Trong thời đại công nghệ 4.0 và mạng xã hội phát triển như vũ bão ngày nay, việc nhiều người lợi dụng phương tiện thông tin để lừa đảo hay xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, thương hiệu đối thủ cạnh tranh trên thương trường không còn xa lạ.
Cách làm này được coi là khá “hiệu quả” bởi sự lan tỏa của mạng xã hội, đặc biệt Facebook là rất lớn. Chỉ cần một thông tin được đưa lên, phát tán trên mạng sẽ có hàng nghìn người like, chia sẻ, bình luận… và hậu quả của những thông tin thất thiệt này là uy tín, thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp, danh dự của cá nhân bị xâm hại nghiêm trọng.
Dưới góc độ pháp lý, việc đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, gửi tin nhắn nặc danh đe dọa... nhằm xâm hại lợi ích của bất cứ tổ chức doanh nghiệp, cá nhân nào cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Với các phương tiện hiện đại và nghiệp vụ chuyên sâu, việc cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội là hoàn toàn có thể.
Vậy trước các "cơn bão" chơi xấu, bôi nhọ hành vi, hạ thấp uy tín, thương hiệu của tổ chức... vô tình ập đến bất cứ lúc nào - các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp sẽ nên làm gì để chèo lái con thuyền của mình đứng vững?
Mới đây, CEO Nguyễn Thế Trung - "người thuyền trưởng" của thương hiệu thiết kế nội thất ilSole đã có những chia sẻ về vấn đề này.
- Theo anh, hiện nay thì việc gò ép, chơi xấu, bôi nhọ đối thủ có phổ biến trong thị trường kinh doanh nói chung và thị trường thiết kế nói riêng không?
Theo tôi việc gò ép, chơi xấu hay có hành vi bôi nhọ đối thủ là rất phổ biến trong thị trường thiết kế hiện nay. Lý do là bởi tính cạnh tranh trong ngành rất cao. Có thể nói, các đơn vị thiết kế hiện nay thường gặp nhiều thiệt thòi khi hành nghề do các sản phẩm thiết kế không giống như những sản phẩm tiêu dùng khác. Chúng đều là sản phẩm chất xám không có sẵn và được định giá dựa trên uy tín và hình ảnh của người thiết kế. Chính vì lẽ đó, việc khách hàng hay thậm chí là các đối thủ cạnh tranh nhắm vào điều này để chơi xấu hòng đánh sập thương hiệu là điều không khó xảy ra.
- Thông thường, khi bị gò ép, chơi xấu, hầu hết chúng ta đều cảm thấy tức giận, muốn phản bác ngay lập tức. Anh hẳn đã từng trải qua cảm giác này?
Đúng vậy, thương hiệu ilSole của tôi thời gian vừa qua đã bị một số đối tượng xấu bôi nhọ, vu khống qua mạng xã hội. Đặc biệt họ còn sử dụng hình thức nhắn tin nặc danh spam 30.000 số điện thoại trên khắp cả nước gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của thương hiệu và hình ảnh cá nhân tôi.
Là một thương hiệu hoạt động độc lập, chúng tôi đã phải mất rất nhiều công sức để xây dựng nên hình ảnh uy tín của mình thông qua sản phẩm thực tế đã và đang hiện hữu. Vì vậy khi bị gò ép, chơi xấu, thậm chí là đặt điều vu khống thì với "cái tôi" của người làm thiết kế, trách nhiệm của một vị lãnh đạo thương hiệu lớn - chắc chắn tôi không thể giữ im lặng được.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, dù cảm thấy tức giận nhưng tôi đã bình tĩnh cùng nhóm luật sư riêng, hợp tác với cơ quan an ninh, công an vào cuộc điều tra. Toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được bên công an tiếp nhận và xử lý. Thật mừng là không lâu sau đó, các đối tượng có hành vi bôi nhọ, vu khống chúng tôi đã bị phát giác. Họ đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm pháp của mình trước cơ quan công an và sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước pháp luật.
- Chắc chắn cảm giác đó không hề dễ chịu chút nào. Vậy nhưng phản ứng và cách xử lý của anh đối với việc vụ việc này ở thời điểm hiện tại liệu có khác với cách đây mấy năm?
