Khởi nghiệp từ một ngôi làng nhỏ, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định với các sản phẩm từ thiên nhiên gắn với cộng đồng địa phương, tôi nhận thấy một số khó khăn bản thân đang và cần phải vượt qua trong quá trình khởi nghiệp.
Thứ nhất, đó là khó khăn về sự sáng tạo đột phá: Bên cạnh nỗ lực làm việc, đóng góp giá trị hay sự sáng tạo ở mức vừa phải đơn thuần, tôi luôn trăn trở về sự sáng tạo ra một sản phẩm hay một mô hình nào đóng đóng góp vào giải quyết một vấn đề thực sự cần của cuộc sống và thật sự đột phá.
Thứ hai, khó khăn trong việc tham gia vào mảng sản xuất hay xây dựng thương hiệu. Làm sản xuất cần đáp ứng rất nhiều quy chuẩn và rất nhiều thứ cần vốn, chi phí để đảm bảo chất lượng quy mô, đầu tư cho mảng sản xuất đạt tiêu chuẩn ngay...
Thứ ba, để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cần vay vốn ngân hàng. Nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Trong đó, những công ty vốn điều lệ nhỏ, doanh thu nhỏ, khi đem nộp hồ sơ ra ngân hàng sẽ không được duyệt. Để được tiếp cận nguồn vốn vay, doanh nghiệp cần vốn điều lệ 2 tỷ và doanh thu vài tỷ. Nhưng không ít doanh nghiệp, trong đó có công ty của tôi, vốn điều lệ chỉ có từ 100 triệu đến vài trăm triệu.
Ngoài ra, khi khởi nghiệp còn có những khó khăn về cách quản lý dòng tiền sao cho hiệu quả, về nhân sự, chiến lược marketing, quản lý kho vận hậu cần, giới thiệu, quảng bá sản phẩm….
Để giải quyết những khó khăn đó, tôi mong muốn việc tiếp cận nguồn vốn, chính sách được thuận tiện hơn để phát triển kinh tế bản thân và gia đình, từ đó đóng góp cho cộng đồng, nuôi dưỡng những ước mơ đẹp một cách thực tế:
- Mong muốn thứ nhất là chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất tốt, dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ để khởi nghiệp, hoặc cơ chế trả góp cho máy móc thiết bị, nhà xưởng hoặc có cơ chế trong việc tạo dựng biện pháp vay vốn nếu doanh nghiệp có xuất trình được phương án kế hoạch, hoặc các điều kiện.
- Tiếp theo, đó là nền tảng công bằng trong việc tiếp cận hỗ trợ vốn để những doanh nghiệp hay những cá nhân, hộ kinh doanh cá thể ở các vùng khác nhau có điều kiện để phát triển ý tưởng của mình, tiếp cận nhận một cách đầy đủ, và mọi người đều có cơ hội.
- Thêm nữa, việc tiếp cận thông tin một cách chi tiết, toàn diện đến mọi vùng miền, điều này sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực tổng thể, bởi theo cảm nhận của cá nhân tôi, hiện vẫn còn những khoảng cách nhất định trong tiếp cận thông tin hay cơ hội giữa các vùng miền khác nhau.
Bên cạnh những mong muốn trên, tôi có một số đề xuất trong việc tiếp cận hỗ trợ vốn cho phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh như sau:
- Đề ra mức yêu cầu về doanh thu nhỏ hơn để doanh nghiệp nhỏ được phép vay vốn khi còn nhỏ (trong mức bản thân phụ nữ hay doanh nghiệp đó có thể sử dụng để quản lý và trả nợ vốn vay).
- Việc thế chấp, tín chấp có điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, có những người phụ nữ hay doanh nghiệp tài sản nhỏ, thậm chí chẳng có gì thế chấp ngoài những ý tưởng, sản phẩm đã có. Vì vậy, nên có những giải pháp để chị em có thể vay hay tiếp cận được nguồn vốn vay.
- Có những giải pháp phù hợp để phụ nữ khởi nghiệp/doanh nghiệp an tâm sử dụng nguồn vốn vay, giúp tiếp cận với nguồn vốn một cách chủ động, hiệu quả nhất.
Nâng cao quyền năng kinh tế có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. |
https://phunuvietnam.vn/can-co-nen-tang-cong-bang-trong-viec-tiep-can-ho-tro-von-cho-phu-nu-khoi-nghiep-kinh-doanh-20210706131352058.htm
Ý kiến bạn đọc