Bà Lê Mai Anh, Giám đốc quốc gia PR Newswire Việt Nam
Những năm gần đây khái niệm startup (khởi nghiệp) không còn xa lạ tại Việt Nam. Những được, mất, vui, buồn hay sự sống còn của các doanh nghiệp khởi nghiệp qua 5 năm đầu tiên khiến nhiều người nhìn nhận lại cậu chuyện thanh niên Việt nên khởi nghiệp hay làm công ăn lương cho tập đoàn toàn cầu, đa quốc gia.
Đáng chú ý, theo bà Lê Mai Anh, Giám đốc quốc gia PR Newswire Việt Nam, ngoài lựa chọn làm startup cho bản thân hay làm thuê như một nhân viên đơn thuần tại các tập đoàn lớn, người trẻ tài năng còn có một lựa chọn khác là làm start-up cho tập đoàn. Đây là một khái niệm khá mới mẻ nhưng đầy tiềm năng khi Việt Nam đang trở thành một điểm đến mới cho nhiều doanh nghiệp đa quốc gia.
Bà từng nhắc đến khái niệm “startup” cho các tập đoàn. Đã là tập đoàn rồi còn cần gì startup, thưa bà?
Bà Lê Mai Anh: Kinh nghiệm từ bản thân cho thấy việc một tập đoàn với nhiều năm hoạt động trên một số thị trường nhất định thì ở những thị trường mới cũng phải bắt đầu từ con số 0. Đó là lý do tôi gọi là startup cho tập đoàn. Khái niệm này có vẻ mơ hồ nhưng thực tế người điều hành cho những văn phòng như vậy có rất nhiều.
Có thể các tập đoàn đa quốc gia đã có những nền tảng rất vững và khối lượng khách hàng đồ sộ tại các nước có trụ sở chính nhưng sẽ chẳng phải là chuyện lạ nếu những thị trường vùng ven không biết các doanh nghiệp này làm gì.
Cá nhân tôi khi mới nhận nhiệm vụ mở và điều hành văn phòng của PR Newswire tại Việt Nam cũng vậy. Có những lúc tôi phải mất thời gian từ 20 đến 30 phút để giải thích công việc của tôi là gì, hoạt động kinh doanh của tập đoàn là gì, hiệu quả của nó ra sao. Đấy là khi tôi nói chuyện với những người cùng mác “ngành”, chưa nói đến những người thuộc các lĩnh vực khác. Nghe nó mơ hồ, khó định danh mặc dù có danh phận rõ ràng hẳn 65 năm tuổi.
Làm startup cho tập đoàn có khó hay không?
Bà Lê Mai Anh: Việc educate (giới thiệu, hướng dẫn và tư vấn) thị trường cho câu chuyện startup tập đoàn cũng khó khăn như việc startup cho chính mình, thậm chí còn khó khăn hơn mà tôi thường ví như một cổ mà hai tròng. Bạn vừa phải tuân thủ những quy trình, nguyên tắc của tập đoàn mẹ (đã có từ rất lâu đời), vừa phải làm thế nào cho phù hợp với thị trường bản địa.
Nhiều bạn trẻ cho rằng làm startup mới có quyền quyết định con đường vận mệnh của mình còn làm cho tập đoàn thì không. Trên thực tế lại là điều ngược lại. Làm startup cho tập đoàn cũng cần sự quyết đoán chủ động đề xuất cho lãnh đạo cấp cao tại vùng, vì thực tế họ không thể hiểu con người, văn hóa và hoạt động kinh doanh bản địa bằng chính người bản địa.
Tất nhiên, không phải đề xuất nào cũng được đồng ý, nhưng cái hay khi làm việc trong môi trường ở các tập đoàn đa quốc gia là vừa phải nhu, vừa phải cương. Việc phải đưa ra những lý do thuyết phục để được thực hiện theo mong muốn của mình cũng chẳng khác nào bán những ý tưởng đó cho các nhà đầu tư thiên thần là mấy. Nhưng đôi lúc để hòa nhập với văn hóa của tập đoàn, bạn cũng cần mềm mỏng.
Sự linh hoạt này đôi khi có được nhờ vào bản năng, vào tính cách biết kiềm chế cái tôi bản thân, nhưng đa phần là kỹ năng đa nhiệm buộc phải rèn luyện và thành thạo, nhuần nhuyễn, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn như năm nay.
Theo bà, đâu là những lợi thế mà người trẻ có được khi bắt đầu sự nghiệp tại các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia?
Bà Lê Mai Anh: Thực ra làm việc cho một tập đoàn sẽ mang lại cho người trẻ một lợi thế nhờ vào thương hiệu mà các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp lớn trong nước đã xây dựng, nhiều khi lên đến hàng chục, hàng trăm năm. Chẳng cần phải giải thích nhiều mình là ai và đến từ đâu bởi cái tên nói lên tất cả, đơn giản, họ là người thực hiện vận hành hay là một mắt xích của bộ máy và guồng quay của thương hiệu.
Tất nhiên, người trẻ sẽ được đào tạo đầy đủ về những quy trình đã được lập trình sẵn sàng, cụ thể và minh bạch khi làm việc tại các tập đoàn. Đặc biệt, đúng hơn nữa đối với các tập đoàn toàn cầu, các quy trình này đều được tự động hóa.
