Tấm lòng của hai cô giáo dạy Hóa
“Cách đây 5 năm, bé thứ hai của tôi bị hen suyễn nặng, chăm sóc rất vất vả. Mùa hè năm 2015, tôi tình cờ đọc thông tin về trái bồ hòn có thể làm nước rửa chén, nên tôi mua về tự nấu rồi trữ trong tủ lạnh để sử dụng dần. Sau đó, tôi tìm hiểu thêm làm enzim bồ hòn kết hợp với vỏ dứa, chanh.
Sau thời gian cả nhà chuyển sang sử dụng chất tẩy rửa từ thiên nhiên thay vì dùng nước tẩy rửa công nghiệp, con tôi không còn bị hen suyễn nữa. Lúc ấy, tôi rất “biết ơn” những quả bồ hòn”, chị Hồ Thị Phú, ở tổ 18, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) kể về ý tưởng chế biến những sản phẩm làm từ bồ hòn.
Sau đó, chị Phú kết hợp với người bạn thân Lê Thị Kim Bông (Bình Sơn) cũng là giáo viên dạy môn Hóa, để cùng nhau sản xuất các chất tẩy rửa từ enzim bồ hòn. Điều thuận lợi là trong quá trình sản xuất, hai cô giáo này nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, động viên từ các thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và người tiêu dùng.
Chị Bông cho biết: “Trong enzim bồ hòn chứa những vi sinh vật có lợi giúp xử lý mùi trong nhà vệ sinh, giúp giảm nghẹt và giảm mùi cống thoát nước sinh hoạt. Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm cho những người không có thời gian chế biến, chúng tôi còn chia sẻ kiến thức và cách làm đến mọi người, giúp các chị em có thể tự làm tại nhà”. Với giá bán 50 nghìn đồng/lít nước rửa chén, lau sàn... chị Phú và chị Bông còn có chính sách hỗ trợ thu hồi lại vỏ chai, với giá 5 nghìn đồng/vỏ. “Với giá thu hồi 5 nghìn đồng/vỏ, cao hơn so với mua vỏ chai, nhưng điều chúng tôi mong muốn chính là lan tỏa lối sống xanh, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường”, chị Bông bộc bạch.
Đa dạng những sản phẩm làm từ quế
Còn chị Trần Thị Minh Hiếu, ở thôn Trung, xã Trà Sơn (Trà Bồng) thì đã gắn bó với cây quế hàng chục năm qua. Nhưng, nếu chỉ dừng lại từ việc bán quế thô, thì chưa mang lại giá trị cao cho cây trồng truyền thống ở quê hương mình. Từ trăn trở đó, chị Hiếu đã tìm hướng chế biến thêm những sản phẩm từ cây quế.
Trong một lần, chị Hiếu nhận thấy khói từ việc thắp hương trong nhà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Trong khi nguồn quế ở địa phương rất phong phú, nên chị dùng quế để chế biến nhang sạch. Ngoài ra, chị Hiếu còn đầu tư vào sản xuất nước lau sàn từ quế. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, chị còn sản xuất nước sát khuẩn từ quế. Ngoài “cái lợi” giúp bàn tay không còn bị dị ứng xà phòng, những sản phẩm mới tại cơ sở của chị Hiếu còn tạo thêm việc làm và thu nhập cho nhân công địa phương, nhất là phụ nữ.
“Khó nhất chính là sản xuất nước lau sàn, vì thời gian ủ khoảng 90 ngày. Ban đầu mới thực hiện, tôi phải theo dõi tình trạng của sản phẩm sau 1 năm, rồi mới mạnh dạn đưa sản phẩm ra thị trường. Vừa qua, những sản phẩm làm từ quế đưa vào TP.Hồ Chí Minh được nhiều người yêu thích. Thậm chí, có người còn ngỏ ý nhượng quyền với số tiền khá lớn, khiến tôi càng thêm có động lực tin tưởng vào hướng đi của mình. Hiện tại, tôi vẫn đang cố gắng để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa, để góp phần đưa hương quế Trà Bồng bay xa hơn”, chị Hiếu cho hay.
Theo http://baoquangngai.vn/
Ý kiến bạn đọc