Hàng loạt những nội dung xấu được đăng tải và lan truyền trên Youtube trong thời gian gần đây khiến người dùng lo ngại. Trong nước thì có hiện tượng "Khá Bảnh", "thánh chửi" Dương Minh Tuyền; quốc tế có vụ việc Momo Challenge hay các clip hoạt hình Peppa Pig bị lồng nội dung độc. Điều đáng nói, các video clip nội dung cổ xúy bạo lực, phản cảm nói trên chỉ bị Youtube xử lý sau khi đã đạt đến lượng view kỷ lục và trở thành những nội dung thịnh hành trong nước và quốc tế.
Hiện tượng này không những gây bất an cho hàng triệu người sử dụng mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu và doanh thu của hàng loạt doanh nghiệp đang quảng cáo trên nền tảng này.
Doanh nghiệp: "nạn nhân" bất đắc dĩ
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử mới đây vừa công bố danh sách nhãn hàng xuất hiện trong các video mang nội dung độc hại trên Youtube. Sự kiện này tiếp tục khiến giới doanh nghiệp phải đau đầu.
Thông thường, doanh nghiệp sẽ quảng cáo trên Youtube thông qua một hoặc vài đại lý nhất định. Mỗi đại lý có những ưu đãi riêng để thu hút khách hàng. Có đại lý chào mời chi phí chỉ 500 đồng cho một cú nhấp chuột vào quảng cáo. Một số đại lý cam kết loại trừ quảng cáo trên các video nhạy cảm bằng các công cụ theo dõi và kinh nghiệm thiết lập tùy chọn về chủ đề, từ khóa... Tuy nhiên, hầu như không đại lý nào dám cam đoan để 100% quảng cáo xuất hiện đúng nơi đúng chỗ và rủi ro về hình ảnh thương hiệu luôn có thể xảy ra.
"Trước khi chạy quảng cáo, đại lý có quyền chọn không đăng những kênh cụ thể để bảo vệ uy tín thương hiệu. Việc đó rất tỉ mỉ và cần đại lý cực kỳ chuyên nghiệp mới làm kỹ. Nhiều đại lý dễ bỏ qua bước này vì nếu chọn tất cả thì sẽ dễ chạy quảng cáo và hiệu quả hơn", một đại lý cho biết.
Hậu quả, doanh nghiệp vừa mất tiền quảng cáo vừa có thể đối mặt với nguy cơ thiệt hại về danh tiếng, thương hiệu nếu vô tình chạy quảng cáo trên các nội dung xấu của Youtube.
Bộ lọc chưa hiệu quả của Youtube tạo ra nhiều kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. |
Cơ chế kiểm duyệt và dấu hỏi dành cho Youtube
Câu hỏi đặt ra là: tại sao Google/Youtube không cải thiện chế độ kiểm duyệt nội dung một cách hiệu quả hơn?
Mới đây, Bloomberg công bố điều tra về việc tại sao YouTube để các video phản cảm phát triển nhanh mà không có chế tài kịp thời. Một trong các kết luận là lãnh đạo Youtube vẫn quan tâm tăng thời lượng xem và kiếm tiền hơn là kiểm soát các nội dung cực đoan.
"Susan Wojcicki (CEO) và lãnh đạo khác của YouTube không thể hoặc không muốn thực hiện cảnh báo về các video cực đoan và gây hiểu lầm. Lý do bởi họ quá tập trung vào việc tăng thời gian xem và các biện pháp tương tác khác", Bloomberg nhận định.
Sau hàng loạt phản ứng từ các thương hiệu và cả khán giả về việc xuất hiện các clip có nội dung độc hại, phản cảm từ đầu năm 2019, Youtube đã có động thái cải tiến hoạt động của mình. Tuy nhiên, như điều tra của Bloomberg, khi ưu tiên hàng đầu vẫn là doanh thu, bộ lọc của Youtube vẫn hoạt động chưa hiệu quả, còn nhiều kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.
Thêm vào đó, việc phụ thuộc vào hậu kiểm của cơ chế kiểm duyệt Youtube vẫn gây ra tình trạng sót, thiếu, dẫn đến tình trạng clip độc hại được đăng lên thì rất nhanh, nhưng đợi tới lúc gỡ là lại rất lâu, có khi kéo dài hàng tháng trời.
Theo chuyên gia an ninh mạng và marketing Võ Đỗ Thắng thì bên cạnh chế độ kiểm duyệt của Youtube, trách nhiệm còn thuộc về các nhà quản lý nội dung, mạng đa kênh do Youtube ủy quyền, nếu các kênh 'nhảm' đăng ký kiếm tiền thông qua họ.
"Không loại trừ khả năng có đơn vị đã lơ là quản lý nội dung hay thậm chí là tiếp tay cho những video bạo lực, phản cảm để thu hút người xem nhằm kiếm tiền quảng cáo", ông Thắng bình luận.
Bài toán khó
Youtube đang sở hữu hơn 1,5 tỷ người dùng, hơn 300 giờ video được đăng tải mới lên mỗi phút và gần 5 tỉ video được xem mỗi ngày. Từ bỏ nền tảng này là bài toán khó đối với doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp từng vướng vào việc quảng cáo trên nội dung xấu của Youtube cho biết, trong khi chờ đợi Youtube xây dựng một hệ thống kiểm duyệt hữu hiệu hơn, doanh nghiệp nên tự áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp.
" Cần ký kết với những agency chuyên nghiệp để phối hợp với Google/Youtube ngăn chặn việc phân phối nội dung quảng cáo trên những kênh có nội dung phản động, độc hại; thường xuyên cập nhật danh sách các trang nội dung xấu khi chạy quảng cáo theo bộ lọc từ khóa/URL/nội dung... đồng thời có cơ chế kiểm tra, gỡ bỏ kịp thời quảng cáo trên các kênh vi phạm ngay khi nhận được thông tin từ các đơn vị, tổ chức liên quan", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Quyết định lựa chọn agency chuyên nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo mạng xã hội là một phương án đang được nhiều nhãn hàng lựa chọn thời gian gần đây. Các agency này ngoài việc có khả năng xây dựng kế hoạch đăng tải quảng cáo hiệu quả, lựa chọn kênh phù hợp thì còn có đội ngũ nhân sự giám sát thường xuyên việc xuất hiện quảng cáo.
Vấn đề duy nhất mà nhãn hàng cần quan tâm là lựa chọn được một đối tác tin cậy. Nếu agency càng cẩn thận trong quy trình kiểm duyệt bao nhiêu, rủi ro xảy ra càng thấp bấy nhiêu.
"Nếu Youtube không có chế độ kiểm soát nội dung tốt hơn, chúng tôi kiến nghị sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với những biện pháp kỹ thuật và chế tài phù hợp, ví dụ như tăng cường làm việc với Google/Youtube hoặc siết chặt quản lý các cá nhân hợp tác với các mạng đa kênh lớn để có thể nắm bắt và xử lý nội dung vi phạm sớm nhất...
Đây sẽ là giải pháp hiệu quả để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp, có thể coi là những "nạn nhân" vô tình bị ảnh hưởng về mặt thương hiệu hoặc doanh thu do chế độ kiểm duyệt nội dung không chặt chẽ của Youtube gây ra", một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội cho biết.
Ý kiến bạn đọc