Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của CTCP Quốc Cường Gia Lai chiều 22/6 tại TP.HCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan nhiều lần nhắc đến hai chữ khó khăn vì các dự án của Quốc Cường Gia Lai nói riêng và toàn thị trường nói chung ách tắc do vấn đề pháp lý.
"Từ tháng 4/2018 đến nay, thị trường bất động sản càng ngày càng khó khăn mà không tháo gỡ được. Chúng tôi vướng trong vòng luẩn quẩn của pháp lý các dự án mà không thoát ra được", bà Loan nói.
Theo bà Loan, thời gian hoàn tất thủ tục pháp lý kéo dài khiến chủ đầu tư không có sản phẩm để bán. Khi đó, chi phí tăng lên và đến lúc có hàng đưa ra thị trường, giá lại bị đội lên, ảnh hưởng đến sức mua và doanh nghiệp chịu tác động ngược trở lại.
Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai nói thêm công ty cũng chỉ làm căn hộ, mất 2-3 năm mới tạo doanh thu chứ không có các sản phẩm ngắn hạn như phân lô bán nền. "Từ giữa năm 2018 đến giờ, Quốc Cường Gia Lai không có sản phẩm mới nhưng vẫn có các dự án trước đó còn hàng để bán", bà Loan chia sẻ.
Tại đại hội, hầu hết câu hỏi của cổ đông cũng xoay quanh vấn đề pháp lý của những dự án bất động sản. Bà Loan trả lời bất cập phần lớn xuất phát từ thực trạng đất công xen cài trong dự án.
Theo bà, có những dự án của Quốc Cường Gia Lai đã được duyệt quy hoạch 1/500, công ty đã đền bù xong 100%, có mặt bằng sẵn nhưng không thể khởi công vì có đất bờ kênh, rạch, đường nội bộ là đất công nằm rải rác.
Bà Loan cho biết theo quy định, đất công chỉ 1 m2 cũng phải đấu giá nên dự án cuối cùng bị ách tắc, không được giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Công ty phải gửi công văn tới Tổng cục Quản lý Đất đai để xin hướng dẫn với nhiều dự án và mất thời gian chờ đợi.
"Chúng tôi mới được trả lời về một dự án cách đây 3 ngày nhưng câu chữ không khớp 100% với yêu cầu của Sở Tài nguyên Môi trường nên thứ hai tới lại phải gửi công văn để hỏi tiếp", bà cho biết.
Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan phát biểu tại Đại hội cổ đông chiều 22/6. |
Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai nói thêm vì bị ách tắc một thời gian dài nên có những dự án sắp hết hạn quyết định công nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư.
"Mà một bộ hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư làm hết 3 năm chứ không phải trong một tháng, một ngày. Chúng tôi rất nản, có những lúc đi làm thủ tục về mà bức xúc không muốn làm nữa", bà Loan phân trần.
Nhận định về thị trường bất động sản, bà cho rằng phân khúc cao cấp đã có dấu hiệu dư thừa nguồn cung trong khi phân khúc trung cấp và bình dân lại thiếu hàng để bán. Bà Loan nói rất xót xa khi nhiều dự án của công ty đáp ứng các phân khúc này và nhiều khả năng sẽ có sức mua tốt nếu được tung ra thị trường nhưng lại lỡ cơ hội vì thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên, bà cũng lên tiếng trấn an cổ đông rằng công ty có dòng tiền ổn định từ mảng thủy điện và gánh nặng lớn nhất là các khoản vay ngân hàng đã có thể giải quyết.
Theo bà Loan, nhà máy thủy điện Iagrai 1 cơ bản đã trả xong nợ và mỗi năm có lãi ròng hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị trường cao su giá bán và lợi nhuận thấp nhưng doanh nghiệp không vay để đầu tư mảng này. Mặt bằng thương mại cho thuê ở tầng thấp các chung cư cũng có doanh thu ổn định dù không nhiều.
Còn lại, áp lực nhất với bà Loan là hai khoản nợ ngân hàng đã giảm còn 600 tỷ đồng và Quốc Cường Gia Lai đã tính toán đủ khả năng trả lãi vay.
"Chúng tôi có nợ cá nhân và nợ đối tác vài nghìn tỷ nhưng không chịu nhiều áp lực trả nợ giống ngân hàng vì nợ ngân hàng đến hạn là phải trả, không thì sẽ bị phát mãi tài sản. Công ty giờ đã có thu bù chi ổn định để trả nợ ngân hàng chứ nếu nợ số lớn quá thì không chịu nổi", bà Loan cho hay.
Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai nói thêm với các khoản nợ cá nhân và đối tác, bà và ban giám đốc chịu ít áp lực hơn nhờ sự chia sẻ. Theo bà, đây cũng là một may mắn cũng như thành quả sau nhiều năm kinh doanh chứ không phải tự nhiên mà có.
Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai nói với cổ đông áp lực lớn nhất là vay ngân hàng đã có thể giải quyết. |
Theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Quốc Cường Gia Lai thông qua, Chủ tịch HĐQT hưởng thù lao 9 triệu đồng/tháng nhưng thực tế năm qua bà Loan chỉ nhận 7 triệu đồng/tháng.
Các thành viên HĐQT cũng giảm thù lao từ 5 triệu còn 4 triệu đồng/tháng, Trưởng Ban Kiểm soát từ 4 triệu còn 3 triệu đồng/tháng. Riêng thành viên Ban kiểm soát công ty vẫn nhận đủ 2 triệu đồng/tháng. Những con số trên cũng được giữ nguyên trong năm nay.
Trong báo cáo tài chính 2018, khoản lương và các quyền lợi gộp khác cho các nhân sự quản lý chủ chốt của Quốc Cường Gia Lai cũng không lớn với tổng cộng chỉ hơn 38 triệu đồng mỗi tháng.
Một nghị quyết khác của Đại hội cổ đông năm 2018 không được thực hiện đúng là phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ chia 10% trên vốn điều lệ.
Bà Loan lý giải giá cổ phiếu công ty năm qua không tốt, nếu tiếp tục phát hành tăng thêm cổ phiếu bằng vốn chủ sở hữu sẽ làm pha loãng và giảm giá cổ phiếu nên doanh nghiệp không thực hiện.
Năm 2019, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 1.250 tỷ đồng, cao hơn 71% so với kết quả năm 2018 và lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, cao hơn 88%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này lại thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu của năm trước là 1.800 tỷ đồng doanh thu thuần và 320 tỷ đồng lãi trước thuế.
Nói về mục tiêu kinh doanh có phần khiêm tốn, bà Loan đánh giá công ty đã không thực hiện được kế hoạch kinh doanh năm trước nên năm nay cần đặt kỳ vọng phù hợp. Bà cũng nói thêm mảng thủy điện dự kiến chiếm 15-17% doanh thu và cao su sẽ đóng góp thêm một phần nhỏ.
Sau quý I/2019, Quốc Cường Gia Lai đã hoàn thành 30% chỉ tiêu doanh thu với 378 tỷ đồng nhưng mới chỉ đạt 3% kế hoạch lãi trước thuế với 6,1 tỷ đồng.
Ý kiến bạn đọc