Phiên thảo luận ghi nhận ý kiến, góc nhìn của ông Lê Văn Dương – Luật sư thành viên Indochine Counsel, bà Nguyễn Hoàng Minh Thủy – Giám đốc tài chính của Beta Corporation và bà Chu Dương Hải Anh – Đồng sáng lập của SpaceShare. Điều phối phần trao đổi là ông Bùi Thành Đô, Nhà sáng lập ThinkZone Ventures.
Thời điểm gọi vốn thích hợp
Mở đầu phiên thảo luận, các chuyên gia tập trung phân tích về thời điểm gọi vốn – một quyết định thường gây khó khăn cho các nhà điều hành startup. Bà Minh Thủy cho rằng xác định thời điểm gọi vốn phụ thuộc vào mô hình kinh doanh và căn cứ theo tình hình thực tế của công ty. Với trường hợp của Beta -startup kinh doanh chuỗi rạp phim giá rẻ, công ty này lên kế hoạch cho việc gọi vốn trước một năm và dành khoảng ba tháng cho quá trình huy động vốn.
“Những vòng gọi vốn sau thường tốn nhiều thời gian hơn vì ở giai đoạn này, gọi vốn không chỉ là để nuôi sống công ty mà mang tính chiến lược giúp định vị giá trị của công ty”, bà Minh Thủy Giám đốc tài chính của Beta Corporation cho biết.
Ở góc nhìn của startup mới gia nhập thị trường hơn một năm, đại diện của SpaceShare cho biết công ty này đã đặt lộ trình gọi vốn trước khi ra mắt sản phẩm, dự kiến thời gian tiến hành gọi vốn từ 1-1,5 năm và chính thức tiếp xúc nhà đầu tư trong khoảng 3-6 tháng.
Ngoài thời điểm gọi vốn, thời lượng dành cho hoạt động này là điều các startup cần lưu ý, tránh tình trạng quản lý kinh doanh thiếu hiệu quả do tốn quá nhiều thời gian cho việc huy động vốn. Để rút ngắn thời gian gọi vốn, ông Văn Dương – Luật sư thành viên Indochine Counsel cho rằng thời điểm gọi vốn quyết định thời gian của quá trình gọi vốn này. Nếu các startup chọn hình thức hợp đồng vay chuyển đổi (convertible loan) thì việc giải ngân sẽ diễn ra nhanh chóng trong vài ngày. Đối với hình thức mua cổ phần trực tiếp từ nhà đầu tư nước ngoài, các startup sẽ mất thời gian cho phần thủ tục từ 20-30 ngày nếu ngành nghề kinh doanh trong danh mục của WTO.
“Nếu chọn hình thức hợp đồng vay chuyển đổi, quá trình nhận vốn sẽ nhanh hơn nhưng các startup nên cân nhắc những điều phải ‘đánh đổi’ vì hợp đồng này có một số nhược điểm. Các startup nên tránh tình trạng vì quá cần tiền mà chọn cách nhanh nhất”, bà Minh Thủy – Giám đốc tài chính của Beta Corporation nói.
Chia sẻ thêm về quá trình gọi vốn, chị Minh Thủy cho rằng Beta chủ động thuê công ty luật tư vấn ngay từ đầu để nắm hết các thông tin đặc trưng của ngành nghề kinh doanh rạp chiếu phim. Phần mất thời gian nhất là quá trình đàm phán với nhà đầu tư, càng đàm phán rõ ràng càng hạn chế những phát sinh về sau
Chiến lược chọn nhà đầu tư
Chia sẻ về quá trình tìm kiếm nhà đầu tư, bà Hải Anh cho biết SpaceShare định hướng chọn nhà đầu tư có khả năng chỉ ra vấn đề của startup trong quá trình tăng trưởng và hỗ trợ và giới thiệu nhà đầu tư tiếp theo cho startup. Đồng thời, SpaceShare định hướng chọn các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc chọn các quỹ nước ngoài chưa từng đầu tư vào thị trường Việt Nam vừa có rủi ro vừa có cơ hội. Rủi ro vì nhà đầu tư e dè thị trường mới nhưng cơ hội rộng mở nếu các nhà đầu tư muốn mở rộng danh mục starup để rót vốn”, bà Hải Anh – Đồng sáng lập của SpaceShare cho biết.
