1.Thiết kế bể nuôi:
Nuôi lươn không bùn có thể sử dụng bể xi măng mặt trong ốp gạch men/gạch tàu hoặc lót bạt (để tránh cho lươn bị trầy xướt) hay đơn giản hơn là dùng tre đóng thành khung nổi trên mặt đất và lót bạt. Bể nuôi nên thiết kế hình chữ nhật, diện tích dao động từ 6 - 20 m2, chiều cao khoảng 0,7 - 1 m và trên thành bể nên viền các gờ bằng gạch tàu để đề phòng lươn thoát ra ngoài.
Đáy bể phải được làm dốc về phía cống thoát để có thể dễ dàng tống thức ăn thừa và sản phẩm bài tiết của lươn cũng như tháo cạn nước khi cần thiết. Cống thoát nên được thiết kế bằng ống nhựa PVC được khoan lỗ nhỏ hơn kích cỡ lươn hoặc bọc lưới để tránh lươn bị hút ra ngoài khi thay nước. Hệ thống cấp nước nên đặt sát đáy bể và đối diện cống thoát để có thể tận dụng sức nước tống cặn bã về phía cống thoát. Nếu bể lươn xây mới thì bể và giá thể phải được ngâm ít nhất 1 tuần (thay nước hàng ngày) trước khi thả lươn giống. Giá thể cho lươn trú ẩn (đồng thời là “sàn ăn”) gồm 3 khung tre/gỗ đặt chồng lên nhau chiếm khoảng 1/3 diện tích bể, mỗi khung bao gồm các thanh tre/gỗ được đóng song song cách nhau 10 cm. Khung trên cùng được đan thêm các dây nylon để có thể giữ được thức ăn khi cho lươn ăn. Để hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể làm tăng nhiệt độ nước, toàn bộ bể nuôi nên được che mát bằng lưới cách nhiệt (lưới lan) loại dày.
2. Con giống:
Có thể sử dụng lươn giống thu gom từ tự nhiên kích cỡ tốt nhất là 40 - 60 con/kg (thu hoạch sau 5 - 6 tháng nuôi), tuy nhiên cần lưu ý nguồn gốc của lươn để tránh mua phải lươn bị chích điện hay nhữ mồi thuốc (tỷ lệ sống rất thấp), tốt nhất là nên mua lươn ở những cơ sở uy tín, lươn đã qua thuần dưỡng, đồng cỡ và không xây xát.
Mật độ thả nuôi thích hợp từ 200 - 250 con/m2, trước khi thả vào bể, lươn phải được sát trùng bằng cách tắm với nước muối loãng nồng độ 3 - 5‰ trong 15 phút. Giai đoạn mới thả giống, lươn bị sốc và bỏ ăn do thay đổi môi trường đột ngột vì vậy phải bỏ đói lươn 2 - 3 ngày, đồng thời dùng Vitamin C pha loãng tạt vào bể lươn.
Hiện tại việc sử dụng lươn giống được sinh sản bằng phương pháp bán nhân tạo cũng khá phổ biến, tuy nhiên kích cỡ lươn giống nhân tạo khá nhỏ chỉ khoảng 5g/con; do đó, lươn cần phải được ương nuôi trong bể nhỏ có đặt các chùm dây nylon làm giá thể trước khi thả vào bể nuôi thương phẩm. Tuy thời gian nuôi sẽ kéo dài hơn nhưng ở mô hình sử dụng con giống bán nhân tạo tỷ lệ hao hụt rất thấp và lươn nuôi có kích cỡ đồng đều hơn.
3. Chăm sóc và quản lý:
3.1. Thức ăn và cách cho ăn:
Thức ăn cho lươn tương tự như ở mô hình nuôi có bùn đất, tuy nhiên nên sử dụng thức ăn chế biến (thức ăn tươi sống phối trộn với thức ăn công nghiệp) sẽ thích hợp cho mô hình nuôi không bùn. Cho lươn ăn 1 - 2 lần/ngày với tỷ lệ thức ăn khoảng 2 - 4% trọng lượng thân (tùy giai đoạn nuôi), thức ăn được chia thành từng phần và rải lên giá thể cho lươn ăn. Do lươn có tập tính ăn đêm nên bắt mồi mạnh vào lúc chiều tối, tuy nhiên để thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý có thể tập cho lươn ăn vào ban ngày. Quan sát lươn bắt mồi để có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp và vớt thức ăn thừa sau khi cho ăn 30 - 45 phút để hạn chế ô nhiễm nước.
Chú ý, do lươn có tính lựa chọn thức ăn rất cao, một khi đã ăn quen loại thức ăn nào đó thì muốn đổi thức ăn khác là rất khó. Vì thế, ở giai đoạn thuần dưỡng lươn giống, không nên cho ăn ngay thức ăn theo công thức trên mà nên sử dụng 100% thức ăn ưa thích của lươn (trùn chỉ/trùn quế) để kích thích lươn bắt mồi. Sau đó, phối trộn từ từ trùn chỉ/trùn quế vào hỗn hợp cá biển xay và cám đến khi lươn bắt mồi mạnh thì mới chuyển hẳn sang thức ăn tự chế.
3.2. Quản lý mô hình:
Do nuôi với hình thức thâm canh và đặc điểm là loài thủy sản có da không vảy nên lươn rất mẫn cảm với chất lượng nước của môi trường sống. Vì thế phải thay nước bể lươn mỗi ngày (100%) sau khi cho lươn ăn 2 - 3 giờ để giữ nước bể nuôi luôn sạch.
Luôn duy trì mực nước trong ao khoảng từ 30 - 35 cm vừa ngập các giá thể.
Hàng ngày kiểm tra loại bỏ lươn chết và thường xuyên kiểm tra cống bộng để tránh lươn thoát ra ngoài.
Định kỳ hàng tháng phải phân cỡ lươn nuôi để lươn phát triển đồng đều và hạn chế hao hụt do lươn có tập tính ăn thịt lẫn nhau.
Kịp thời bổ sung các giá thể cho lươn trú ẩn để lươn phát triển tốt hơn.