Thậm chí chỉ một điều đơn giản như nếu nhân viên không hoàn thành khóa học bắt buộc hàng năm áp dụng cho mỗi nhân viên đúng thời hạn, ngay lập tức sẽ có email gửi tới sếp, lâu hơn nữa vẫn không có hành động sẽ được gửi lên cấp lãnh đạo cao hơn.
Điều đó khiến nhân viên phải buộc lòng chịu trách nhiệm chính trong các công việc của mình mà không phải để ai nhắc nhở, hoặc chí ít sẽ được “máy” nhắc.
Đâu là những hiểu lầm khi nói về lựa chọn làm việc tại các doanh nghiệp lớn, thưa bà?
Bà Lê Mai Anh: Tôi không đồng tình với quan điểm của nhiều người cho rằng làm cho tập đoàn thường có tính ổn định cao hơn. Không nơi nào có tính “ổn định” ngay cả khi nhân sự hoàn toàn có năng lực làm việc tốt. Tập đoàn càng lớn, nhân viên càng chỉ như những hạt cát giữa biển khơi, mà thiếu hạt cát này thì có vô vàn các hạt cát khác có thể đến lấp đầy.
Còn với những người có năng lực chuyên môn kém, nếu có may mắn lọt vào hệ thống thì cũng sẽ sớm bị đào thải vì ở các công ty đa quốc gia không có khái niệm “người nhà”. Sẽ chỉ có khái niệm người làm được việc và người không làm được việc mà thôi.
Tại sao lại không ổn định?
Bà Lê Mai Anh: Có mấy lý do để giải thích cho lời khẳng định này. Thứ nhất là lý do cắt giảm ngân sách. Nếu so với các nước trong khu vực hay với thị trường toàn cầu, rõ ràng, doanh thu của thị trường Việt Nam chẳng là gì, vẫn còn quá bé. Đừng nghĩ Việt Nam là đất nước mới nổi thu hút đầu tư hoành tráng. Với một số tập đoàn, thị trường Việt Nam vẫn chỉ là một điểm chấm rất nhỏ trên bản đồ kinh doanh rộng lớn của họ.
Khi có nhu cầu tiết kiệm chi phí, nhìn từ một bức tranh lớn, việc cắt giảm nhân sự hay văn phòng, các thị trường nhỏ bé vẫn là lựa chọn đầu tiên. Cá nhân tôi cũng đã từng trải qua điều này nên hiểu rất rõ.
Cho dù có làm tốt đến mấy, đã cống hiến nhiều như thế nào trong những năm qua nhưng nếu không phù hợp với định hướng của CEO toàn cầu ở thời điểm hiện tại thì cũng “lên đường” còn nhanh hơn cả startup. Bởi vì khi ấy, những tầng quản lý cấp cao sẽ không biết đến cá thể nhân viên đó là ai, họ chỉ biết nhân viên qua các con số, mà số thì không có tình, càng không có gì để biện minh. Nó rõ ràng và sòng phẳng.
Thứ hai là lý do “lọc máu” mỗi lần tái cấu trúc. Cả ê-kíp thuộc tập đoàn có thể “ra đi” là chuyện bình thường, thậm chí chẳng lấy làm lạn nếu cả ê-kip đó có thể chạy sang ngay đối thủ cạnh tranh. Sự thật thường vậy mà ít khi được nói ra. Từng làm việc trong một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, tôi thấy được rằng tính cạnh tranh trong nội bộ một tập đoàn cũng khốc liệt không kém startup. Lý do sinh tồn cả về mặt con người lẫn kinh tế.
Thứ ba, làm việc cho một tập đoàn lớn có cái hay nhưng cũng có cái dở so với startup đó là môi trường phức tạp, thị phi nhiều vô kể. Nhân viên không chỉ căng thẳng về công việc mà ngoài ra còn căng thẳng về “tinh thần”. Lý do này cũng một phần làm nên những nhiễu động lớn về vị trí công tác.
Nói vậy để mọi người hiểu rằng làm việc tại các tập đoàn không phải đơn giản, dễ dàng và an toàn hơn so với đi khởi nghiệp.
Liệu có nguyên tắc chung nào cho cả khởi nghiệp cho chính mình và khởi nghiệp cho các tập đoàn hay không, thưa bà?
Bà Lê Mai Anh: Dù có xác định làm việc cho môt tập đoàn hay startup cho bản thân thì vẫn có một nguyên tắc bất di bất dịch đó là sự hiệu quả, tính trách nhiệm và uy tín trong công việc.
Lĩnh vực nào cũng có những mặt ưu và nhược, không phải chỉ những người không trụ lại được trên con đường khởi nghiệp của mình thì lại quay trở lại con đường làm thuê, còn những người đã quen làm thuê thì không thể ra làm chủ. Công việc của ong thợ hay ong chúa tại mọi giai đoạn khác nhau và không ai cấm bạn thực hiện điều đó ở bất cứ lứa tuổi nào.
Xin cảm ơn bà!
Theo http://khoinghiepsangtao.vn/
Ý kiến bạn đọc