Theo Báo cáo đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam (Vietnam Tech Investment) năm 2019, từ quốc gia đứng vị trí thứ 4 trong 6 nước ASEAN, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vươn lên thứ hạng 3, chỉ sau Indonesia và Singapore. Tuy nhiên, COVID-19 lại giáng một “đòn chí mạng” cho các startup Việt. Những doanh nghiệp non trẻ, hừng hực khí thế khởi nghiệp vừa gia nhập thị trường đã phải đối mặt với môi trường đầu tư, nhu cầu người dùng thay đổi nhanh chóng. Mặt khác, tình trạng thiếu vốn, kêu gọi đầu tư không còn thuận lợi và những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới khiến không ít startup rơi vào cảnh lao đao.
Báo cáo startup sáng tạo ở Việt Nam của Austrade cũng đã chỉ ra 5 thách thức “ngáng đường” hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, bao gồm: Khả năng tiếp cận tài chính - thuyết phục các nhà đầu tư; Tài năng và kỹ năng điều hành - không được đào tạo đầy đủ về khả năng kinh doanh; Hệ sinh thái còn phân mảnh; Khả năng R&D - năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới; Vấn đề sở hữu trí tuệ.
Từ góc nhìn của một “kỳ lân” Đông Nam Á, bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam từng cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, gọi vốn là một trong những thách thức lớn của startup Việt Nam. Trên thực tế, thách thức này không nằm ở việc thiếu vốn hay vì các nhà đầu tư thiếu quan tâm tới thị trường Việt Nam, bởi năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, tổng giá trị đầu tư vào startup công nghệ Việt vượt qua cả Singapore. Mà cái thiếu thật sự nằm ở khả năng và tầm nhìn của các nhà sáng lập. Các startup có thể mạnh ở giai đoạn tìm ý tưởng, nhưng tới giai đoạn triển khai và hoàn hiện thì lại thiếu tầm nhìn và những kỹ năng thực tế. Đây là điểm mà chúng ta phải đầu tư hơn nữa để bồi dưỡng cho các startup Việt Nam.
Ở khía cạnh tích cực, các chuyên gia cho rằng thế mạnh của các startup Việt Nam là sự sáng tạo và khả năng học nhanh. Theo đó, công nghệ và những giải pháp thông minh như áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng mới, cần các startup nắm bắt kịp thời khi COVID-19 đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Cơ hội vẫn luôn mở ra cho những startup biết thích nghi, có đủ kỹ năng để vươn lên trong tình huống khó khăn. Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, nhà đồng sáng lập Quỹ Do Ventures đánh giá, Việt Nam đang đứng trước cơ hội sẽ sớm xuất hiện những Kỳ lân công nghệ (startup được định giá 1 tỷ USD) và kéo theo hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước phát triển.
Theo các chuyên gia tham gia hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp nhận định, việc Việt Nam sẽ sớm có thêm nhiều Kỳ lần công nghệ không phải là không có cơ sở, khi có đầy đủ các yếu tố để biến điều đó thành sự thật - dân số đông, tỷ lệ người dùng smartphone cao, người dùng am hiểu, thích công nghệ, tăng trưởng kinh tế nhanh và nhân sự giỏi. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng thay đổi hành vi sử dụng Internet, smartphone khi quen dần với việc chuyển dịch từ sử dụng các dịch vụ offline sang online, từ học tập, thanh toán, ngân hàng, mua sắm...
Đứng trước thách thức và cơ hội của một nước kiểm soát tốt tình hình diễn biến dịch bệnh. Việt Nam đã đề ra mục tiêu tạo 10 “kỳ lân” công nghệ vào năm 2030 và trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ của Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh những sáng kiến nhằm nuôi dưỡng các startup tiềm năng tại Việt Nam từ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Trần Duy Đông cũng cho rằng, cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn của các công ty công nghệ để giúp các startup có thêm cơ hội kinh doanh và cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Theo https://khoinghiep.org.vn/
Ý kiến bạn đọc