Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học - công nghệ Quảng Ngãi

https://qsti.vn


Ươm mầm, nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp

Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL phối hợp tổ chức vừa khép lại.
Ươm mầm, nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp

Các dự án dự thi năm nay ngoài tập trung khai thác lĩnh vực lợi thế của vùng: tài nguyên bản địa, nông nghiệp còn là các vấn đề thời sự: rác thải nhựa, ứng dụng công nghệ mới...

Các startup trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020.

Các startup trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020.

Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020 nhận được 476 hồ sơ của hơn 1.100 thí sinh từ 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (số lượng hồ sơ tăng 44% so với năm 2019). Các lĩnh vực tham gia cuộc thi gồm: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh, môi trường, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục... Trong đó, nổi bật là các dự án khởi nghiệp về nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất 41%, với 196 hồ sơ; chế biến thực phẩm chiếm tỷ lệ 21%, với 102 hồ sơ… Nếu tính theo địa bàn, số lượng hồ sơ chủ yếu đến từ tỉnh Đồng Tháp và Long An với số lượng lần lượt là 136 (chiếm 29%) và 125 hồ sơ (chiếm 26%), các tỉnh, thành còn lại đều có hồ sơ tham gia dự thi.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Phát triển doanh nghiệp mới, từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ, năng động, sáng tạo và có hàm lượng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh luôn là mục tiêu mà VCCI Cần Thơ hướng đến. Và Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL là một trong những hoạt động tiêu biểu, được thực hiện thường niên từ năm 2016 đến nay. Qua sân chơi này, chúng tôi khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và quyết tâm thành lập doanh nghiệp của thanh niên, giới trẻ ĐBSCL. Đây còn là cơ hội để các thanh niên, giới trẻ, những thí sinh tham gia cuộc thi được đào tạo, huấn luyện các kiến thức về tư duy doanh chủ trong thời đại mới; cách thức tìm ý tưởng kinh doanh sáng tạo, lập dự án kinh doanh; được cố vấn bởi các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với khởi nghiệp ĐBSCL.

Qua 3 vòng tuyển chọn, Ban tổ chức đã chọn ra 10 dự án xuất sắc tham gia tranh tài tại vòng chung kết thông qua hình thức thuyết trình và phản biện trước Hội đồng giám khảo. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 2 giải Khuyến khích cho dự án "Gora - Máy thu mua chai nhựa đặt tại nơi công cộng" và "TROPCA - Từ trái cây nhiệt đới Việt Nam", 1 giải Ba cho dự án "Mật thốt nốt Palmania", 1 giải Nhì cho dự án "Nông trại nghỉ dưỡng Thuận Thiên Việt Mekong Farmstay" và dự án xuất sắc đoạt giải Nhất là "Ba khía Đầm Dơi - Sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương". Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải dự án được yêu thích nhất cho dự án "Nông trại nghỉ dưỡng Thuận Thiên Việt Mekong Farmstay" thông qua số lượt like, share và lượt tiếp cận dự án thông qua fanpage của cuộc thi.

Chị Trần Thị Xa, Trưởng nhóm Dự án "Ba khía Đầm Dơi - sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương", chia sẻ: "Để nâng cao giá trị con ba khía của quê hương mình, tôi chọn Dự án "Ba khía Đầm Dơi - sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương" cho hành trình khởi nghiệp. Với phương châm "trao chất lượng - nhận niềm tin", tôi đặt mục tiêu làm sao để sản xuất ba khía vừa ngon, đậm đà hương vị truyền thống vừa đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ba khía Đầm Dơi được sản xuất trên một quy trình hiện đại, đạt chuẩn chú trọng từng khâu nhỏ nhất, từ bước chọn nguyên liệu đến thành phẩm và tiêu thụ trên thị trường".

Mặc dù không giành được giải quán quân, song Dự án Gora - Máy thu mua chai nhựa đặt tại nơi công cộng" được đánh giá khá cao về tính thời sự và khả năng thương mại hóa trong tương lai. Em Lê Hoàng Đạt, đồng sáng lập Dự án Gora - Máy thu mua chai nhựa đặt tại nơi công cộng", chia sẻ: "Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối xã hội. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cùng cộng đồng giải quyết vấn đề này để góp phần kiến tạo nên một tương lai xanh. Chúng tôi xây dựng mô hình thu mua phế liệu hiệu quả hơn với ứng dụng GoRa là nền tảng kết nối cho người mua và người bán. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, trước hết, chúng tôi chọn cách tiếp cận thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn. Tiếp đó sẽ là các chương trình đổi rác lấy quà thực hiện ở cơ quan, trường học và phường, quận…".

Vùng ĐBSCL được xem là nơi có tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số thấp so với các vùng miền. Chính vì vậy, từ khi Chính phủ phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, VCCI Cần Thơ đã vận động thành lập "Mạng lưới khởi nghiệp vùng ĐBSCL". Thành viên mạng lưới được UBND tỉnh đề cử, là các sở ngành được giao nhiệm vụ hoạch định và thực hiện chương trình thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh. Đây là mạng lưới vùng đầu tiên của cả nước cùng nhau thực hiện phát triển doanh nghiệp mới thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp trong cộng đồng. "Thực tế cho thấy, để một dự án khởi nghiệp hoàn thiện, bên cạnh nỗ lực của startup thì vai trò của người dẫn dắt rất quan trọng. Vì vậy, những dự án khả thi, vào vòng trong của Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL qua các năm đều được tư vấn, đầu tư và kết nối đầu ra cho sản phẩm hiệu quả. Sau vòng chung kết, ngoài những giá trị về giải thưởng, VCCI Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động kết nối các dự án khởi nghiệp này với các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, nhà đầu tư để tìm nguồn tài chính cũng như tạo điều kiện nuôi dưỡng các dự án hoàn thiện và phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường…" - ông Nguyễn Phương Lam nói.

Bạn đang đọc bài viết Ươm mầm, nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp tại chuyên mục Quốc gia khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư khoinghiep@dddn.com.vn, SĐT: (+844) 3.5772400
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây