1. Một số đặc điểm trâu nuôi
1.1. Về ngoại hình và tầm vóc
Trâu Việt Nam thuộc loại hình trâu đầm lầy, có sừng dài, thon, cong hình bán nguyệt, đuôi sừng nhọn. Đầu to, trán phẳng, hẹp, mặt ngắn, mõm rộng. tai to và rộng, cổ dài thẳng, thân ngắn, chân thấp và mảnh, vai đầy, ngực lép, bụng to, mông thấp, đuôi ngắn, móng xoè. Trâu cái có vú bé và lùi về phía sau, trâu đực có dương vật dính chặt vào phần bụng. Trâu ta có lông thưa, da dày, màu xám tro sẫm, đa số có vệt khoang trắng ngang phía dưới cổ và một vệt phía trên ngực.
Trâu thường có những vòng lông xoắn trên mình gọi là xoáy. Số lượng xoáy biến động từ 1 đến 9, các xoáy có sự khác nhau về vị trí, kích thước, hình dáng và chiều xoáy của lông.
Về tầm vóc trâu, căn cứ vào khối lượng cơ thể lúc trưởng thành, có thể chia đàn trâu ta làm hai loại:
- Trâu Ngố: Là loại trâu ngoại hình to, khối lượng cơ thể con đực 450-500kg, con cái 400-450kg.
- Trâu Gié: Là loại trâu ngoại hình nhỏ có khối lượng cơ thể con đực 350-400kg, con cái 300-350kg.
1.2. Về sinh trưởng phát triển
Cũng như các gia súc khác, đặc điểm cơ bản của sinh trưởng trâu là quy luật phát triển theo giai đoạn. Có thể chia làm hai giai đoạn chính: giai đoạn bào thai (trong cơ thể mẹ) và giai đoạn sau bào thai (ngoài cơ thể mẹ). Giai đoạn sau bào thai lại chia làm hai thời kỳ: thời kỳ bú sữa và thời kỳ sau cai sữa. Sự tăng trưởng ở giai đoạn bào thai chịu ảnh hưởng nhiều của mẹ, còn ở giai đoạn sau bào thai thì chịu ảnh hưởng của tính di truyền và điều kiện ngoại cảnh (mức độ dinh dưỡng, quản lý chăm sóc, thời tiết mùa vụ ...).
Trâu có khối lượng sơ sinh 20-25kg, lúc 1 năm tuổi đạt 120-140kg, lúc 2 năm tuổi đạt 200-220kg. Nếu được nuôi dưỡng tốt, trâu có thể cho tăng trọng cao (500-700 gam/ngày), thời kỳ vỗ béo có thể tăng trọng 800-1000 gam/ngày.
1.3. Sự thay răng ở trâu
Khi trâu đạt tới tuổi nhất định thì răng sữa được thay bằng răng vĩnh cửu. Trâu có 32 răng, trong đó có 8 răng cửa và 24 răng hàm. Hàm trên không có răng cửa.
Người ta có thể xác định được tương đối đúng tuổi của trâu khi căn cứ vào sự biến đổi của bộ răng. Trình tự thay các răng cửa hàm dưới của trâu như sau :
- Vào khoảng 3 tuổi thay 2 răng cửa sữa giữa
- Vào khoảng 4 tuổi thay 2 răng cửa sữa cạnh
- Vào khoảng 5 tuổi thay 2 răng cửa sữa áp góc
- Vào khoảng 6 tuổi thay 2 răng cửa sữa góc và đủ 8 răng cửa trưởng thành
Từ 6 tuổi trở lên, muốn xác định tuổi trâu thì phải căn cứ vào độ mòn của răng vĩnh cửu
Tuy nhiên, sự thay răng và mòn răng phụ thuộc vào giống, thức ăn, cách nuôi dưỡng, tình trạng sức khoẻ ...
1.4. Về tiêu hóa và sử dụng thức ăn
Trâu là loại động vật nhai lại có dạ dày bốn túi: dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Nhờ hệ vi sinh vật trong dạ cỏ mà trâu có thể tiêu hoá các loại thức ăn có hàm lượng xơ cao và tạo thành các axit béo bay hơi cung cấp chủ yếu nhu cầu năng lượng của cơ thế. Trâu có thể tận dụng được nhiều loại cỏ, lá cây, một số loại cỏ nước và phế phụ phẩm của trồng trọt mà các gia súc khác (kể cả bò) không sử dụng được.
