Gia đình vô ơn, biến ân nhân thành con nợ
Do thường xuyên đi tập thể dục với nhau nên bà V.T.K (sinh năm 1949, ngụ quận 11, TP.HCM) có quen biết với bà Nguyễn Thị Sương Mai cùng ngụ quận 11- là mẹ ruột của Huỳnh Tấn Luật (sinh năm 1973). Mối quan hệ trở nên khăng khít hơn vào năm 2010, khi bà Mai kể về hoàn cảnh đáng thương của mình.
Bà Mai than rằng, bản thân bị bệnh tim, hai người con chưa có công ăn việc làm. Riêng Huỳnh Tấn Luật mới về làm phó phòng giao dịch của ngân hàng A. tại quận 1, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu tiền, nên phải làm thêm ngoài để nuôi mẹ, nuôi vợ con và các em.
Biết bà K. có số tiền lớn đang gửi tại các ngân hàng, bà Mai mớm với bà K., hiện con trai đang rất cần tiền để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, nếu bà K. rút ở các ngân hàng khác gửi cho Luật sẽ được Luật trả lãi cao hơn so với ngân hàng…
Thương cảm người bạn già, nên từ tháng 8/2010, bà K. bắt đầu đưa tiền cho Luật và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Sương mượn làm ăn đáo hạn ngân hàng. Mỗi lần 2 vợ chồng Luật đến nhà bà K. lấy tiền đều viết giấy nợ đầy đủ. Những lần đầu, vợ chồng Luật hoàn trả rất sòng phẳng và đúng hạn. Tuy nhiên từ cuối năm 2010, Luật chỉ thanh toán tiền lãi, mà không thanh toán tiền gốc.
Sau khi cho vợ chồng Luật vay tiền nhiều lần trong năm 2010, nhận thấy gia đình Luật đàng hoàng, uy tín, cộng thêm bà Mai nhờ bà K. chuyển sang giao dịch với chi nhánh ngân hàng A.- nơi Luật làm việc để giúp Luật có cơ hội thăng tiến. Vì thương bạn, lại tin tưởng sự sòng phẳng của vợ chồng Luật nên đầu năm 2011, bà K. mở tài khoản tiết kiệm tại Chi nhánh ngân hàng A.- nơi Luật làm việc. Trong tất cả các lần giao dịch, Luật đều thay mặt ngân hàng đến nhà giao dịch trực tiếp và nhận tiền bà K.. Khi thực hiện giao dịch, Luật đề nghị được giữ tất cả bản gốc sổ tiết kiệm để tiện việc nhận tiền lời chênh lệch thỏa thuận từ ngân hàng A. với bà K. Luật còn yêu cầu bà K. ký vào rất nhiều giấy tờ của ngân hàng mà bà K. không để ý nội dung là gì.
Cái giá của sự lật lọng
Giữa năm 2012, bà K. đề nghị Luật tất toán các khoản tiền, nhưng Luật chỉ trả được 25 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2013, bà K. yêu cầu Luật mang tất cả sổ tiết kiệm mà bà đã gửi tại chi nhánh của Luật để lo công việc thì Luật mới thú nhận đã giả chữ ký của bà K., rút hết tiền từ các sổ tiết kiệm của bà K.
Luật xin bà K. tha thứ và mong bà K. ký lại hồ sơ giấy tờ để hợp thức hóa khoản tiền mà Luật đã tự ý rút, biến số tiền Luật đã rút thành số nợ cá nhân, chứ không liên quan tới ngân hàng A. Luật nói Luật sẽ xin nghỉ việc ở ngân hàng A, ra ngoài làm công ty riêng, cố gắng kiếm tiền trả nợ cho bà K., còn nếu bà K. kiện cáo thì Luật chấp nhận đi tù, chứ không còn khả năng trả nợ.
Vì vẫn còn thương người bạn già, thương gia cảnh của Luật nên bà K. đã đồng ý tạo điều kiện cho Luật con đường sống. Thế nhưng, càng nhường nhịn thì bà K. càng bị Luật và gia đình anh ta coi thường. Từ đó Luật không trả thêm cho bà K bất cứ đồng nào và lần lượt khất nợ với nhiều lý do không thuyết phục.
Ngày 22/8/2014, bà K. ngỡ ngàng khi nhận được tin nhắn từ Luật yêu cầu bà K. phải trả tiền cho Luật. Bất ngờ hơn, sau đó khoảng 1 tuần sau, bà K. nhận được giấy triệu tập của công an mời lên để làm rõ việc vì sao bà K. vay 82 tỷ và 3,5 ngàn lượng vàng của Luật mà không chịu trả. Không chỉ thế, Huỳnh Tấn Luật còn dùng thủ đoạn tinh vi khởi kiện đòi nợ bà K. trả số tiền này.
