Những sản phẩm từ nhựa nilon mang lại rất nhiều tiện ích và đang được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách và xả thải bừa bãi thì nó sẽ trở thành tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của con người.
TS Hoàng Thị Tuyết Nhung, phó bộ môn Môi trường của Khoa công nghệ hóa học cũng là giảng viên hướng dẫn trực tiếp cho nhóm, cho rằng việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp để làm giấy không phải mới vì người xưa đã từng chế tạo ra giấy từ rơm rạ rồi. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, mọi người quen dùng giấy đẹp mà quên đi giấy thô của ngày xưa. Do đó, nhóm muốn tạo ra giấy từ các loại phế phẩm như lá dứa, vỏ bắp, thân cây chuối... Khi chế tạo thành công và quyết định theo đuổi dự án, nhóm muốn tập trung vào một nguyên liệu phổ biến và dồi dào nhất cho dự án nên chọn loại thân cây chuối.
Sinh viên Trịnh Ngọc Vân Anh, một thành viên trong dự án cho rằng, vấn đề về túi nilon và rác thải nhựa đang là vấn đề nan giải đối với nhiều quốc gia trên thể giới. Chính vì vậy, nhóm chúng em cùng cô giáo đã nghiên cứu ra một giải pháp có thể thay thế túi nilon và rác thải nhựa bằng các phế phẩm nông nghiệp. Nhà em trồng rất là nhiều cây chuối, nhưng chỉ để lấy quả, còn thân chuối thì đem bỏ. Em đã thử suy nghĩ xem là có thể sử dụng thân cây chuối này để làm những sản phẩm có ích hay không. Nhìn chung là giấy được làm từ Xenlulôzơ, bất kỳ cây nào có Xenlulôzơ đều có thể làm được giấy. Tuy nhiên độ dài sợi của Xenlulôzơ khác nhau nên sẽ tạo được giấy có độ dai và độ bền chắc khác nhau.
Thành phẩm được sản xuất từ thân cây chuối
Tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” dự án chia sẻ, nhóm tận dụng thân cây chuối dùng làm nguyên liệu cho quá trình tạo giấy xanh, thân thiện môi trường. Bởi đây là một trong những loài cây chính ở Việt Nam với 100.000 ha và 1,4 triệu tấn chuối mỗi năm. Như Kiên Giang hiện có khoảng 1.540 ha đất trồng chuối. Nhưng sau khi thu hoạch, thân chuối trở thành phế phẩm nông nghiệp, một số ít dùng làm thức ăn cho gia súc còn đa số thân chuối bị vứt bỏ.
Sau 2 năm, nhóm đã tạo ra thành phẩm là những mẫu giấy A3, A4, hộp gói quà, giấy gói hoa, thiệp… mềm mịn, đẹp, độc đáo. Ý tưởng đã giành giải Nhất cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF và giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của Bộ GD&ĐT. Ngay sau đó, nhóm đã nhanh chóng huy động đầu tư được hơn 300 triệu đồng cho việc phát triển nhà máy giấy.
TS Tuyết Nhung cũng mong muốn công nghệ sẽ được chuyển giao về các địa phương nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo nguồn thu cho nông dân. Bã thân chuối được ép làm giấy, còn nước trong thân chuối (chiếm tới 90%) được ủ phân để tưới cây. Vấn đề của nhóm hiện nay là hoàn thiện quy trình sản xuất, đưa về các địa phương vì thân chuối to nặng, vận chuyển xa sẽ tăng chi phí sản xuất. Từ năm 2021, nhóm phối hợp doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm tại Kiên Giang và một số nơi có diện tích trồng chuối khá lớn, sau đó mở rộng ra các địa phương khác.
Theo https://khoinghiep.org.vn/
Ý kiến bạn đọc