong y tế, thẩm mỹ.

Đốt tiền túi cả chục tỉ đồng, đến năm ngoái anh Quang mới bắt đầu có doanh thu. Sản phẩm đầu tiên "thiết bị laser CO2 vi điểm ứng dụng trong tái tạo da và xóa sẹo" vừa ra lò đã được đưa đến sử dụng tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Sau đó, những chiếc máy khác lần lượt xuất cảng để sang Mỹ, quay ngược trở lại bán ở Hàn Quốc, còn riêng trong nước giá xuất kho rẻ hơn nhập khẩu đến 30%. 

Hiện nay, anh Quang cùng các cộng sự của mình đang tiếp tục nghiên cứu máy điều trị sắc tố da, vừa giảm giá thành vừa tiến đến xuất khẩu các loại máy laser Việt sang các thị trường ở Đông Nam Á.

Bạn đang đọc bài viết Trí tuệ Việt trong vườn ươm khởi nghiệp tại chuyên mục Quốc gia khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây