Ai cũng cần nước…
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư môi trường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Phan Thanh Huy Cường (34 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM dịch vụ kỹ thuật OM) đã chọn ngành nước để bắt đầu con đường lập nghiệp.
Nhờ chịu khó, cộng với năng lực học tập tốt, anh được nhận vào một công ty Nhật về xử lý nước với mức lương ngàn đô khi mới tốt nghiệp ĐH. Làm việc với những công nghệ tự động hóa của nước ngoài, anh luôn tự hỏi vì sao người Việt không tự làm ra những công nghệ này để tiết kiệm chi phí, thời gian vận hành và nguồn nhân lực. Huy Cường luôn hun đúc ý tưởng khởi nghiệp về lĩnh vực nước cho riêng mình. Tận dụng môi trường chuyên nghiệp, anh vừa làm việc vừa học hỏi công nghệ tiên tiến của người Nhật.
Năm 2015, anh quyết định từ bỏ công việc nhiều người mơ ước rồi bước ra ngoài rủ bạn tìm cách khởi nghiệp. Với mong muốn mang tri thức của người Nhật phục vụ lại cho người Việt, Cường cùng bạn đi những bước chập chững đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp. Ban đầu anh phải làm những công việc liên quan với nước để tồn tại.
Cường tìm cách kêu gọi nguồn vốn nhưng không một ai tin tưởng hỗ trợ đầu tư. Nguồn quan hệ với các bên bị hạn chế, không có người tiên phong hỗ trợ đường hướng phát triển công ty, anh lại đi làm thợ vận hành bảo trì thiết bị lọc nước cho hộ gia đình. Thời gian sau, Cường cùng bạn bỏ tiền túi, nghiên cứu chế tạo máy lọc nước nho nhỏ rồi mang đi lọc nước giếng miễn phí cho bà con nông dân. Mô hình hiệu quả, anh nhận được tin tưởng, dần dần bán được máy cho các hộ gia đình và các xí nghiệp.
“Để ứng dụng công nghệ nước ngoài cho người Việt dùng phải tiết giảm chi phí thấp nhất. Điều tôi làm được là ứng dụng công nghệ Nhật nhưng giá phù hợp với người Việt. Cơ thể con người luôn cần nước và tất cả ngành đều cần dùng đến nước, do đó nhu cầu dùng nước sạch rất lớn trên thị trường và cơ hội khởi nghiệp ngành nước rất lớn. Tuy vậy, người khởi nghiệp phải có kiến thức chuyên sâu, thực tế, và máy móc đo lường chính xác cùng đội nhóm đủ trình độ thì mới khởi nghiệp đúng bản chất”, Cường chia sẻ về cách khởi nghiệp của mình.
Cuối cùng đường hướng phát triển máy lọc nước uống trở thành một trong 5 sản phẩm khởi nghiệp chính trong công ty của Cường.
Thành công với máy lọc nước mặn
Từ những thành công về máy lọc nước uống, anh bắt đầu phát triển quy trình nghiên cứu sâu hơn về máy lọc nước biển. Mục tiêu lớn của chàng trai hướng đến những vùng đất khô cằn, bị hạn mặn kéo dài nhằm giúp bà con nông dân bớt khổ cực. Mất 5 năm để nghiên cứu phát triển dự án xử lý nước mặn thành nước ngọt, Cường cho rằng đó là dấu mốc lớn trong cuộc đời nhiều năm khởi nghiệp của mình.
“Trên đường đi của tôi luôn hướng về nước sạch. Tôi luôn nghiên cứu, cải tiến máy móc, đọc tài liệu rất nhiều từ những nhà cung cấp vật liệu, học từ những chuyên gia. Nhiều lúc thất bại rồi làm lại từ đầu, sai rồi sửa. Hành trình đó kéo dài từ 3 đến 4 năm”, anh chia sẻ.
Để thành hình máy lọc nước biển, Cường không thể áp dụng một công thức giống nhau. Bởi ở nhiều nơi, nước biển sẽ có độ mặn khác nhau, dành cho các loại thiết bị khác nhau. Đó là vấn đề nan giải của người chế tạo máy. Quy trình này làm mất ít nhất 1 năm nghiên cứu. Anh tận dụng linh kiện rẻ, có sẵn trên thị trường rồi lắp ráp máy lọc nước.
Cuối năm 2019, Cường đẩy mạnh thử nghiệm hệ thống lọc nước biển xuống các tỉnh miền Tây. Anh tập hợp nhiều nguồn lực khởi nghiệp nhiệt huyết khác, tiếp tục đưa công nghệ vi mạch, tối ưu quy trình quản lý giám sát công nghệ lọc nước từ xa. Ưu điểm của máy là đo chất lượng nước mặn, chuyển nước mặn thành nước ngọt đạt chuẩn nhất. Người dân có thể uống ngay mà không cần qua bước xử lý nào khác. Mỗi máy lọc đến hơn 1.000 m3/ngày đêm, có thể cung cấp nước ngọt cho một xã ven biển.
Chỉ tay vào phần mềm quản lý lọc nước trên điện thoại, Cường khoe: “Đây là công nghệ của người Việt làm ra. Máy lọc nước chúng tôi thiết kế ra có giá thành chưa bằng nửa giá của máy nước ngoài. Cũng có bồn chứa, hệ thống lọc thô, lọc cát sỏi, lọc tinh, cấp bơm... Đó là những tri thức, chất xám của anh em khởi nghiệp làm ra”.
Còn nhớ kỳ hạn mặn năm 2019 ở miền Tây Nam bộ, chỉ trong 5 ngày, Cường tập hợp nhiều nguồn lực, sản xuất được 7 hệ thống lọc nước. Đó là kỳ tích của một doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ đầy nhiệt huyết. Từ một vài máy áp dụng ở huyện ven biển Bến Tre, đến nay anh đã nhận hàng chục đơn hàng lắp đặt hàng trăm máy dọc các tỉnh ven biển miền Trung và miền Tây Nam bộ.
Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai, Cường nói: “Tôi chỉ mong bán được 10.000 máy lọc nước trong 5 năm tới, trở thành nhà sản xuất, nhà thầu máy lọc nước thông minh tại VN. Xa hơn là cổ phần hóa công ty, xuất khẩu công nghệ lọc nước này ra nước ngoài”.
Theo https://thanhgiong.vn/
Ý kiến bạn đọc