Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ ngày 28/6 đến 26/7.
Trên thị trường, cổ phiếu ACB đang giao dịch quanh mức 28.600 đồng/cổ phiếu. Tạm tính ở vùng giá này, VFM có thể thu về gần 20 tỷ đồng từ lần thoái vốn trên.
Hiện, ông Dominic Timothy Charles Scriven, Chủ tịch của VFM, đồng thời Chủ tịch Dragon Capital đang là thành viên HĐQT của ACB.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.706 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mảng tín dụng tiếp tục là trụ cột của ACB khi đem về 2.856 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong quý vừa qua, tăng 20%; trong đó, biên lợi nhuận gộp (đo bằng thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi) tăng lên mức 43,7%, từ mức 42,5% của quý I/2018.
Trong khi đó, mảng dịch vụ và mảng ngoại hối đem về lần lượt 371 tỷ đồng và 80,6 tỷ đồng lãi thuần, tăng lần lượt 5,4% và 2,8%. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận 26,1 tỷ đồng lãi thuần, tăng gấp gần 5 lần. Trái ngược là mảng mua bán chứng khoán đầu tư với 18,4 tỷ đồng lãi thuần, bằng chưa tới 1/7 cùng kỳ năm ngoái.
Các hoạt động khác đem về cho ACB 133,7 tỷ đồng lãi thuần trong quý vừa qua, giảm 62%.
Kết thúc quý I/2019, ACB ghi nhận 1.691 tỷ đồng lợi nhuận thuần, tăng nhẹ 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do bất ngờ hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng 15,6 tỷ đồng (thay vì trích lập dự phòng 134 tỷ đồng như quý I/2018) nên lợi nhuận trước thuế của ACB tăng 14,5%, đạt 1.706 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/3/2019, tổng tài sản của ACB đạt 335.802 tỷ đồng, tăng gần 2% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 237.357 tỷ đồng, tăng gần 3%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,69%.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của ACB đến hết ngày 31/3/2019 ở mức 22.383 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cách đây 3 tháng. Tiền gửi khách hàng ở mức 275.070 tỷ đồng, tăng 1,9%; trong đó, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn ở mức 16%.
Ý kiến bạn đọc