Đến lúc này, bà K. không còn chịu đựng được và quyết phải mang mọi sự ra ánh sáng, bà K. làm đơn tố cáo Luật đã lợi dụng lòng tin của bà để chiếm đoạt số tiền khổng lồ mà cả cuộc đời gia đình bà tích cóp.
Quá trình điều tra, Luật đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình, Luật xin rút lại đơn khởi kiện của mình và mong được bà K. thông cảm, tha thứ. Luật thừa nhận do làm ăn thất bát, không còn khả năng trả nợ nên đã giả chữ ký của bà K. để rút tiền tiết kiệm của bà K. Sau đó vì túng quẩn, Luật lại lấy các giấy tờ mà bà K. đã ký sẵn rồi soạn các nội dung cho rằng bà K. vay mượn tiền, vàng của Luật rồi in lên phần trống mà bà K. đã ký sẵn… Tính đến ngày khởi tố bị can, Luật đang nợ bà K. tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng cùng gần 8,7 triệu USD.
Với hành vi đó, Luật bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điều đáng nói là sau khi con trai chiếm đoạt của bà K. hàng trăm tỷ đồng, thì bà Mai- là người bạn thân tình bao năm bà K. tin tưởng đã cao chạy xa bay qua một đất nước cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Hiện phía bị hại đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét, làm rõ hành vi của bà Mai để có biện pháp xử lý.
Được biết, trong vụ án này không chỉ có bà K. bị Luật lạm dụng chiếm đoạt tài sản mà còn nhiều bị hại khác. Hiện những tài sản mà Luật giao dịch đã sang tên qua nhiều người khác.
Vì tiền đổi trắng thay đen
Trả lời thẩm vấn tại toà chiều 24/6, bị cáo Luật luôn miệng nói “không nhớ, không biết” số tiền đã chiếm đoạt của bà K được sử dụng vào mục đích gì. Và “bị cáo làm gì có một mình mình biết chứ vợ bị cáo không biết, không lien quan”.
Trước sự chối tội vô lý này, thẩm phán Tuấn Anh cho rằng: “Toà nhắc cho bị cáo nhớ,trước khi bị tạm giam, bị cáo là một cán bộ tín dụng, là một người có chuyên môn nghiệp vụ, làm việc trong một ngân hàng Nhà nước, chứ không phải tay ngang, bị cáo kiểm soát dòng tiền, tiền ra tiền vào, ngày nào chi ngày nào nhận, bị cáo biết hết chứ sao lại bảo không biết. Những gì bất lợi cho bị cáo, bị cáo đều không nhớ hết là sao? Còn việc Nguyễn Thị Thu Sương là vợ bị cáo, bị cáo nói bà Sương không biết là không đúng. Chồng mình đang làm bình thường, bỗng nhiên có số tiền lớn, mua nhà mua xe, có tài sản, có tiền tỷ, có cổ phần mà không hỏi tiền ở đâu có à, không hỏi vay mượn của ai à? Nếu nói không biết thì làm sao dám ký giấy xác nhận nợ? Rồi vì sao, mới đầu bị cáo khai nhận lấy tiền của bà K mua sắm nhà đất, sau đổi lại lời khi là tiền của bà K và của những người khác. Vậy những người khác đó là những người nào, và số tiền hơn 200 tỷ đồng mà bị cáo chiếm đoạt đó đi đâu?”.
Trước câu hỏi này, Luật ấp úng, sau rồi mới khai: “Dạ, bị cáo quay vòng vòng, vì bị cáo vay tiền nên trả lãi, lấy đầu này đắp đầu kia...”. Ngoài các tài sản mà Luật đã sang nhượng cho một số người, bị cáo cũng nhờ anh chị em đứng tên giùm một số tài sản khác. Toà cũng hỏi bị cáo số cổ phần bị cáo mua ở Công ty cổ phần thực phẩm Tây Ninh bây giờ ở đâu, ai đứng tên? Luật khai đã chuyển cho cha vợ vì thực ra bị cáo chỉ đứng tên giùm chứ không có tiền.
Toà hỏi bị cáo vậy chứ số cổ phần đó bị cáo có quyền biểu quyết, quyền bỏ phiếu không, vai trò của bị cáo trong Công ty đó là như thế nào? Luật khai là có, nhưng mới đầu khai cổ phần chỉ ghi danh chứ không có thực, sau khai do điều hành thua lỗ nên chuyển nhượng hết rồi. Tóm lại, quá trình thẩm vấn cho thấy bị cáo còn chưa trung thực khai báo các hành vi phạm tội của mình. Thậm chí, còn gian dối như nói với Toà: Sau khi làm ra sự việc trên, bị cáo thấy hối hận quá nên có nhắn tin xin lỗi bà K, nhưng trích xuất tin nhắn cho thấy, sau khi mượn được tiền, bị cáo chẳng những không trả nợ, thưa bà K ra Toà, còn nhắn tin đe doạ.
Ngày mai 25/6 phiên toà tiếp tục phần thẩm vấn và tranh luận.
Ý kiến bạn đọc