Trong hành trình tìm kiếm mục tiêu cuộc đời, cơ duyên đã đưa đẩy cô sang Mỹ. Tại đây Sophie Kim đã theo học tại trường Wellesley College và bắt đầu nỗ lực kiến tạo một tương lai viên mãn.
Kim sở hữu bản lý lịch đầy ấn tượng, trong đó gồm có thời gian cô làm việc tại Goldman Sachs và Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co. Thế nhưng, Kim chưa bao giờ nhận thấy niềm khát khao mãnh liệt thật sự cho đến khi cô sáng lập Market Kurly ở tuổi 31.
Market Kurly chuyên về cung cấp dịch vụ giao hàng tạp hóa qua đêm tại thủ đô Seoul và các khu vực lân cận. Công ty giao những sản phẩm nông trại tươi sống và các món ăn nấu sẵn cao cấp cho khách hàng, chủ yếu là các hộ gia đình một thành viên và những cặp vợ chồng đều đi làm.
Việc kinh doanh của Kurly đang phát triển nhanh chóng. Với xu hướng gia tăng số lượng gia đình có thu nhập kép tại Hàn Quốc, 5.8 triệu người dùng(chiếm hơn 20% dân số ở khu vực thủ đô Seoul), đã sử dụng dịch vụ của Kurly. Trong năm 2019, doanh thu của Công ty đạt 430 tỷ Won (tương đương 392 triệu USD), tăng 170% so với năm 2018.
Dịch vụ của Market Kurly đang phát triển nhanh chóng với cam kết đảm bảo khách hàng có thể đặt hàng tạp hóa tươi trước 23h và sẽ nhận được hàng trước 7h sáng hôm sau. Hàng hóa sẽ được giao tận nhà trong các túi hay hộp giấy có tên của dịch vụ “Market Kurly” bằng chữ màu tím.
Phương châm của Kurly là giao rau củ, trái cây tươi và hải sản cho các hộ gia đình trong vòng 24h sau thu hoạch. Tuy nhiên, để mô hình kinh doanh giảm thiểu tối đa những sai sót và những trở ngại bất ngờ, công ty đã xây dựng một hệ thống hậu cần hiệu quả cao.
Hệ thống quản lý giao hàng của Market Kurly được thiết kế để giải quyết việc đưa ra những dự đoán nhu cầu chính xác và giao hàng vào sáng sớm để tránh tình trạng kẹt xe. Và cũng giống như bất cứ quốc gia nào khác hiện nay, Hàn Quốc đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt để giành vị thế giữa các dịch vụ mua sắm trực tuyến.
Thế nhưng, đối với Market Kurly, Kim nhấn mạnh rằng công ty không tập trung vào cạnh tranh. Cô cho rằng, nếu Market Kurly mở rộng dòng hàng chỉ đơn giản là để đánh bại những mặt hàng mà các đối thủ cung cấp thì công ty sẽ không thể duy trì mô hình kinh doanh của mình - vốn tập trung vào việc phân phối thực phẩm vừa thu hoạch. Kim cho biết thêm, nếu cố gắng vượt mặt các đối thủ cạnh tranh thì doanh nghiệp sẽ không thể kinh doanh để tạo ra đủ lợi nhuận nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình và các nông dân, ngư dân đã ký hợp đồng với công ty. Chính vì thế, Kim khẳng định, Kurly sẽ thất bại trong mục tiêu quan trọng nhất đó “sự hài lòng của khách hàng”.
Hàng tuần, Kim dành 1.5 ngày để thảo luận về các ý tưởng sản phẩm mới với 40 thành viên trong nhóm phát triển sản phẩm. Chẳng hạn, khi Kurly phát triển món Ma lạt thang nấu sẵn, món ăn đường phố phổ biến của Trung Quốc, họ đã thực hiện 31 điều chỉnh để cải tiến món ăn này sao cho phù hợp nhất với khẩu vị của người Hàn Quốc, trước khi sản phẩm sẵn sàng cung cấp cho khách hàng.
Kim cũng chú trọng đến việc đi khắp đất nước để xây dựng mối quan hệ cá nhân với nông dân và ngư dân nhằm đảm bảo sản phẩm chất lượng cao. Cô nói: "Nhiệm vụ của chúng tôi là thay mặt khách hàng lựa chọn những sản phẩm thực sự có giá trị và phân phối chúng trong điều kiện tốt nhất có thể".
Ước mơ khi còn bé
Kim (tên đầy đủ là Kim Seula Sophie) sinh ra trong năm 1983 trong một gia đình có bố và mẹ đều là bác sĩ tại Ulsan, một thành phố công nghiệp ở phía Đông Nam. Không chỉ có niềm đam mê những món ăn ngon và lành mạnh, lúc bé Kim cũng đã dành nhiều thời gian của mình để suy nghĩ về những câu hỏi như sự khác biệt giữa các quốc gia giàu và nghèo. Lúc còn học trung học, Kim bắt đầu ước mơ được làm việc tại một tổ chức quốc tế để giúp “làm phong phú cuộc sống của mọi người”.
Để giấc mơ ấy trở thành hiện thực, năm 20 tuổi Kim đã thuyết phục được bố mẹ cho cô sang Mỹ du học tại Trường Đại học Wellesley, ngôi trường nổi tiếng với nền giáo dục nghệ thuật tự do tuyệt vời dành cho nữ giới.
Tại xứ sở cờ hoa, Kim đã học tập chăm chỉ với mục tiêu được làm việc cho các tổ chức như Liên Hiệp quốc hoặc Ngân hàng Thế giới (WB) để hỗ trợ phát triển kinh tế tại các nước nghèo. Cũng tại nơi đây, Kim đã chứng kiến sự trỗi dậy và lớn mạnh của nhiều công ty theo định hướng đổi mới rất mới mẻ trong 5 năm đầu của thiên niên kỷ mới, đặc biệt là hàng loạt các công ty khởi nghiệp công nghệ nổi lên từ Thung lũng Silicon.
