Fintech Việt thu hút vốn gần 8 tỷ đô la Mỹ
Sự trỗi dậy của ngành Fintech có thể thấy qua các hoạt động đầu tư trong ngành trong năm nay. Có thể nói đây là ngành nhận được nhiều đầu tư mức trăm triệu đô nhất. Năm 2020, kỳ lân VNPay phá kỷ lục với mức nhận đầu tư lên đến 300 triệu đô la Mỹ từ SoftBank’s Vision Fund và GIC. Momo theo sau với mức nhận đầu tư 100 triệu đô trong vòng gọi vốn Series C.
Không những nhận được đầu tư khủng, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập đình đám cũng làm ngành này trở nên nóng hơn bao giờ hết. Grab mua lại cổ phần của công ty khởi nghiệp thanh toán di động Việt Nam Moca, VinID mua lại công ty thanh toán People Care (Ứng dụng ví kỹ thuật số MonPay). Ant Financial mua lại một lượng cổ phần đáng kể trong ví điện tử eMonkey được tích hợp vào nền tảng của Lazada, theo Fintech SIngapore.
Nhiều ngân hàng cũng tham gia vào cuộc đua ngân hàng số. Năm 2020, chứng kiến các ngân hàng đua nhau bắt tay với các startup lĩnh vực Fintech. Trong đó có VietinBank cùng Opportunity Network (Anh), CIMB Bank Vietnam cùng Toss (Hàn Quốc), VPBank cùng BE Group (Thụy Điển), OCB cùng Ripple Net (Mỹ), và TPBank cùng Backbase (Hà Lan). Nổi bật nhất là thương vụ hợp tác giữa ngân hàng Shinhan Financial Group bắt tay cùng Grab để phát triển các ứng dụng thanh toán mới.
Dù Việt Nam đi sau nhưng trong những năm gần đây Việt Nam đã bắt kịp với tốc độ khá tốt nếu so với các nước trong khu vực ASIAN, theo nhà đầu tư Lynn Hoàng, Giám đốc Binance Việt Nam. Người tiêu dùng không chỉ nghĩ Fintech như những chiếc ví điện tử phổ biến Momo, Zalo Pay, VnPay như trước mà còn nhớ đến ví điện tử của ngân hàng mình đang sử dụng.
Mỗi ngân hàng ở Việt Nam đều có ít nhất một ứng dụng ví điện tử. Người dùng ở Việt Nam cũng nhận thức cơ bản và hình thành thói quen thanh toán điện tử và đó là cơ sở để Fintech phát triển nhanh hơn.
Theo Forbes tính toán, năm 2020, thị trường Fintech Việt hút được khoảng 7,8 tỷ đô la Mỹ đầu tư, gần gấp đôi 2017. Cũng trong năm này, chứng kiện lượng thanh toán điện tử trên thị trường khoảng hơn 8 tỷ đô la Mỹ. Gia tăng thanh toán điện tử cũng như thương mại trực tuyến từ sau đại dịch Covid-19 đã mang lại niềm tin cho nhà đầu tư có nhiều hy vọng về ngành công nghệ tài chính ở Việt Nam.
Độ trễ của chính sách
Tuy hấp dẫn nhưng theo ông Cris Trần – Tổng Giám đốc của Infinity Blockchain Venture (IBV), năm 2021 thị trường sẽ diễn ra những cuộc sàng lọc gắt gao bởi hiện các sản phẩm Fintech khá giống nhau. “Các công ty Fintech bắt buộc phải tìm ra sản phẩm và chức năng mới để tăng sức cạnh tranh”, ông nói.
Một số rào cản nhất định đã xảy ra trong thực tế vào năm 2020 mà nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào startup lĩnh vực Fintech. Cuối năm 2020, một số nhà đầu tư ngoại đã rút khỏi thị trường, để lại tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ còn 49% giới hạn trong các công ty thanh toán điện tử.
Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất có thể kể đến rào cản chính sách. Tuy nhiên, họ cho rằng sớm nhất thì 2022 mới có khung pháp lý đầy đủ trong lĩnh vực này, lúc đó họ mới kỳ vọng đưa ra nhiều dịch vụ mới.
Ông Cris Trần cho rằng Chính phủ nên tham khảo các mô hình của Malaysia để đưa ra các bộ khung pháp lý cho các sàn giao dịch tiền mã hóa. Theo đó, các sàn này phải được hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng trong thời gian thử nghiệm cơ chế sandbox.
Từ thực nghiệm này, Chính phủ có thể đưa ra các khung quản lý về thủ tục đầu tư và chế tài đầu tư xung quanh các sản phẩm công nghệ này. Cho đến nay, IBV vẫn vận hành hoạt động sàn dịch tiền mã hóa và tư vấn các sản phẩm tài sản số của mình ở Malaysia, Thái Lan và Singapore vì Việt Nam chưa có quy định hoàn thiện trong lĩnh vực này.
Theo https://khoinghieptre.vn/
Ý kiến bạn đọc