Thăm các mô hình trồng cam VietGAP ở tỉnh Hòa Bình, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi biết anh Nguyễn Đức Thủy là công chức nhà nước ở thị trấn Cao Phong, nhưng vẫn tranh thủ trồng được hơn 10ha cam các loại, giá trị sản lượng thu hoạch đạt 18 tỷ đồng, lợi nhuận 1 -1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Chủ trang trại cam VietGAP Nguyễn Đức Thủy.
Thấy khách thăm nghi hoặc về diện tích và sản lượng, anh Thủy nói ngay: "Làm bằng cái đầu là chính bác ạ! Cái gì không kham nổi đưa máy móc vào, còn thiếu đâu thuê mướn thêm lao động. Ví như tưới nước có hệ thống phun mưa tự động, dọn vườn có máy cắt cỏ cầm tay, phòng trừ sâu bệnh cũng vậy, có máy phun xịt thuốc."
Cũng theo anh Thủy, khâu bán hàng của anh cũng có thương lái đến mua cam tại vườn. Các khâu như dự báo sâu bệnh hại cây trồng, anh tranh thủ thời gian sớm tối, kết hợp với thông báo định kỳ 7 ngày/lần từ các ngành chuyên môn của tỉnh. Riêng khâu thu hoạch và bón phân, thuê lao động ở miền núi giá cũng không đắt lắm.
Khi được hỏi dựa vào đâu mà có diện tích trồng cam lớn như vậy? Anh cho biết, cơ bản là anh nhận khoán lại đất canh tác từ Nông trường cam Cao Phong. Theo anh Thủy, ở huyện Cao Phong này, số người có diện tích cam lớn như anh Thủy cũng có tới vài chục hộ, những hộ tối thiểu cũng phải làm từ 2-3ha trở lên.
Nếm thử ngẫu nhiên vài trái cam trên vườn, anh bạn cùng đoàn đi với tôi đã không ngớt lời khen ngợi, bởi trong thâm tâm cứ nghĩ cam Cao Phong ăn rôn rốt, không ngờ lại ngon, ngọt chẳng kém cam Văn Giang, Hưng Yên.
Theo anh Dương Ngọc Tú, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình, cam Cao Phong có vị rôn rốt là do thu hoạch sớm khi quả chưa chín hoàn toàn, hoặc cá biệt một vài nhà vườn nào đó, chăm bón không cân đối, ít sử dụng phân hữu cơ vi sinh, không thúc thêm siêu kali qua lá trước thu quả 1 tháng. Còn những vườn thâm canh theo VietGAP, chất lượng đều tương đương cam Văn Giang. Vì đất ở đây có tầng canh tác dày, thoát nước nhanh, có nhiều vi lượng không thể thay thế bởi các nguyên tố nhân tạo, đặc biệt là mật độ cam trồng khá thưa.
Quan sát thực tế trên vườn, chúng tôi thấy, sản lượng cam của gia đình anh Thủy sẽ cho thu hoạch tới cuối tháng 4 dương lịch. Vì ngay khi kiến thiết cơ bản, anh Thủy đã cơ cấu giống trồng cho thu quả rải vụ như: Vụ thu hoạch sớm (đầu tháng 8-10) trồng giống cam CT36. Chính vụ (tháng 11-2) có giống cam CS1 (lòng vàng) và cam đường canh. Vụ muộn (thu quả tháng 2-4) có giống V2. Trong đó, cam V2 của anh đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Theo đó hầu hết lượng cam VietGAP nêu trên đều được Saigon Co.op bao tiêu.
Theo https://khoinghiep.org.vn/
Ý kiến bạn đọc