Hãy nghe tôi hát - Nhạc sĩ chủ đề tiếp nối đêm thi thứ 4 của “ông hoàng nhạc bolero Trúc Phương”. “Nữ hoàng sầu muộn” danh ca Giao Linh, ca sĩ Chế Thanh sẽ đồng hành cùng danh ca Thái Châu làm giám khảo chương trình.
Danh ca Giao Linh chia sẻ, thời gian đầu Trúc Phương chỉ sáng tác những ca khúc về cây cỏ trong sáng. Ca khúc Buồn trong kỷ niệm được viết vào thập niên 1960 và là nhạc phẩm tình yêu đầu tiên ông viết dành tặng con gái. Ngày ông nhận được tin có con gái đầu lòng, ông đã viết ca khúc ý nghĩa này. Bài hát mang giai điệu man mác buồn nhưng lại thể hiện niềm vui của cố nhạc sĩ.
Trong thời gian đi học, Trúc Phương có học chung với “tiếng hát liêu trai” Thanh Thúy. Từ thời đó, ông đo được giọng ca của Thanh Thúy và khi viết ca khúc nào thì nữ danh ca đều thể hiện rất hay. Thanh Thúy không còn đối thủ hát nhạc Trúc Phương, giống như ca sĩ Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Năm 1995, Giao Linh trong một sự kiện có gặp nữ ca sĩ Hương Lan, bà tâm sự hai ngày nữa về Việt Nam thăm nhạc sĩ Trúc Phương. Bà đã gửi Hương Lan 200 USD nhờ trao cho nhạc sĩ Trúc Phương để ông trang trải khi bệnh tật. Tuy nhiên, sau đó ông không vượt qua cơn bạo bệnh và qua đời.
Trong đêm thi, nữ danh ca có đôi lời nhắn gửi đến thí sinh phải cẩn thận với các ca khúc của Trúc Phương bởi ca sĩ nổi tiếng còn không dám hát nhạc của ông. Tuy nhiên, bà cũng hy vọng các thí sinh thoải mái, mang bản lĩnh để thể hiện thật hay các sáng tác.
Xuất hiện tại chương trình, “Ông hoàng nhạc bolero miền Tây” Chế Thanh cũng tiết lộ câu chuyện cảm động về Trúc Phương - người thầy đầu tiên của anh.
Vào những năm 90, Chế Thanh là một giọng ca ngọt ngào và trữ tình của làng nhạc bolero. Anh khiến khán giả say đắm bởi chất giọng cảm xúc, sâu lắng cùng ngoại hình đẹp trai như tài tử màn bạc. Những ca khúc đỉnh cao một thời tạo nên dấu ấn của Chế Thanh có thể kể đến như: Lời đắng cho cuộc tình, Tình nghèo có nhau, Say, Tình đã bay xa, Em hãy về đi...
Chế Thanh gọi Trúc Phương là thầy bởi ông là người trực tiếp dạy cho nam ca sĩ cách nhả chữ, cách nhấn nhá, khi nào hát lớn, hát nhỏ. “Mỗi lần cầm văn bản nhạc có tên Trúc Phương, tôi cảm thấy lo lắng, tự nhắc nhở bản thân phải luôn cố gắng hết mình. Những ngày cuối đời của Trúc Phương, tôi cùng nhạc sĩ Thanh Sơn túc trực bên ông. Ông bị hen suyễn nặng, tôi ngồi vỗ lưng cho ông đến 10 phút mà ông vẫn chưa nói chuyện được”, Chế Thanh kể lại.
Ảnh: Hoàng Khôi
Ý kiến bạn đọc