"Tình yêu của tôi với trà Shan tuyết có từ rất sớm. Nhưng sau ấm trà trị giá hơn một triệu đồng ở Phượng Hoàng cổ trấn (Trung Quốc), tôi quyết định phải đưa loại trà này đến với đông đảo mọi người", chàng trai 27 tuổi, quê Thanh Hóa giải thích ngắn gọn về quyết định của mình.
Mùa thu 2019, Trường theo chân hai người dân bản Khuổi My (Hà Giang) đi săn tìm cây chè Shan tuyết cổ thụ trên dãy Tây Côn Lĩnh sau khi đã rong ruổi khắp các vùng rừng núi ở Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang... suốt hơn một tháng trước đó. "Những già làng ở bản kể sâu trong dãy Tây Côn Lĩnh có những cây chè lâu năm hơn nhiều ở bản. Song họ cũng không biết, sau nửa đời người không đặt chân tới thì rừng chè có còn tồn tại không", Trường nói về lý do đi tìm.
Một đêm, ba người "hạ trại" dưới chân một hẻm núi sau 8 giờ chạy xe, 4 giờ đi bộ. Sáng hôm sau, nhóm tiếp tục di chuyển cho tới khoảng 10 giờ, qua làn sương mỏng Trường bỗng nhận ra mình đang đứng dưới một tán cây chè. "Trước mặt tôi, một gốc cây 2 người ôm, tán to khoảng 50 m2 và cao như ngôi nhà hai tầng lồ lộ. Tôi sững sờ, không thể tin nổi vào mắt mình", cậu kể.
Hàng chục chuyến đi rừng trước Trường mới chỉ thấy những cây chè to như bắp chân. Nhưng ngay tại nơi cậu đang đứng, bao quanh là cả một rừng chè cổ thụ bạt ngàn. Quá sung sướng, chàng trai chạy lên đỉnh cao nhất, phóng tầm mắt ra xa, trong nửa tiếng tiếp theo chỉ lặng ngắm. "Trong tôi là cảm giác rất nghẹn ngào, như tìm thấy gì đó thân thuộc, tìm về với tổ tiên, tìm thấy tương lai, là cảm giác của người khai phá", cậu mơ màng kể.
Hái một nắm búp, pha một tách trà bằng nước mang theo, Trường lim dim mắt, nhấp ngụm đầu tiên. "Đó là vị ngai ngái của núi rừng, vị của sương sớm, vị ngọt tự nhiên vương lại nơi đầu lưỡi và cổ họng, nước màu mật ong với hương thơm lan tỏa khắp khoang miệng", Trường nói về đặc điểm của trà Shan tuyết.
Với người Dao ở bản Khuổi My, cây chè Shan tuyết không chỉ là một thức uống đơn thuần. Bao đời nay người Dao di cư đến đâu trồng chè đến đấy. Họ thờ, uống, dùng lá chè tắm cho trẻ sơ sinh, bột chè cho phụ nữ hồi phục sức khỏe sau sinh đẻ. Bản Khuổi My, có khoảng 50 hộ dân thì có trên 1.200 gốc chè tuổi đời vài trăm năm.
Tìm được rừng chè cổ thụ, Phạm Văn Trường tin rằng lần khởi nghiệp thứ ba này của mình sẽ thành công.
Từ khi còn là sinh viên năm hai ngành kỹ sư công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa và Tài chính ngân hàng của trường Kinh tế ở TP HCM, Trường đã tham gia vào một nhóm khởi nghiệp du lịch cùng 6 người bạn. Lúc đó, chàng sinh viên mơ mộng sẽ tạo ra một doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam nhưng khi mở rộng doanh nghiệp, việc thiếu kinh nghiệm trong quản lý, phương thức thanh toán không hợp thời, cộng thêm thiếu vốn đã đẩy dự án khởi nghiệp đầu đời tan thành mây khói. Mới 22 tuổi Trường đã mang số nợ lên đến 400 triệu đồng.
Cậu đổ bệnh. Những cơn ho và tức ngực dồn dập do bị lao lực - hậu quả của tình trạng thức đêm triền miên, ăn uống thất thường và lo nghĩ quá độ trước thời điểm doanh nghiệp phá sản. Những ngày hè 2016, cậu nằm một mình trong bệnh viện ở TP HCM, không cho một ai biết. Một tuần đầu không thể ngồi dậy, phải nhờ người nhà bệnh nhân mua giúp đồ ăn. Ba tuần tiếp theo, Trường tự mình xoay xở chăm sóc bản thân, vay mượn khắp nơi để có tiền trả viện phí. Từ 50 kg cậu sụt xuống 42 kg. "Tôi không dám gọi về nhà. Bố mẹ gọi thì không nghe, chỉ âm thầm chịu đựng", chàng trai lần đầu tiên giãi bày về khó khăn mình đã đi qua.
Hết một tháng nằm viện, cậu tiếp tục nhốt mình trong nhà hai tháng, không thiết làm gì, chỉ giày vò bản thân. "Trên cả những thất bại, cảm giác mất định hướng là khó khăn nhất", cậu bộc bạch.
Khi sức khỏe ổn định hơn, Trường xin làm tư vấn khởi nghiệp cho một câu lạc bộ ở quận 1. Dần dần qua công việc với những người trẻ khác, chàng trai lấy lại tự tin. Cậu xác định trước tiên phải "cày" để trả nợ nên đầu quân cho một tập đoàn công nghệ. Tết năm đó, bố mẹ biết chuyện đã hỗ trợ Trường một phần để trả nợ.
Đang có việc làm lương cao, Trường bỏ, khởi nghiệp lần hai với dự án sâm Hàn Quốc. Trải qua nhiều khó khăn, cậu cũng gặt hái được một số thành tựu nho nhỏ. Tháng 7/2019, Trường bán lại dự án thu về khoảng 500 triệu, quyết định trở ra Bắc, đem toàn bộ số tiền lên Hà Giang lập nghiệp với cây chè.
Bố mẹ cậu kịch liệt phản đối. Bà Trịnh Thị Thơm, mẹ Trường chia sẻ, thương con trai lên rừng biền biệt cả tháng, bao lần vợ chồng bà thuyết phục Trường từ bỏ. "Nỗi đau 5 năm trước con vì khởi nghiệp mà lao lực vẫn ám ảnh vợ chồng tôi hàng đêm", bà nói và cho biết thêm, khi đó gia đình đã sẵn sàng bỏ vài trăm triệu để xin cho con một công việc tốt.
Đỉnh điểm lần vợ Trường sinh đứa con đầu lòng, bố mẹ cậu gây áp lực cho con trai "hoặc là yên ổn làm công ăn lương, hoặc đi luôn, đừng nhận bố mẹ nữa". Trường xin "hết lần này không thành công sẽ thuận theo ý bố mẹ".
Vợ Trường, Nguyễn Thị Lan nói thêm, đôi khi buồn vì chồng không có thời gian nhiều cho mình, song cô lại yêu chính ý chí lập nghiệp của anh. Những lần chồng lên rừng, nhiều ngày không thể liên lạc được. Mỗi lần trở về người rạc đi, thêm vài vết sẹo do bị ngã hay vắt cắn. "Tôi xót anh ấy vất vả nhưng bố mẹ không ủng hộ anh rồi, mình là vợ phải tiếp sức cho anh ấy", Lan cho hay.
Từ cuối năm 2019, Trường bắt đầu đi khắp nơi "tầm sư học nghệ" về kỹ thuật thu hái, phơi và ủ trà Shan tuyết. Cậu sang vùng Vân Nam (Trung Quốc) học thêm cách làm trà Phổ Nhĩ, Hồng trà nhưng người dạy cậu nhiều nhất là già làng của bản Khuổi My. Cụ đã ngoài 80 tuổi, rất minh mẫn, chỉ từng bước phơi chè thế nào ngon, rửa thế nào sạch, nước thế nào thì tạo được vị tinh túy nhất...
Ông chủ trẻ thuê lại quyền khai thác 1.200 cây chè ở bản Khuổi My, đồng thời thuê người dân dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh, thuộc khu vực Vị Xuyên hái chè bán cho mình. Tất cả mọi khâu từ thu hái, phơi, sấy... đều hoàn toàn thủ công.
Theo phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa), cái tên Shan tuyết đã nói về đặc điểm loại trà này. Cây mọc trên đỉnh núi cao, dưới lá đầu cành có lớp lông mao li ti mịn màng như tuyết để chống lại thời tiết núi cao, rừng sâu khắc nghiệt. Cây chè càng trên núi cao, chất lượng càng ngon càng quý.
Hiện tại doanh nghiệp của Trường cung cấp ra thị trường khoảng nửa tấn trà mỗi tháng, gồm các loại trà Shan Tuyết, Hồng Trà, Phổ Nhĩ, Bạch trà tiên, giải quyết việc làm cho trên 30 lao động bản địa.
Giống như ly trà Shan tuyết, tiền vị đắng nhưng dịu, nếu đi đến cùng sẽ là hậu vị thanh ngọt bền lâu. Trường tin, đam mê sẽ cho mình quả ngọt.
Theo http://khoinghiep.org.vn/
Ý kiến bạn đọc