Nhận định này được các chuyên gia chia sẻ tại chương trình Chuyển đổi số y tế quốc gia – Ehealth Vietnam Summit, phiên chuyên đề Chuyển đổi số y tế trong khám chữa bệnh tổ chức ngày 29/12. Chương trình được Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng phối hợp tổ chức.
Chia sẻ tại chương trình với vai trò là cầu nối giữa startup và nhà đầu tư, chuyên gia Nguyễn Thy Nga, Tổng Giám đốc V-startup nhìn nhận năm 2020, đại dịch Covid – 19 có nhiều tác động khó lường tới nền kinh tế khiến xu hướng khởi nghiệp thay đổi đáng kể. Riêng trong lĩnh vực y tế, nhiều startup công nghệ y tế có cơ hội tăng trưởng đột phá.
Theo bà Nga, châu Á cũng như thế giới đang chứng kiến sự phát triển của các công ty về lĩnh vực công nghệ y tế, thị trường công nghệ y tế toàn cầu được định giá 143,6 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,2% từ năm 2020 đến năm 2027.
Chi tiêu y tế tại Việt Nam được BMI (tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới có trụ sở tại London) dự báo sẽ đạt giá trị 22,7 tỉ USD vào năm 2021, là một thị trường lớn tạo cơ hội cho các startup. Tuy nhiên, con số startup trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại châu Á.
Bà Nga đánh giá, thực tế, lĩnh vực y tế số tại Việt Nam hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vốn đầu tư thu hút được ít hơn đáng kể so với các lĩnh vực liên quan như thanh toán hoặc thương mại điện tử.
Trong khi đó, với dân số hơn 90 triệu người và hơn 1.000 bệnh viện trên toàn quốc, tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế ở Việt Nam là rất lớn.
Theo bà Nga, các startup hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng đó bằng cách tham gia giải quyết bài toán điện tử hóa công tác quản lý khám chữa bệnh, đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế.
“Các startup nên tập trung nâng cao trải nghiệm cũng như trao quyền nhiều hơn cho khách hàng để có thể có được những thành công như mong muốn”, bà Nga nói và cho rằng đồng thời các startup công nghệ y tế tại Việt Nam cần cẩn trọng khi chọn đối tượng khách hàng là bệnh viện, vì là hệ thống phức tạp về pháp lý, phần mềm, dữ liệu…
Do đó, việc tập trung vào nâng cao trải nghiệm người dùng sẽ giúp việc tương tác với khách hàng nhanh và hiệu quả hơn, vì sự thấu hiểu người dùng được nắm bắt dễ dàng hơn với bác sĩ hay những nhóm khách hàng khác. Nhờ đó, thời gian gọi vốn của các startup tập trung vào mảng này nhanh hơn các startup mảng khác.
GIA TĂNG TRẢI NGHIỆM CHO KHÁCH HÀNG
Trước thực tế trên, chuyên gia Nguyễn Thy Nga cũng đề xuất những giải pháp nhằm phát triển hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ y tế tại Việt Nam.
Trước hết, theo bà Nga là cần liên kết chuỗi và gia tăng trải nghiệm. Lý do là trong ngành Y tế, sản phẩm công nghệ y tế không chỉ cần thu hút người tiêu dùng cá nhân mà còn cả với các bên liên quan, từ bác sĩ và bệnh nhân đến các nhà quản lý và bảo hiểm.
“Thay vì phát minh ra công nghệ mới, hãy bắt đầu bằng việc hiểu sâu sắc vấn đề quan trọng đang tồn tại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Startup ngành Y tế nước ta tuy phát triển nhiều nhưng rất ít doanh nghiệp có thể tồn tại. Y tế Việt Nam cần chủ động trong đổi mới dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng, giữ chân người dùng và từng bước thay đổi thói quen người dùng”, bà Nga nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng nên gia tăng các thương vụ mua bán, sáp nhập. Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tại châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trong năm nay. Châu Á sẽ trở thành khu vực phát triển mạnh mẽ nhất của lĩnh vực công nghệ sức khỏe, với mức tăng trưởng dự đoán 35% vào năm 2023.
“Hoạt động mua bán và sáp nhập liên châu lục sẽ được đẩy mạnh, tính đến nay đã có 61 thương vụ diễn ra giữa các công ty, khách hàng châu Á tại châu Âu và Mỹ”, bà Nga thông tin.
Hơn hết, theo bà Nga các startup công nghệ lĩnh vực y tế muốn phát triển thì việc hình thành hệ sinh thái riêng hoặc gia nhập vào một hệ sinh thái lớn hơn là xu hướng tất yếu.
“Việc khởi nghiệp rồi mới tìm kiếm cộng đồng, hay khách hàng, là một quy trình đầy thử thách. Bởi khi đó, startup không còn cách nào khác là phải phụ thuộc vào những hệ sinh thái khác để phát triển”, bà Nga cho biết và nhấn mạnh rằng đó là lý do các startup y tế cần sớm xây dựng liên tục các cộng đồng mỗi ngày để gia tăng giá trị cộng đồng.
Theo http://khoinghiepsangtao.vn/
Ý kiến bạn đọc