Vào thời điểm vài năm trước, nếu gặp trường hợp này, tôi chắc chắn vẫn sẽ xử lý đến cùng nhưng có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn và đành phải ngậm ngùi cho qua do rất khó để xử lý đến cùng các đối tượng xấu. Bởi lẽ thời điểm đó, chế tài quản lý mạng internet hay mạng di động chưa thực sự rõ ràng.
Nhưng hiện nay, khi "Luật an ninh mạng" ra đời và có hiệu lực thi hành, các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội, phương tiện truyền thông để có hành động khủng bố, xuyên tạc, phá hoại... thì sẽ bị Nhà nước, Bộ Công an, cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.
- Nhiều người thường nói rằng, làm nghề dịch vụ cũng không khác gì "làm dâu trăm họ", việc nhận những lời khen, chê là không thể tránh được.
Mà tôn chỉ trong kinh doanh "Khách hàng là thượng đế" luôn được đề cao. Anh có tức giận không khi gặp phải những lời nhận xét có phần nặng nề từ phía khách hàng, ở trường hợp xấu hơn nữa là bị bôi xấu, cáo buộc... Theo anh, ta nên làm thế nào để chứng minh sự trong sáng của mình một cách khôn ngoan nhất?
Mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến feedback, nên khi nhận được lời nhận xét dù tốt hay không tốt của khách hàng, đối tác, chúng tôi luôn vui vẻ đón nhận. Thông qua những ý kiến đóng góp đó, chúng tôi sẽ càng nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như uy tín thương hiệu trong mắt khách hàng.
Kể cả khi nhận được lời nhận xét nặng nề, chúng tôi cũng luôn nhẹ nhàng tìm cách xử lý, giải quyết khúc mắc của họ, tránh đối đầu hết sức có thể.
Tuy nhiên, nhiều người không hiểu được sự khác nhau giữa nói xấu và bôi nhọ vu khống nên đã vượt quá giới hạn của hành động này dẫn tới vi phạm pháp luật. Lúc này, họ không còn là những đối tác khách hàng nữa, họ đã vô tình trở thành kẻ xấu gây nguy hiểm cho thương hiệu. Chính vì lẽ đó, chúng tôi buộc phải tìm cách bảo vệ quyền lợi và hình ảnh của mình dưới sự bảo vệ của các cơ quan thông tấn báo chí và pháp luật.
- Khủng hoảng truyền thông thường “gõ cửa” mà không báo trước. Trong thời đại công nghệ này, chúng lại được lan truyền cực nhanh. Theo anh, đâu sẽ là kịch bản xử lý khủng hoảng truyền thông tối ưu?
Theo tôi khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, thì đó đã là lúc các thông tin xấu đang ở mức cao trào, lúc này rất khó để ngay lập tức có thể bảo vệ được hình ảnh của thương hiệu. Vậy thì cách khôn ngoan nhất đối với các doanh nghiệp đó là ngay lập tức có văn bản chính thức phản đối những hành động xấu, kèm thông cáo báo chí để ngăn chặn các luồng thông tin xấu.
Sau đó, ta sẽ khôn khéo tìm cách xử lý nhẹ nhàng và thật sự chuyên nghiệp. Nếu không thể tự xử lý thì hãy ngay lập tức nhờ đến các cơ quan báo chí truyền thông để hỗ trợ bảo vệ hình ảnh, đồng thời tìm đến cơ quan công an và pháp luật nếu nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Người ta thường nói có 3 chữ KHÔNG buộc phải nhớ khi viết kịch bản xử lý khủng hoảng truyền thông. Đó là Không im lặng - Không né tránh báo chí - Không cung cấp thông tin chung chung, vòng vo. Anh nghĩ sao về điều này, liệu nó có thực sự đúng?
Theo tôi 3 điều trên hoàn toàn đúng. Thương hiệu hoạt động minh bạch dưới sự bảo trợ của pháp luật thì khi xảy ra khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của thương hiệu, chúng ta có thể không phản bác ngay, nhưng không được im lặng quá lâu bởi im lặng chính là đồng ý với những lời nói xấu đó.
