Trong bối cảnh hiện tại, kinh tế các địa phương thay đổi rõ rệt theo từng nhóm ngành, việc này ảnh hưởng đến Hệ sinh thái khởi nghiệp miền Trung – Tây Nguyên cũng như trên cả nước. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cùng với các yếu tổ ngoại lực khác tác động yêu cầu các địa phương cần phải nhanh chóng thích nghi, thay đổi để ứng phó và phát triển.
Tại Hội thảo “Kết nối mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung – Tây Nguyên”, Sở Khoa học – Công nghệ Quảng Nam đã phối hợp với Vườn ươm sông Hàn phối hợp tổ chức đã đưa ra định hướng trong thời kỳ mới. Trong đó, mở rộng kết nối, tạo nền tảng vững chắc có các địa phương trong hệ sinh thái chính là mục tiêu chung của thời kỳ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh hiện nay đã gần 8.000 đơn vị, đóng góp vào ngân sách trên 18.000 tỷ đồng, giải quyết gần 1 triệu lao động. Hiện tại, dư địa của Quảng Nam còn nhiều để phát triển các ngành như công nghiệp phụ trợ, cụ thể là ô tô, điện tử, du lịch, logictics, dược liệu và công nghiệp dược liệu,...
Thời gian qua, Quảng Nam cũng đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn về đô thị. Bên cạnh đó, chuyển đổi số của Quảng Nam cũng là bước chuyển mình lớn, có thêm một giai đoạn mới đó là phát triển từ người dân đi lên đến bộ máy chính quyền.
"Chính quyền Quảng Nam rất quan tâm đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan để phát triển đổi mới sáng tạo, hỗ trợ lực lượng khởi nghiệp. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng thông qua rất nhiều cơ chế, chính sách dành cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng gặp vô vàn khó khăn nên chúng ta còn nhiều chuyện phải làm trong tương lai. Hội thảo này mong muốn kết nối các địa phương càng nhiều càng tốt, “mách nước” những kinh nghiệm quý báu để cùng nhau tiếp thu và phát triển. Và thông qua hội thảo này, mọi người đều cùng phải chiến thắng", ông Hồ Quang Bửu nói.
Cùng trao đổi, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp (Bộ Khoa học - Công nghệ) Phạm Hồng Quất đã đề ra ba nội dung cần làm trong giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó thứ nhất là nhà nước đang có những chính sách đột phá để thu hút thêm nguồn lực cho hệ thống sinh thái phát triển có chiều sâu. Để tạo ra hiệu quả rõ nét, chúng ta phải làm gì để triển khai có hiệu quả khi nguồn kinh phí có hạn. Do đó, đối với liên kết vùng, mỗi địa phương nên mua hỗ trợ các sản phẩm của vùng chứ không phải địa phương mình, như vậy thị trường sẽ được mở rộng hơn rất nhiều.
"Thứ hai là mua công nghệ, nhưng điều kiện kinh phí không cho phép. Đã có rất nhiều nước bỏ hàng triệu đô để mua công nghệ về chyển giao cho doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp ta rất ít có điều kiện mua hoặc chưa mua công nghệ vì chưa có niềm tin, nhưng chính quyền thấy hay thì có thể mua về, coi như tài sản công để chuyển giao miễn phí cho doanh nghiệp. Nhưng phải có cơ chế để thực hiện vì cái này không có gì trái luật cả", ông Phạm Hồng Quất nêu đề xuất.
Về mặt tổ chức, ông Quất cho rằng mạng lưới khởi nghiệp phải có một đầu mối, tránh trường hợp làm theo phòng trào. Và ngành khoa học công nghệ sẽ là đầu mối để chủ trì đổi mới sáng tạo.
"Hiện nay có 47 vườn ươm trên cả nước, hầu hết chúng ta chỉ tập trung xây vườn nhưng không ươm được vì không có người ươm, đó là trách nhiệm của ngành Khoa học - Công nghệ. Vì công nghệ, thông tin khoa học công nghệ, thông tin sở hữu trí tuệ,... ngành Khoa học – Công nghệ năm tất cả trong tay nhưng không đưa vào đó. Vì vậy, Sở Khoa học – Công nghệ tại mỗi địa phương cần phải đi ra ngoài thị trường để cung cấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua con đường cố vấn, chứ không phải trong túi họ có gì là đem đi bán", ông Phạm Hồng Quất nói thêm.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp (Bộ Khoa học - Công nghệ) thông tin hiện nay có 47 vườn ươm trên cả nước, hầu hết chúng ta chỉ tập trung xây vườn nhưng không ươm được vì không có người ươm, đó là trách nhiệm của ngành Khoa học - Công nghệ.
Ông Lý Đình Quân – Giám đốc vườn ươm Sông Hàn nhận định công đồng doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần hệ sinh thái, cần rất nhiều nguồn lực để hoàn thiện bản thân. Ông Quân cho biết, Đà Nẵng trước đây đã chọn định hướng rất đúng khi không hỗ trợ khởi nghiệp từ bước đầu tiên, mà xây dựng năng lực các tổ chức khởi nghiệp từ ban đầu.
"Việc hỗ trợ để làm cho một doanh nghiệp tư nhân trước đây là vô cùng khó. Câu hỏi khó nhất vẫn là tiền đâu? Thời đại trước không cần có trí tuệ, chỉ cần có quan hệ, thông tin là đã có thể phát triển. Nhưng tương lai, việc đầu tư vào doanh nhân, trí tuệ mới có thể tạo ra giá trị của nên kinh tế, phát triển bền vững được. Những năm trước cơ chế chính sách đẻ ra rất nhiều, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận cơ chế chính sách thì vô cùng khó khăn, hầu như không thực hiện được," ông Lý Định Quân chia sẻ.
Vì này cho rằng bối cảnh hiện tại, nền kinh tế đã qua thời kỳ làm dụng vào giá trị của tài sản vật lý, thay vào đó hiện tại là thời của cạnh tranh những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, công nghệ chinh phục các thị trường lớn. Vì vậy các địa phương cần có khát vọng vươn lên, nâng tầm chiến lược hướng tới nền kinh tế quốc gia, nền kinh tế thế giới thì các địa phương sẽ luôn cạnh tranh lành mạnh, hợp tác với nhau.
Cùng chia sẻ, ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Quảng Nam thông tin tỉnh Quảng Nam chọn ra 04 lĩnh vực nông nghiệp - dược liệu, du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí – tự động hóa để tập trung hỗ trợ. Hiện nay, tất cả các dự án ở Quảng Nam đều tập trung ở những mảng này để hỗ trợ nhiều nất.
"Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng lựa chọn hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp gồm 03 nội dung chính là các nguồn lực qua các hệ sinh thái được bồi đắp, được đầu tạo năng lực, các dự án khởi nghiệp đã được UBND tỉnh công nhận và hỗ trợ phát triển thị trường. Khi tỉnh Quảng Nam triển khai hệ sinh thái thì tất cả lãnh đạo của các sở ngành đều nhảy vào tham gia, không ai đứng ngoài cho nên tỉnh khả thi rất cao. Song song, Quảng Nam cũng có lực lượng doanh nhân tham gia vào hệ sinh thái rất mạnh", ông Sinh thông tin.
Để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, ông Phạm Ngọc Sinh đề xuất các địa phương cần chú ý đến những đặc thù về thời gian cũng như độ phát triển của từng vùng, từng địa bàn để xây dựng, tránh làm mô phỏng. Ngoài ra, hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, phải phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dựa vào thực tiễn phát triển các ngành trên địa bàn, không nên đuổi theo xây dựng khởi nghiệp dựa trên các ngành công nghiệp mới,...
Ý kiến bạn đọc