Khởi nghiệp từ nghề truyền thống
Ngay từ năm đầu ngồi trên ghế giảng đường đại học, cô gái quê “xứ lụa” Trần Thị Kim Ngân đã nhen nhóm giấc mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm đó, Ngân vẫn chưa xác định được bản thân sẽ bắt đầu từ đâu và với ngành nghề nào. Đến khi ra trường và đi làm, trong dịp tình cờ được thưởng thức hương vị đặc biệt của món mắm cá mè vinh, Ngân bắt đầu tìm hiểu và biết được đây là món ăn nổi tiếng của quê mình.
Từ đó, cô gái trẻ sinh năm 1993 bắt đầu tìm hiểu thị trường mắm ở TX. Tân Châu. Nhận thấy mình có cơ hội kinh doanh vì các hộ sản xuất - kinh doanh ở đây chỉ bán theo hộ gia đình, không xây dựng bao bì, mẫu mã cho sản phẩm. Bên cạnh đó, bản thân Ngân cũng học chuyên ngành công nghệ sinh học, biết cách xử lý vi sinh trong chế biến thực phẩm… nên Ngân bắt đầu nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ mắm chao cá mè vinh. Tuy nhiên, đến tháng 8 năm nay Ngân mới thực hiện được ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Cũng như nhiều thanh niên khởi nghiệp khác, thời gian đầu đưa sản phẩm ra thị trường, Ngân gặp nhiều khó khăn. Ngân chia sẻ: “Thời gian đầu, mình mất nhiều thời gian trong việc tìm mua nguyên liệu, nhất là nguồn cá tự nhiên. Bên cạnh đó, do chưa có vốn nhiều, nên mình thu mua cá từ các hộ gia đình chuyên làm nghề đánh bắt cá để hạn chế chi phí đầu tư. Tuy nhiên, nguồn cá không ổn định, chất lượng không đồng đều, hơn hết sản phẩm còn mới nên khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng”.
Để tránh được rủi ro đầu tư nhiều nhưng thu hồi vốn chậm nên Ngân sản xuất nhiều đợt, thay vì tập trung 1 lần. “Mỗi tuần, tôi thu mua cá 1 lần, mỗi lần từ 50-100kg cá tùy theo khả năng tài chính. Vừa làm, vừa bán hàng để có nguồn vốn xoay vòng. để sản phẩm được nhiều người biết hơn, tôi đã tham gia các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh và khu vực. Tại đây, tôi được giao lưu với các bạn trẻ có cùng đam mê khởi nghiệp. Qua đó, sẽ trau dồi và học hỏi kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, cũng mong muốn được các chuyên gia kinh doanh hướng dẫn góp ý thêm cho sản phẩm tốt hơn” - Ngân tâm sự.
Hướng đến người tiêu dùng
Để cho ra sản phẩm chất lượng, Ngân cho biết, những con cá mè vinh được đánh bắt tự nhiên sẽ được sơ chế, làm sạch ruột và vây, sau đó rửa sạch và để ráo. Cá được ướp 1 lớp muối mỏng, cho vào khạp và ủ trong 1 tháng. Sau đó, Ngân tiếp tục tẩm ướp với một số nguyên liệu được pha chế gia truyền. Công đoạn cuối cùng là cho sản phẩm vào hủ để đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm không sử dụng phẩm màu, không chất bảo quản; sử dụng hoàn toàn cá tự nhiên, đặc biệt là không cần thêm phụ gia khi chế biến nên đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài sản phẩm mắm chao cá mè vinh, Ngân còn phát triển thêm các loại sản phẩm khác như: mắm cá he, mắm cá lóc, mắm cá chốt, mắm cá linh, mắm cá trèn… Đồng thời, Ngân còn cho ra thị trường các loại khô như: cá lóc đồng, khô cá chốt, khô cá sặc bổi… “Thời gian tới, mình sẽ nghiên cứu, phát triển thêm các dòng sản phẩm mắm ăn liền đóng gói sẵn tiện dụng, mong muốn đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng” - Ngân chia sẻ.
Các sản phẩm mắm, khô của Trần Thị Kim Ngân hiện đang có mặt tại các chợ ở địa bàn TX. Tân Châu. Ngoài ra, Ngân còn giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Sắp tới, Ngân sẽ gia tăng sản xuất để phân phối đến các chợ ở TP.Long Xuyên, các chợ lớn ở TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh...
Theo http://khoinghiep.org.vn/
Ý kiến bạn đọc