Đại diện SpaceShare gợi ý thêm rằng các startup có thể tìm kiếm nhà đầu tư chủ yếu qua mối quan hệ riêng của nhà sáng lập, gặp gỡ các quỹ, tham gia cuộc thi hoặc tiếp xúc các vườn ươm khởi nghiệp.
Với kinh nghiệm nhiều năm, startup Beta có một chiến lược dài hơi hơn cho hoạt động gọi vốn. Theo bà Thủy, những lần gọi vốn đầu, Beta phụ thuộc vào mối quan hệ của người sáng lập và dựa vào quỹ đầu tư đã rót vốn đầu tiên nhưng khi tầm nhìn công ty thay đổi, Beta xây dựng chiến lược chọn nhà đầu tư chủ động hơn. Theo đó, Beta tiếp cận những tổ chức có quan hệ gần gũi với các quỹ như tổ chức tư vấn tài chính, kiểm toán, công ty chứng khoán… rồi gửi mô hình tài chính rút gọn của mình đến các đối tác này.
“Với cách làm này, chúng tôi tự mở rộng mối quan hệ, xây dựng một ‘ngân hàng’ đối tác và tự phân loại đối tác. Thực tế, khi áp dụng phương pháp này vào tháng 4/2019, chúng tôi đã nhận một thỏa thuận ban đầu giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư (term sheet) và 10 thư quan tâm vào tháng 6”, bà Minh Thủy chia sẻ.
Cả đại diện Beta và SpaceShare đều cho rằng tiền không phải là điều quan trọng nhất khi chọn nhà đầu tư. Giám đốc tài chính Beta cho biết startup này quan tâm đến quyền kiểm soát công ty và khả năng hỗ trợ công ty đạt đến những mục tiêu mới của nhà đầu tư. Khi gặp gỡ nhà đầu tư, đại diện SpaceShare thường chia sẻ kế hoạch kinh doanh trong vòng một năm và thường trình bày kỹ về những kết quả về doanh số để thuyết phục nhà đầu tư.
Cần công ty tư vấn về pháp luật
Đại diện hai startup tham dự phiên thảo luận đều cho rằng trong hoạt động gọi vốn, các startup cần sự tư vấn của công ty luật để hạn chế những rắc rối trong đàm phán hoặc khi dừng hợp tác (exit).
“Khi làm việc với nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về luật do các sự khác biệt về định nghĩa thuật ngữ giữa luật Việt Nam và luật quốc tế. Ví dụ, thuật ngữ về cạnh tranh ở luật nước ngoài rộng hơn luật Việt Nam và yêu cầu các chủ doanh nghiệp không hoạt động trong ngành tương tự trong 5 năm nếu doanh nghiệp giải thể”, ông Văn Dương – Luật sư thành viên Indochine Counsel nói.
Đại diện Indochine Counsel cũng cho rằng các startup nên chú ý đến các điều khoản về thanh lý và phá sản vì hiện nay, luật nước ngoài về điều này có rất nhiều điều khoản phức tạp.
“Các công sự ở Beta đã từng phải đọc từng chữ trong luật và gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu rõ các điều khoản pháp lý. Bài học rút ra là các startup cần tham khảo các công ty luật để làm rõ thông tin về giá trị công ty, chuyển đổi cổ phần, những điều khoản khi nhà đầu tư dừng hợp tác. Đặc biệt, thông tin về quyền kiểm soát là điều Beta thận trọng nghiên cứu”, bà Minh Thủy – Giám đốc tài chính của Beta Corporation nói.
Đồng tình về quyền kiểm soát công ty, SpaceShare cho rằng các startup cần đàm phán chi tiết về cổ phần với quỹ đầu tư, không nên vì quá cần tiền mà mất quá nhiều cổ phần.
“Khi gọi vốn, các startup nên xác định rằng tiền không phải là điều quan trong nhất mà nên tìm nhà đầu tư phù hợp, có khả năng gắn bó với công ty. Tiếp đến, các startup nên chủ động tìm kiếm nhà đầu tư qua các mối quan hệ cá nhân, các cuộc thi hoặc tham gia vào vườn ươm. Cuối cùng, các startup tìm các công ty luật để nhận hỗ trợ trong quá trình gọi vốn”, ông Bùi Thành Đô – điều phối chương trình kết luận.
Theo http://khoi.nghiep.vn/
Ý kiến bạn đọc