Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa đầu tuần 15/7 với một phiên giao dịch không mấy tích cực. Lượng tiền đổ vào mua bán cổ phiếu ở mức trung bình, đạt 3.500 tỷ đồng trên HSX và 4.200 tỷ đồng trên toàn thị trường. Biến động giá cổ phiếu cũng không quá lớn, chỉ số chốt phiên ở mức giảm nhẹ.
Cụ thể, VN-Index giảm 2,87 điểm (0,29%) xuống 972,53 điểm, HNX-Index giảm 0,24 điểm (0,23%) xuống 105,61 điểm.
Đà giảm diễn ra ở các nhóm cổ phiếu bất động sản, hàng không, thép, sản xuất bán lẻ hàng tiêu dùng. Trong đó, một số cổ phiếu lớn đáng chú ý là: VIC (Vingroup) giảm 1,8%, VHM (Vinhomes) giảm 1,3%, VNM (Vinamilk) giảm 0,8%, VJC (Vietjet Air) giảm 0,5%, SAB (Sabeco) giảm 3,1%, NVL (Novaland) giảm 1,3%. MSN (Masan) giảm 2%.
Chiều tăng giá ghi nhận ở nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may, công nghệ thông tin và một số cổ phiếu ngân hàng.
Bộ đôi cổ phiếu của bầu Đức là HAG-HNG vẫn nhận được nhiều sự chú ý khi có diễn biến khởi sắc trong thời gian gần đây. Đặc biệt là HNG (HAGL Agrico) đã liên tục phá đỉnh trung hạn và leo lên ngưỡng cao nhất kể từ đầu năm 2016. Kết phiên hôm nay, HNG dừng tại mức 18.800 đồng/cổ phiếu.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu lên cao, HAGL mới đây đã thông báo đăng kí bán 60 triệu cổ phiếu HNG để tái cấu trúc tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 12/7 – 12/8 qua phương thức giao dịch thỏa thuận.
HAGL hiện là công ty mẹ của HAGL Agrico với sở hữu 512,6 triệu cổ phiếu, tương đương 57,81% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, HAGL sẽ giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 452,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 51,04% vốn điều lệ. Với thị giá HNG hiện tại, HAGL của bầu Đức sẽ thu về khoảng hơn 1.100 tỷ đồng để bổ sung vào sản xuất kinh doanh.
Diễn biến tích cực của bộ đôi HAG-HNG diễn ra sau khi doanh nghiệp của bầu Đức bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua lại nợ trước hạn của VPBank. Cụ thể, HAGL Agrico đã chi ra hơn 1.726 tỷ đồng để mua lại trước hạn 1.700 tỷ đồng trái phiếu từ VPBank.
Cùng thời điểm, HAGL cũng chi ra 1.149 tỷ đồng để mua lại trước hạn 1.120 tỷ đồng trái phiếu còn lại từ VPBank để cơ cấu lại nợ. Tổng cộng hai doanh nghiệp của bầu Đức đã chi 2.875 tỷ đồng cho thương vụ này, qua đó chính thức hết nợ trái phiếu đối với VPBank.
Có thể thấy, tình hình tài chính và vốn của HAG và HNG dường như đã được cải thiện. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về hiệu quả kinh doanh của hai doanh nghiệp này.
Kết thúc Qúy I/2019, HAGL Agrico báo lỗ ròng hơn 98 tỷ đồng. Còn HAGL cũng lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 252 tỷ đồng và chỉ thoát lỗ ròng với khoản lợi nhuận khác bất thường (nhờ hoàn nhập dự phòng).
Nguyên nhân thua lỗ được hai doanh nghiệp này lý giải đều chủ yếu là do chuyển đổi diện tích trồng chanh dây sang các loại trái cây lâu năm khác và phần lớn diện tích trồng chuối trong năm 2018 chưa đến kỳ thu hoạch dẫn đến doanh thu sụt giảm. Bên cạnh đó, theo số liệu hết quý I, HAGL vẫn đang nợ vay ngân hàng gần 21.200 tỷ đồng, khiến chi phí trả lãi trong kì hơn 328 tỷ đồng và ăn mòn hết lợi nhuận.
Ý kiến bạn đọc