Ngành bán lẻ tại Việt Nam được xem là một cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài cả về đầu tư tài chính hoặc đầu tư để kinh doanh. Việt Nam được hưởng lợi bởi những yếu tố lợi thế như cơ cấu dân số vàng, GDP cao, lạm phát ổn định.
Mặt khác, Việt Nam còn được biết tới như là một nước có tăng trưởng nhanh về tầng lớp trung lưu và dân số vàng, tỷ lệ đô thị hoá cao…
Cụ thể, Economist Intelligent dự đoán, tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam có thu nhập hơn 10.000 đô/năm đã tăng từ 12% năm 2016 lên 17% năm 2021. Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng về tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Mặt khác, hơn 50% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi lao động. Hơn 40% dân số có tuổi dưới 24 - độ tuổi có nhu cầu tiêu dùng lớn nhất, sẽ quyết định xu hướng. Những điều này hàm nghĩa nhu cầu tiêu dùng với những hàng hoá cơ bản và cao cấp sẽ tăng lên.
Về đô thị hoá, dù Việt Nam là nước trong top tỉ lệ đô thị hóa thấp nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhưng lại là nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất. Theo đó, giai đoạn từ 2015 – 2020, con số dự đoán khoảng 2,6%/năm…
Những lợi thế này giúp cho ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm, theo MBS. Đơn vị này cũng khẳng định đây là ngành kinh tế quan trọng nhất trong nước.
Theo đó, quy mô toàn thị trường bán lẻ là 142 tỷ USD đóng góp vào 59% GDP cả nước. Tuy nhiên, MBS cũng chỉ ra các doanh nghiệp niêm yết trên sàn mới chỉ tham gia 1 phần các mảng bán lẻ trị giá khoảng 71 tỷ đô, tương đương góp 29,8% GDP cả nước).
Với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước và tỷ trọng lớn trên tổng GDP, MBS nhận định "đầu tư vào bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế tại Việt Nam".
Báo cáo của MBS cũng chỉ ra rằng thị trường bán lẻ Việt Nam có sự tham gia của cả nguồn vốn nội và ngoại. Doanh nghiệp nội và ngoại sẽ không thực sự cạnh tranh với nhau mà hợp tác với nhau và sẽ tạo ra một sự kết hợp hoàn hảo khi mà doanh nghiệp nội có lợi thế về hiểu biết tiêu dùng của người địa phương và giấy phép trong khi doanh nghiệp ngoại có lợi thế về công nghệ và nguồn vốn.
MBS chia thị trường bán lẻ Việt Nam làm 2 khu vực: nông thôn và thành thị.
Với khu vực nông thôn, cạnh tranh chủ yếu đến từ các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống và chuỗi cửa hàng hiện đại. Các doanh nghiệp nội địa chiếm thị phần chính ở đây, tuy nhiên doanh nghiệp nước ngoài sẽ cải thiện thị phần trong tương lai khi mô hình bán lẻ chuỗi và trực tuyến vươn tới được khu vực nông thôn.
Còn ở khu vực thành thị sẽ là cạnh tranh giữa các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử.
Ý kiến bạn đọc