Chuyện quen mà lạ giữa đại ngàn

Thứ năm - 17/09/2020 00:29 350 0

 

Anh A Ngưi giới thiệu mô hình du lịch

Người ta vẫn say với tiếng cười sảng khoái đậm “chất rừng” của anh. Người đàn ông Ba Na Đinh A Ngưi (SN 1982) này khiến nhiều người phải ngạc nhiên về sự táo bạo từ những điều tưởng chừng đã rất quen thuộc, giúp bà con ở núi rừng Kgiang phát triển kinh tế.

Kinh doanh từ câu chuyện văn hóa

Dòng thác tung bọt trắng xóa giữa rừng nguyên sinh hùng vĩ, ánh mặt trời chiếu xuyên qua khoảng sương mù hư ảo, ẩn hiện trong bảng lảng mây mù, làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) là ngôi nhà sàn truyền thống với cổng vào được thiết kế đơn giản mộc mạc theo văn hóa của người Ba Na xưa.

Đã nhiều đời qua, người dân ở đây chỉ biết sống nhờ vào nương rẫy. A Ngưi bảo rằng: “Buôn làng mình đẹp như tranh vẽ giữa thung sâu đại ngàn. Bà con Ba Na chân chất, mộc mạc, chịu thương, chịu khó làm ăn nhưng nghèo đói mãi đeo bám. A Ngưi hiểu rõ tiềm năng to lớn từ những buôn làng hẻo lánh này. Anh muốn đem kiến thức và trải nghiệm thực tế giúp người dân thoát nghèo”.

A Ngưi đến với du lịch là một cái duyên. Huyện Kbang là nơi có không gian văn hóa cồng chiêng đậm chất nhất Tây Nguyên. Riêng thác nước có từ 50 đến 60 thác. Nơi đây nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp thu hút khách phượt và nhiếp ảnh đến săn mây hay khám phá nét hoang sơ ở mảnh đất này. Tiềm năng du lịch ở đây còn ngủ say. A Ngưi phải tận dụng tiềm năng đó để thay đổi cuộc sống của mình và buôn làng.

 Chuyện quen mà lạ giữa đại ngàn

Đội chiêng làng Kgiang biễu diễn phục vụ du lịch.

Giọng anh trầm đều xen lẫn giữa tiếng xào xạc của lá mùa khô. Trong những lần dẫn đoàn ghé thăm các điểm du lịch ở Kbang, anh thấy nhu cầu khách muốn được trải nghiệm và khám phá thêm về Tây Nguyên. Anh nghĩ mình phải làm cái gì đó để níu giữ du khách, mà phải khai thác hợp lý cảnh quan thiên nhiên quê hương kết hợp khôi phục và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Rồi ý tưởng mở homestay hình thành. Anh bảo: “Nhà mình có biết homestay là gì đâu, nghe bảo đầu tư tiền bạc thì không ai trong gia đình ủng hộ. Nhưng với niềm đam mê và khao khát mang văn hóa người bản địa để giới thiệu cho mọi người biết đến đã thôi thúc anh. Anh tự mày mò, tìm hiểu học hỏi những người đã làm du lịch”.

Tuổi thơ anh gắn liền với văn hóa truyền thống người Ba Na, được mẹ địu trên lưng nghe tiếng cồng chiêng, được ăn món truyền thống… nhưng nay, mọi thứ nhạt nhòa theo cơn lốc thị trường trong xã hội hiện đại. A Ngưi muốn lưu giữ lại những mỹ tục tập quán của người Ba Na, từ món ăn dân dã đến công cụ lao động sản xuất và các sản phẩm in đậm hoa văn truyền thống.

Với số tiền dành dụm và đi vay, anh bắt đầu thực hiện. Mục đích đầu tiên là bảo tồn văn hóa bản địa một cách thực tế nhất. Du khách đến làng sẽ được trải nghiệm với bà con từ ăn, ngủ, sinh hoạt. Các nghề truyền thống của người Ba Na theo đó mà hồi sinh, cồng chiêng vang lên cùng các điệu múa rộn rã giữa núi rừng. Trong khuôn viên 1 ha, anh xây 4 phòng và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian ẩm thực là các món giản dị của người Ba Na thường mang đi rừng lên rẫy ăn.

