Lissy Hu tự nhận mình trở thành doanh nhân công nghệ một cách tình cờ. Khi đang theo học Trường Y Harvard với mục tiêu trở thành bác sĩ sau khi tốt nghiệp, cô nhận thấy một vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: Nhiều bệnh nhân cần được chăm sóc bổ sung sau khi xuất viện, chẳng hạn như các dịch vụ tại nhà hoặc chăm sóc tại viện dưỡng lão. Tuy nhiên, sự thiếu kết nối giữa các bên liên quan đã khiến nhiều bệnh nhân không thực hiện được kế hoạch hồi phục của mình một cách đầy đủ nhất.
Hu cho biết: "Tôi muốn xây dựng công nghệ để giải quyết vấn đề này vì công nghệ đã làm tốt trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống hàng ngày như nhà hàng hoặc khác sạn".
Hu thành lập CarePort Health năm 2012 và trong 5 năm qua, công ty của cô đã được mua lại hai lần - bởi công ty chăm sóc sức khỏe Allscripts vào năm 2016 và nhà sản xuất phần mềm chăm sóc sức khỏe WellSky vào tháng 12 năm ngoái. Thương vụ mua lại mới nhất của CarePort trị giá 1,35 tỷ USD trong khi các điều khoản của thỏa thuận trước đó với Allscripts không được tiết lộ công khai.
Mới đây, Hu đã chia sẻ với Business Insider về cách mà các doanh nhân có thể định vị thành công cho công ty của mình.
Tận tâm với khách hàng từ ngày đầu tiên
Hu nói: "Ai cũng có quyền mơ lớn nhưng đừng bắt đầu kinh doanh với ý nghĩ sau này bạn sẽ bán lại công ty để hưởng lợi. Thành lập một doanh nghiệp cũng giống như lấy chồng/vợ và bạn phải hết mình với nó. Thật kỳ quặc khi nghĩ rằng cuộc hôn nhân của bạn sẽ ‘hết hạn’ vào một ngày nào đó".
Theo Hu, thay vào đó, hãy tập trung vào việc xây dựng một công ty nhiệt tình phục vụ khách hàng. Khi có được sự tin tưởng của họ, doanh nghiệp của bạn sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Ngoài ra, khi được đề nghị mua lại, hãy chọn những gì tốt nhất cho công ty bằng cách tự hỏi rằng liệu chủ sở hữu mới có mang lại lợi ích cho khách hàng và có chiến lược kinh doanh tốt không.
Nhiều vị khách từng nói với cô rằng họ đang dùng hai nền tảng CarePort và AllScripts một lúc vào hỏi có cách nào để tích hợp làm một để họ không phải tải lên cùng một tài liệu đến hai lần. Khi Hu bắt đầu bàn bạc với Allscripts, cô không coi đây là chuyện mua lại mà đơn thuần là tìm cách giảm bớt sự bất tiện của khách hàng.
Cô nói: "Tôi nhận thấy khách hàng của chúng tôi sẽ được rất nhiều lợi ích khi kết hợp hai sản phẩm với nhau. Hơn nữa, điều này còn giúp chúng tôi có lợi thế nhất định trong thị trường".
Tìm hiểu về công ty muốn mua lại
Hu cho biết khi khả năng mua lại được đặt ra, các doanh nhân nên tìm hiểu càng nhiều càng tốt về đối tác tương lai, bắt đầu từ việc tìm hiểu những người họ sẽ làm việc cùng cũng như cách những người đó suy nghĩ về sản phẩm và chiến lược của họ. Đây là các yếu tố quan trọng đối với sự thành công trong tương lai của quan hệ hợp tác giữa hai bên. Bên cạnh đó, đừng quên xem xét liệu văn hóa và nhân sự của hai bên có khả năng hòa hợp hay không.
Khi xác định giá mua lại, hãy xem xét các yếu tố như nhu cầu đối với doanh nghiệp của bạn, số tiền bạn đã huy động được, doanh thu mà công ty bạn đặt ra và số lượng khách hàng, Hu nói. Những yếu tố đó sẽ giúp bạn hình thành một mức giá nhất định. Để kỹ càng hơn, bạn có thể tham khảo ý kiến của ban cố vấn trong công ty.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng mọi người và mọi thứ cần thời gian để thích nghi với sự thay đổi mới. Theo Hu, đây là thời điểm bạn cần phát huy tối đa khả năng lãnh đạo và kết nối để hoạt động của công ty mới diễn ra suôn sẻ hơn.
Theo https://khoinghiep.org.vn/
Ý kiến bạn đọc