Kim nhận ra rằng những công ty công nghệ đang phát triển đó có thể làm thay đổi thế giới nhanh hơn và đáng kể hơn bất kỳ tổ chức quốc tế nào, vì vậy cô quyết định gia nhập Goldman Sachs ở tuổi 24 vì cô mong muốn rằng làm việc tại "công ty đổi mới nhất sẽ đào tạo cô theo cách khó nhất có thể."
Kim đã miệt mài làm việc tại văn phòng của Goldman Sachs tại Hồng Kông và đã học được rất nhiều về kỹ năng giải quyết vấn đề. Dù vậy, Kim vẫn không thể tìm thấy sứ mệnh của cuộc đời mình khi làm việc tại ngân hàng đầu tư này.
Kim say sưa theo đuổi sự nghiệp để có thể thỏa mãn tham vọng tạo ra sự khác biệt thực sự có ý nghĩa trên thế giới và điều này không hề dễ dàng trong xã hội có truyền thống trọng nam giới của Hàn Quốc.
Trong khi tỷ lệ việc làm tổng thể của phụ nữ Hàn Quốc ngày một gia tăng, nhiều người vẫn quyết định từ bỏ công việc của họ ở độ tuổi 30. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 35-44 có việc làm hầu như không tăng trong giai đoạn 2000 -2019.
Tham vọng nghề nghiệp của nhiều phụ nữ Hàn Quốc thường vấp phải những rào cản vô hình đối với việc thăng tiến và tăng thu nhập. Kim cũng từng chia sẻ trải nghiệm của cô khi không được đối xử công bằng vì bản thân là nữ giới. Trong những trường hợp như vậy, Kim đôi khi lại tự trách bản thân mình và cho rằng mình chưa thật sự làm việc chăm chỉ. Dù vậy, Kim cho biết cô có thể tiếp tục vì xu hướng hướng của cô là tìm kiếm điều gì đó có thể thực hiện trong tương lai chứ không cho phép bản thân mình bỏ cuộc trước thực tế khắc nghiệt của hiện tại.
Kim chia sẻ: “Chồng tôi là người ủng hộ nhiệt thành nhất. Tôi đã có thể vượt qua tất cả những trở ngại của mình vì chồng tôi luôn ủng hộ vô điều kiện. Sau khi kết hôn, Kim trở lại Hàn Quốc lần đầu sau 13 năm sống ở ngoại quốc và bắt đầu làm việc cho đơn vị Hàn Quốc của công ty đầu tư của Mỹ Bain Capital.
Đặt sự hài lòng của khách hàng lên trên hết
Sau hơn một thập kỷ sinh sống ở nước ngoài, cuộc sống tại quê nhà khiến Kim nảy sinh một câu hỏi đơn giản nhưng rất thú vị: “Tại sao người tiêu dùng Hàn Quốc tại các thành phố lớn lại không thể thưởng thức những loại rau ngon mà cô đã từng được ăn từ vườn của bà cô khi còn nhỏ, mặc dù xứ sở kim chi đã trở nên giàu có hơn rất nhiều?”
Trong quá trình cố gắng tìm lời giải, Kim nhận thấy rằng hệ thống phân phối thực phẩm ngày nay – được thiết kế cho sản xuất và tiêu thụ đại trà – ưu tiên vào hiệu quả kinh doanh hơn độ tươi của mặt hàng. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng chịu thiệt vì họ không thể tìm thấy thực phẩm chất lượng cao trên các kệ hàng.
Nhận ra điều đó, Kim vạch ra một kế hoạch kinh doanh để giải quyết vấn đề và từ đó Market Kurly chính thức được thành lập.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang các kênh bán lẻ trực tuyến. Nhưng đối với Kim, cô không muốn phá vỡ các nguyên tắc kinh doanh cơ bản của công ty để đáp ứng làn sóng đơn hàng ngày càng tăng. Trên thực tế, Kurly đã ngừng tiếp nhận các đơn hàng khi công ty không thể đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng.
Tuân thủ với phương châm sáng lập của mình, Kurly yêu cầu ưu tiên hàng đầu đối với việc duy trì các mối quan hệ lâu dài với khách hàng dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.
Nhiều quỹ đầu tư đã từ chối hỗ trợ Kurly vì họ cho rằng chính sách kinh doanh theo đuổi sự hài lòng của khách hàng của công ty có thể làm giảm lợi nhuận ngắn hạn.
Dù vậy, doanh nghiệp giao hàng thực phẩm của Kim vẫn có thể thu hút được 420 tỷ Won tài trợ của những nhà đầu tư chấp nhận chiến lược của công ty.
Thành công đáng kể của Kim cũng có thể là nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang vật lộn để vạch ra con đường sự nghiệp cho riêng mình. Tại Kurly, lao động nữ chiếm đến 55% lực lượng lao động và sự phát triển nhanh chóng của công ty có thể là dấu hiệu của sự thay đổi trong nền kinh tế Hàn Quốc, vốn có truyền thống được thúc đẩy bởi các tập đoàn lớn.
Dù lịch làm việc dày đặc nhưng Kim vẫn chủ trì Diễn đàn Khởi nghiệp Hàn Quốc, một hiệp hội của các doanh nhân. Kim cho biết cô không ngần ngại nhận trách nhiệm này. Kim nói: “Tôi có thể trở thành ‘hình mẫu’ vì tôi có thể bắt đầu kinh doanh trực tuyến ngay cả khi không phải là một người hiểu biết về công nghệ”.
Theo https://khoinghiep.org.vn/
Ý kiến bạn đọc