Anh là cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Kbang, anh hiểu rõ nét văn hóa đặc sắc cũng như thế mạnh của đồng bào Ba Na. Tháng 2/2019, anh bắt đầu mở dịch vụ homestay và thiết kế các tua du lịch trên địa bàn huyện Kbang. Anh chia sẻ: “ Mình phải tìm cách để phát triển được truyền thống của người Ba Na, vừa thu hút được khách vừa mang được lợi nhuận kinh tế và đặc biệt không để mô hình homestay của mình bị thương mại hóa, hòa nhập nhưng không hòa tan. Quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na”.

Cả làng Kgiang làm du lịch

Cảnh sắc nơi đây đẹp bao nhiêu thì cuộc sống con người ở đây gian khó bấy nhiêu. Làng Kgiang hiện có 140 hộ, 100% là người Ba Na, cuộc sống bà còn còn nhiều khó khăn. A Ngưi là người Ba Na đầu tiên làm du lịch giữa làng nghèo này.

Hiện nay, anh A Ngưi đang thêm 2 ngôi nhà sàn lớn, có hơn 30 người trong làng Kgiang tham gia làm việc tại mô hình của A Ngưi. Những người trẻ năng động dẫn khách theo tua khám phá; phụ nữ phụ trách ẩm thực, chuẩn bị nơi ở cho du khách. Nghệ nhân lớn tuổi giới thiệu văn hóa địa phương, trình diễn nhạc cụ dân tộc.

Trong ngôi nhà sàn của anh lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười du khách và trẻ nhỏ. Có lẽ anh chưa bao giờ lo thất bại, bởi hơn ai hết anh có một tình yêu đối với làng Kgiang và niềm tin mãnh liệt vào mảnh đất thân yêu này.

Từ niềm tin ấy, trước khi mở homestay, A Ngưi đã kêu gọi được các đội cồng chiêng, múa xoang lớn nhỏ của làng, đội nấu ăn, dệt thổ cẩm, nghệ nhân hát sử thi… để phục vụ những tua du lịch và lưu trú qua đêm. Anh thường xuyên xuống vận động người dân nuôi heo, gà, ủ rượu cần để khi khách đến có sẵn nguyên liệu phục vụ. Nhờ sự vận động của anh nên bà con trong làng cùng làm du lịch.

Thế mạnh của người Ba Na là họ có một nền nông nghiệp truyền thống, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng. Cộng đồng người Ba Na nhiều lễ hội hấp dẫn. Nếu biết khai thác sẽ thu hút nhiều khách đến tham quan tìm hiểu. Khi du lịch phát triển sẽ có thêm nhiều việc làm và tạo nguồn thu nhập cho người dân.

Anh chia sẻ, mình may mắn khi được dân tin tưởng nên công tác vận động mọi người không gặp khó khăn. Bây giờ mỗi khi du khách ghé thăm, không đặt lịch trước vẫn được đáp ứng được nhu cầu. Heo, gà, rượu… đều có sẵn trong nhà dân. Anh mong muốn có nhiều cộng tác viên, đặc biệt là các bạn sinh viên trẻ cùng đam mê du lịch để thực hiện ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng, đưa văn hóa địa phương đến với mọi người trên đất nước.

Già làng Đinh B’lich cho biết: “Từ ngày A Ngưi làm du lịch, văn hóa truyền thống của người Ba Na vùng này được nhiều người biết đến. Nhờ A Ngưi mà người dân có thêm thu nhập, san sẻ bớt những khó khăn, quảng bá văn hóa của đồng bào mình. Khi khách ghé thăm họ được thả hồn trong những điệu chiêng, xoang, thông qua việc diễn xướng họ có thêm chút kinh phí mang về cho gia đình”.

Với kinh nghiệm của người bản địa, anh A Ngưi là hoa tiêu dẫn đường cho những đoàn du khách khám phá những điều kì bí và vẻ đẹp tự nhiên nơi đây. Đôi chân của người đàn ông Ba Na dường như không biết mỏi, in hằn khắp núi rừng Tây Nguyên. “Tôi xem việc phát triển homestay chỉ là một phương thức đưa văn hóa của người Ba Na đến gần hơn với bạn bè bốn phương. Phát triển du lịch cộng đồng là tạo ra câu chuyện để bán, là cách bảo tồn lâu dài và bền vững để thanh niên trong làng cùng làm giàu trên chính quê hương, biến giấc mơ làng Kgiang ấm no, giàu bản sắc văn hóa trở thành sự thật”.

Theo http://thanhgiong.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây