Thu ngân sách từ thuế nhập khẩu giảm
Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 16 FTA, có 12 FTA đã ký kết và có hiệu lực, 1 FTA đã kết thúc đàm phán và rà soát pháp lý phục vụ phê chuẩn (FTA Việt Nam - EU-EVFTA) vào ngày 30/6 và 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán, gồm: RCEP; Việt Nam - Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Việt Nam - Israel.
Đến nay, tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng rất cao như: Chile, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc…
Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu (XK) cũng có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á- Âu. Đáng chú ý, một số thị trường mới trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2019, Canada tăng 43,4%, Mexico tăng 19,2%...
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho hay, hiện vẫn chưa thể tính toán cụ thể được tác động của EVFTA tới nguồn thu từ thuế nhập khẩu (NK) vào ngân sách ngành Hải quan. Bởi lẽ, theo ông Tưởng, Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng đến nay Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) vẫn đang trình Chính phủ để ban hành Nghị định về ưu đãi thuế. Hiệp định EVFTA đang chuẩn bị ký, sau đó căn cứ trên kết quả đàm phán, các cam kết về thuế, Chính phủ mới ban hành nghị định, trên cơ sở đó Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan mới có căn cứ để lắp kim ngạch thương mại hai chiều giữa EU - Việt Nam vào mới tính toán được tăng giảm nguồn thu thuế ra sao.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện các cam kết quốc tế hội nhập về thuế quan nhằm thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch XNK, có tác động lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế trong việc tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ các sắc thuế nội địa khác như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN)... Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết FTA cũng khiến số thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sụt giảm, ảnh hưởng đến thu NSNN.
Cụ thể, Bộ Tài chính ước tính, với lộ trình cắt giảm thuế quan, việc giảm thu do thực hiện các cam kết FTA trong các năm tới cụ thể là: Năm 2018 giảm 30.150 tỷ đồng; năm 2019 giảm 36.340 tỷ đồng và năm 2020 giảm 43.965 tỷ đồng.
Cần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 được tổ chức ngày 26/6 mới đây ở Hà Nội, ông Mark Gillin - Trưởng nhóm Công tác Thuế và Hải quan của VBF đánh giá, chính sách thuế và hải quan có đóng góp quan trọng cho phát triển bền vững của DN, giúp xây dựng niềm tin của DN với Chính phủ. Chính sách thuế này cũng giúp nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của DN, thông qua việc được giảm rủi ro, giảm thời gian và chi phí tiến hành các thủ tục về thuế, hải quan.
Nhóm Công tác Thuế và Hải quan của VBF kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cần có những quy định rõ ràng để tránh các vướng mắc, chồng chéo và đánh thuế trùng khi thực thi Luật Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số.
Bộ Tài chính ước tính, với lộ trình cắt giảm thuế quan, việc giảm thu do thực hiện các cam kết FTA trong các năm tới cụ thể là: Năm 2018 giảm 30.150 tỷ đồng; năm 2019 giảm 36.340 tỷ đồng và năm 2020 giảm 43.965 tỷ đồng.
Ý kiến bạn đọc