Nhân ngày 20.10, chị Lê Thị Cẩm Trinh – Founder và CEO của Umbalena – Ứng dụng đọc sách, truyện tiếng Việt và tiếng Anh cho trẻ em đã có cuộc trò chuyện về chủ đề phụ nữ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Umbalena vừa vượt qua 922 dự án khởi nghiệp, lọt top 3 dự án xuất sắc nhất đồng thời chiến thắng giải tiên phong vì ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong khởi nghiệp tại Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp 2020 do Trung Ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
– Năm 2020 có thể xem là một năm rất đặc biệt, nhất là với các startup trước tác động của dịch COVID-19. Bởi startup không phải mô hình có lợi nhuận ngay, không có nhiều tích lũy về mặt tài chính để chống chọi với những cú sốc lớn. Chị đã chèo lái Umbalena đối mặt với khủng hoảng này như thế nào?
Khi bọn mình vừa ra mắt ứng dụng Umbalena trên App Store và CH Play thì COVID-19 bùng nổ. Tất nhiên, một công ty công nghệ không bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID. Thậm chí, COVID còn là đòn bẩy cho dự án.
Tuy nhiên, COVID-19 khiến mọi thứ bị xáo trộn, ai cũng hoang mang dẫn đến khó khăn trong việc đón nhận sản phẩm mới.
Để xoay chuyển tình thế, thay vì thu phí, bên mình đã chuyển sang miễn phí toàn bộ cho các bạn nhỏ từ 2 đến 8 tuổi sử dụng app Umbalena trong thời gian giãn cách xã hội. Không ngờ chỉ trong tuần đầu, đã có 60 ngàn lượt tải ứng dụng trên App Store.
Giãn cách xã hội cũng khiến mình phải tổ chức lại hoạt động của doanh nghiệp, tìm ra cách thức vận hành từ xa (work from home) mà vẫn đạt hiệu suất công việc. Startup của mình có 35 người – tất cả đều làm việc tại nhà trong thời kỳ giãn cách. Chúng mình cũng đã kịp hoàn thiện kho sách, truyện và học liệu tiếng Anh cho các bé trên ứng dụng di động trong thời kỳ này.
– Khi nhắc tới công ty công nghệ, người ta thường nghĩ tới nhà sáng lập là nam giới. Phải chăng, phụ nữ không có thế mạnh điều hành các công ty công nghệ?
Mình muốn nói với các chị em rằng không gì là không thể và không bao giờ là quá muộn để khởi nghiệp, dù trong lĩnh vực nào.
Mình xuất thân không phải là dân công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học Kinh tế Đà Nẵng, mình trở thành nhân viên văn phòng và kết hôn, sinh con.
Mãi sau này, nhận thấy xu hướng công nghệ số bắt đầu phát triển nên mình mới nghiên cứu, tìm tòi và chuyển hướng. Sau này, khi Grab về Đà Nẵng, mình có cơ hội làm việc và tích lũy kinh nghiệm tại đây trước khi khởi nghiệp.
Cái quan trọng là đam mê đủ lớn và cần mẫn quan sát, học hỏi để nhìn ra xu thế, giải pháp trước khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp.
– Chị có gặp bất lợi gì khi khởi nghiệp không?
Dưới góc độ kỹ thuật thì mình không giỏi bằng nam giới. Nhưng mình có Co-Founder và luôn luôn có các cộng sự.
Ngoài ra, người phụ nữ phải đảm đương cả vai trò làm mẹ trong khi làm chủ doanh nghiệp, nên mình phải rất cố gắng để thu xếp và tìm cách cân bằng giữa công việc – gia đình.
Ở đây, mình không muốn nói đến 2 từ hy sinh mà đó là lựa chọn.
Là phụ nữ khởi nghiệp, mình phải chấp nhận chi phí cơ hội lớn hơn nam giới bởi vì có những giai đoạn mình cần ưu tiên lựa chọn gia đình, con cái.
– Còn các áp lực khi startup công nghệ – nhất là về vốn? Rất nhiều công ty công nghệ được bơm rất nhiều tiền nhưng vẫn không thể tồn tại được. Chị giải quyết vấn đề này như thế nào?
Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khác với các mô hình kinh doanh truyền thống. Chi phí để phát triển người dùng trong ngành này cực kỳ lớn. Phải hút được 1 lượng người dùng đủ lớn thì mới có lợi nhuận – bọn mình hướng tới 1 triệu người dùng trong 2 năm tới.
Ngoài ra, sẽ có rào cản thị trường bởi nhiều phụ huynh quy đồng việc cho con sử dụng thiết bị điện tử là xấu. Bọn mình sẽ phải thay đổi định kiến này, cùng ba mẹ giúp các con sử dụng thiết bị điện tử an toàn và hiệu quả.
Tại Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp 2020 vừa qua, các thành viên trong ban thẩm định cũng góp ý với bọn mình là muốn phát triển đột phá thì phải chú trọng đến thị trường nông thôn.
Nếu chỉ dừng lại ở các thị trường thành phố thì có thể giải quyết được bài toán lợi nhuận và dòng tiền trước mắt nhưng công ty sẽ không đi được xa.
Để phát triển thị trường, bọn mình có kế hoạch lỗ lũy kế trong 2-3 năm tới.
Các nhà đầu tư sẵn sàng chịu lỗ vì họ nhìn thấy tiềm năng và độ lớn của thị trường. Hiện, Việt Nam có khoảng 10 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 8. Mỗi năm chúng ta cũng đón thêm 1 triệu em bé ra đời. Trong khi đó, việc sử dụng công nghệ hiệu quả, an toàn trong giáo dục con đang được các ba mẹ rất quan tâm. Xu hướng đó chính là cơ hội cho các startup công nghệ nói chung và công ty khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực giáo dục nói riêng.
– Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Theo http://khoinghiepsangtao.vn/
Ý kiến bạn đọc