Báo chí là phương thức chính thống tốt nhất để các thương hiệu lên tiếng bảo vệ quyền lợi và hình ảnh của mình trước công chúng. Công chúng hay khách hàng cũng cần biết thông tin cụ thể rõ ràng, để hiểu được thương hiệu minh bạch đàng hoàng thế nào. Chính vì vậy mà thông tin cung cấp ra phải là thông tin rõ ràng, cụ thể, có tính chính xác cao và đặc biệt là được bảo vệ bởi các cơ quan pháp luật.
- Chắc hẳn thương hiệu của anh đã từng gặp vấn đề khủng hoảng truyền thông, anh đã làm gì để doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” đó một cách êm ái nhất?
Thương hiệu ilSole Architecture là một thương hiệu độc đáo và khác biệt. Chúng tôi có nhiều tiêu chí làm việc riêng và buộc khách hàng hay đối tác phải tuân thủ theo. Thế nên, đôi lúc chúng tôi không tránh khỏi có những kẻ xấu ghen ghét, đố kị, không hài lòng với tiêu chí đề ra thực hiện hành vi xấu nhằm hạ bệ uy tín cũng như hình ảnh của thương hiệu và đội ngũ thiết kế.
Mỗi lần đối mặt với khủng hoảng truyền thông, tôi là người lãnh đạo, là "người thuyền trưởng" của con tàu ilSole luôn kiên định với lý tưởng và tiêu chí của mình, vững tay lái cùng các thành viên công ty đối mặt, đoàn kết cùng nhau vượt qua “cơn bão” đó. ilSole Architecture là thương hiệu uy tín hoạt động dưới sự bảo trợ của cơ quan pháp luật, vì vậy chúng tôi không bao giờ sợ hãi hay chịu khuất phục trước các thế lực xấu có ý muốn phá hoại.
- Mọi người vẫn đùa nhau rằng, ai làm nghệ thuật cũng đều hơi "khác người", đôi khi lập dị. Các kiến trúc sư cũng không ngoại lệ khi mang trong mình một bầu nhiệt huyết căng tràn, sẵn sàng cống hiến hết mình để cho ra đời các tác phẩm hoàn mĩ nhất. Thế nhưng vì sự khác biệt của mình, vì giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật độc đáo mà đôi lúc có phần gay gắt, lập dị hay nổi cáu với chính những khách hàng, đối tác thân thiết. Với người hiểu không sao nhưng người không hiểu lại cho rằng các kiến trúc sư đang thiếu tôn trọng mình. Anh có lời nào muốn thanh minh, giãi bày đến các đối tác, khách hàng không?
Quả không sai, những ai làm nghệ thuật đều mang trong mình sự độc đáo khác biệt mà nói vui là "khác người". Nhưng cũng bởi tính cách trên mà những người làm nghệ thuật nói chung và kiến trúc sư như tôi nói riêng mới có thể tỏa sáng, thiết kế ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Vậy nên, qua đây tôi cũng muốn bày tỏ với khách hàng, đối tác rằng, một khi đã đặt niềm tin vào chúng tôi xin hãy luôn trân trọng, tôn trọng ý kiến và đánh giá cao giá trị chất xám mà chúng tôi đã bỏ ra.
Đó là tâm huyết, là sự cống hiến hết mình vì sản phẩm đem tới cho khách hàng. Hiểu và thông cảm cho nhau, có thế những người làm nghệ thuật như chúng tôi và khách hàng mới có thể cùng nhau tạo ra một sản phẩm hoàn hảo, những tuyệt phẩm cho nhân loại.
Tạm kết:
Là một nhà thiết kế, một kiến trúc sư, một doanh nhân trẻ thời 4.0, thế nên CEO Nguyễn Thế Trung rất hiểu những ưu thế và khó khăn mà mình phải đối mặt trên thương trường cũng như cuộc sống.
Có lẽ, chính bởi độ nhạy bén trong việc tiếp nhận thông tin, biết phân biệt đúng sai, khéo léo trong cách xử lý mọi việc một cách đúng đắn, mềm dẻo, khôn ngoan lại đúng pháp luật... mà vị Giám đốc điều hành của ilSole Architecture vẫn đã và đang vững tay chèo lái con thuyền ilSole vượt qua bão giông để cập những bến bờ ẩn chứa nhiều điều tốt đẹp.
Ý kiến bạn đọc