"Ngày trước ở nhà chăn nuôi, làm việc đồng áng nhưng chăn nuôi gặp khó, tôi xin vào đây làm tăm, đỡ hơn làm nông. Mỗi tháng thu nhập cũng trên 5 - 6 triệu đồng, còn được nghỉ ngày chủ nhật" - bà Phạm Thị Xuân, 59 tuổi, tay thoăn thoắt phân từng sợi giang bộc bạch.
Bà Xuân là một trong 15 lao động thường xuyên được anh Nguyễn Bách Trường (33 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Trường Thịnh) tạo công ăn việc làm ngay tại địa phương.
Xây cơ ngơi từ bàn tay trắng
Nhớ lại thời gian đầu khởi nghiệp, mọi thứ với Trường gần như là số 0, duy chỉ có đam mê và quyết tâm thoát nghèo, khát khao làm giàu. Nay sau 11 năm, anh xây dựng cơ ngơi sản xuất tăm lớn ở quê nhà.
Học hết cấp III, Trường bươn chải đủ nghề từ phụ xây đến xin làm thuê tại các xưởng, sau đó anh xin đi bộ đội. Suốt hai năm rèn luyện trong môi trường quân ngũ, Trường ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp từ chính nghề làm tăm mà cha mẹ gắn bó bao năm nay. "Nhưng phải làm khác đi, theo hướng chuyên nghiệp hơn những gì bố mẹ đang làm. Đăng ký thương hiệu, xây dựng thương hiệu, đi tìm khách hàng xa hơn", Trường quả quyết.
22 tuổi, Trường bắt tay vào làm tăm. Không có vốn, anh nhớ ngày ấy mới cưới vợ, may mắn người mẹ cho 5 triệu đồng tiền hàng giúp vợ chồng anh ra ở riêng. Anh dùng số tiền đó đi mua vật liệu làm tăm, mua từng chút một, mỗi thứ một ít.
Trường giãi bày: "Chỉ có một đam mê là thoát nghèo, làm sao để tự lập, không phải dựa vào bố mẹ". Không được học qua trường lớp nào, ngày đi bán hàng, tối đến anh phải tranh thủ làm việc đêm muộn rồi tự học. Vừa làm vừa học, tiếp cận thông tin thêm trên mạng, đọc nhiều sách, gặp gỡ những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm.
Ba năm đầu tiên luôn trong tình trạng khó khăn về nguồn vốn, với chiếc xe cà tàng anh chở theo tăm thuyết phục từng khách hàng. Có lần đi mấy ngày trời không bán được hàng, nhưng anh vẫn kiên trì đi tiếp. "Bây giờ mà mình không đi tiếp thì không bao giờ thay đổi được cuộc đời", Trường tự nhủ rồi gắng sức đi tiếp.
Mục tiêu là phân phối rộng sản phẩm, do vậy đến vùng đất mới là Trường lân la tìm hiểu về những đại lý lớn nhất vùng đó, tìm hiểu họ là ai, đang bán mặt hàng gì để dễ dàng thuyết phục.
Tìm hiểu kỹ càng nhưng bí quyết của anh chủ tăm tre 8X là "chưa giao hàng ngay", thay vào đó đi lòng vòng tìm đến những khách hàng khác quanh vùng để thuyết phục họ mua sản phẩm của mình. Thành công với những đại lý xung quanh rồi mới tìm đến đại lý lớn nhất.
"Tôi nhớ có khách hàng vào chào đến ba lần nhưng họ không mua. Thậm chí bước chân vào cửa, họ đuổi ra ngoài luôn nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc. Khi khách hàng từ chối, tôi chỉ nghĩ trong đầu là một ngày nào đó tôi sẽ làm được thị trường ở đây tràn ngập hàng của tôi", anh nhớ lại.
Không bỏ cuộc, anh làm thị trường từng khách hàng một gần khu vực của vị khách "đuổi khéo". Chỉ một thời gian ngắn, có khoảng mấy chục khách đặt hàng sản phẩm tăm giang của Trường. Vài năm sau, thị trường nơi đó tràn ngập tăm của Trường và chính vị khách ngày ấy chủ động tìm đến anh, trở thành đối tác thân thiết.
11 năm sau từ ngày lọc cọc chiếc xe đi giới thiệu từng gói tăm nhỏ xíu, nay Nguyễn Bách Trường đã dựng xây được ba xưởng sản xuất tăm giang rộng hơn 1.000m2. Doanh thu mỗi năm lên đến 20 - 25 tỉ đồng, thu về lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Hiện công ty có 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo công việc thời vụ cho các mẹ các chị, các em học sinh trong thời gian nông nhàn.
"Mình không đi thì sẽ không bao giờ đến được nơi mình muốn đến. Cho nên mình cứ phải đi cho dù nhanh hay chậm, vẫn phải đi mới đến được", Bách Trường tâm niệm.
Giữ màu xanh tự nhiên
Trường nhớ ngày trước thị trường tràn ngập những que tăm màu vàng, tăm của anh cũng vậy. Sau một thời gian lăn lộn trong nghề, anh trăn trở: "Sao không giữ màu xanh tự nhiên của giang?".
Nghĩ là làm, từ khâu lựa chọn vùng nguyên liệu như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái... cho đến công đoạn sấy khô, Trường luôn chú tâm để làm sao giữ được màu xanh của giang, tuyệt đối không dùng hóa chất, nhờ đó sản phẩm tăm giang mới có giá trị.
"Khi khách hàng cầm gói tăm nhìn thấy màu xanh của cây giang sẽ cảm thấy thích thú, bắt mắt", Trường quả quyết.
Không dừng lại ở màu xanh của giang, bí quyết của ông chủ 8X là chú trọng đến bao bì sản phẩm khi tung ra thị trường, tạo sự khác biệt để khẳng định thương hiệu. Anh suy nghĩ, bình thường bao bì sẽ bị vứt đi, nhưng nếu bao bì đẹp thì khách hàng sẽ tái sử dụng đựng những đồ dùng khác. Nhờ vậy không chỉ tái sử dụng được bao bì mà còn có thể quảng bá được lâu dài về thương hiệu.
Hiện nay công ty tăm giang của Trường có khoảng 20 sản phẩm các loại với thế mạnh là tăm giang đóng hộp cao cấp với giá 50.000 đồng/hộp. Sắp tới, anh dự tính sẽ mở chi nhánh ở TP.HCM và tung ra thị trường sản phẩm đũa bằng gỗ trắc, tập trung phân khúc khách hàng cao cấp.
Theo http://thanhgiong.vn/
Ý kiến bạn đọc