Sau một vụ tai nạn giao thông không được bồi thường, thậm chí phải bào chữa trước tòa dù mình không có lỗi, ông Harland Stonecipher (1938-2014, chủ tịch đầu tiên của tập đoàn LegalShield) đã phải trả phí rất đắt để thuê luật sư.
Trải qua sự cố đáng bực mình này, ông nghĩ rằng sẽ có rất nhiều người gặp phiền phức như ông nhưng lại không thể trả những khoản phí đắt đỏ cho luật sư. Vì vậy, năm 1972, ông cho ra đời phương thức trả phí tư vấn cho luật sư hoàn toàn mới.
Bằng cách liên kết 6.900 luật sư và các hãng luật trên khắp nước Mỹ và Canada, ông đã tạo ra một kênh tư vấn luật qua điện thoại phục vụ người dân bất cứ lúc nào.
Vào thời điểm bùng nổ cách mạng 4.0 năm 2000, các công ty tư vấn pháp lý trực tuyến như LegalShield, Legal Zoom hay Rocket Lawyer nhanh chóng được người dân và các doanh nghiệp Mỹ biết đến và sử dụng rộng rãi.
Với gói cá nhân bắt đầu từ giá 24,85 đô-la Mỹ, người sử dụng có thể gọi và được tư vấn 24/7 về kiện tụng, tranh chấp, tai nạn, bồi thường lao động...
Thậm chí, luật sư tư vấn trực tuyến còn có thể trực tiếp hỗ trợ người sử dụng trong các phiên tòa. Vấn đề lớn nhất những dịch vụ này gặp phải là đôi khi cá nhân phải thuê luật sư có chuyên môn hoặc luật sư đã có kinh nghiệm với doanh nghiệp. Lo ngại này đang được khắc phục bằng cách mở rộng mạng lưới đến nhiều luật sư bên ngoài hơn để bao phủ tất cả các vấn đề.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ đã và đang sử dụng Legalshield để bảo vệ quyền lợi của mình và giải quyết những khúc mắc trong ngành nail. Những chủ tiệm nail gặp rất nhiều rắc rối từ hóa chất trong tiệm cho đến chuyện cạnh tranh, thuế, hóa đơn, việc thuê mặt bằng...
"Trong cuộc sống có thể xảy ra nhiều điều và hễ đụng tới pháp luật thì chúng ta rất dễ bị lúng túng", phát ngôn viên trong chương trình “Tình tứ tối thư tư nghề Nails” cho biết.
"Bằng cách giữ liên lạc mật thiết với hãng luật và luật sư, tất cả mọi người trong tiệm nail đều có thể yên tâm làm việc”, người này nói.
Riêng ở Việt Nam, các văn phòng luật sư hầu hết đã cung cấp dịch vụ tư vấn trên điện thoại và trực tuyến. Ngoài ra, các thủ tục hành chính trên mạng đã đi vào hoạt động.
Chẳng hạn, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, với sự chỉ đạo sát sao của UBND TP Hà Nội và sự hỗ trợ tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Cụ thể, từ 17/08/2016, Sở đã chủ động phân loại hồ sơ và lựa chọn thực hiện đối với 12 loại thủ tục hành chính không thu phí, lệ phí đề nghị cá nhân, doanh nghiệp chỉ thực hiện nộp 100% qua mạng, không nộp hồ sơ giấy.
Như ví dụ trên, bộ máy hành chính đã thành công trong việc thúc đẩy xử lý thủ tục hành chính nhanh chóng thay vì thực hiện trên giấy tờ. Ngoài ra, việc nộp tờ kê khai thuế cũng đang được thúc đẩy và sử dụng qua trang web của Tổng cục Thuế.
Với cái nhìn tổng quan, nhờ cách mạng 4.0, người dân Việt Nam sẽ dễ tiếp cận hơn với các dịch vụ pháp lý trong tương lai gần.
Ý kiến bạn đọc