Trâu được nuôi chủ yếu bằng cỏ, rơm, các sản phẩm phụ của trồng trọt, những thức ăn có chất lượng thấp, tỷ lệ xơ cao, hàm lượng protein thấp ... Cần lưu ý là trâu có thói quen ăn đêm.
1.5. Khả năng thích nghi
Trâu có ưu điểm là dễ nuôi, chịu đựng kham khổ tốt, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh và chống đỡ bệnh tật cao.
Sức chịu đựng kham khổ của trâu được thể hiện ở việc giữ được thể trạng cơ thể, ít bị gầy sút trong mùa khô do thiếu thức ăn và phục hồi cơ thể nhanh hơn các gia súc khác nuôi trong cùng điều kiện.
Trâu thích bóng mát và đầm tắm. Trâu không chịu được nắng nóng và sức chịu rét kém hơn bò; đồng thời mẫn cảm với một số ký sinh trùng.
1.6. Về sinh sản trâu cái
Trâu cái có tuổi động dục lần đầu lúc 3 tuổi, lúc đó khối lượng cơ thế mới đạt 70-75% khối lượng lúc trưởng thành. Tuổi đẻ lứa đầu của trâu là khoảng 4 tuổi, khối lượng cơ thể đạt 80-85% khối lượng lúc trưởng thành. Chu kỳ động dục của trâu dao động khá lớn, từ 15-35 ngày, thời gian kéo dài động dục là 15-20 giờ và phần lớn trâu cái biểu hiện động dục không rõ ràng (động dục ngầm). Thời gian mang thai của trâu nội là 320-325 ngày. Thời gian động dục lại sau khi đẻ 6 tháng, dẫn đến nhịp đẻ thường 3 năm 2 nghé hoặc 2 năm 1 nghé. Trâu là động vật đơn thai, rất ít trường hợp sinh đôi (dưới 1%). Sự sinh sản của trâu mang tính mùa vụ khá rõ rệt, trâu động dục tập trung vào mùa thu đông (từ tháng 8 đến tháng 2 dương lịch năm sau), còn mùa hè nóng nực thì tỷ lệ động dục rất thấp.
2. Chọn giống trong nuôi trâu sinh sản
2.1. Chọn trâu cái nuôi sinh sản
- Trâu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các bệnh, có bố mẹ tốt và không bị cận huyết;
- Trâu khỏe mạnh, không bị các dị tật. Bầu vú phát triển, núm vú to, dài vừa phải. Mình dài, phần sau phát triển, khung chậu rộng. Tính tình hiền lành, phàm ăn.
- Chọn con có tầm vóc, khối lượng lớn: Sơ sinh ≥ 22kg, lúc 12 tháng tuổi ≥120 kg, lúc 24 tháng tuổi ≥220 kg.
- Trâu cái có tuổi đẻ lứa đầu không quá 46 tháng, khoảng cách giữa 2 lứa đẻ ≤ 18 tháng.
2.2. Loại thải những trâu cái sinh sản kém
Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi trâu cái sinh sản, cần mạnh dạn loại thải những trâu cái chậm phát triển và sinh sản kém. Việc chọn lọc tiến hành cả với trâu hậu bị và trâu cái đã sinh sản.
- Với trâu cái hậu bị: Những trâu cái có ngoại hình xấu, tăng trọng kém, bộ phận sinh dục phát triển kém và chậm lên giống cần phải loại thải.
- Với trâu cái sinh sản: Những trâu cái đẻ thưa, sẩy thai nhiều lần, thường đẻ khó, nuôi con kém hay quá già yếu cần phải loại thải.
3. Phối giống cho trâu
Do trâu động dục thầm lặng khó phát hiện, các phương pháp phát hiện động dục thông qua những triệu chứng chưa được khẳng định chắc chắn. Vì thế, chủ yếu là sử dụng đực giống để nhảy trực tiếp.
- Những trâu cái hậu bị đến tuổi phối giống và trâu cái sau khi đẻ cần chăn thả chung trâu cái với trâu đực giống tốt để được phối giống.
- Tuyệt đối không để những trâu đực có quan hệ huyết thống hoặc tầm vóc bé nhảy cho trâu cái.
- Với trâu cái được phối giống 1-2 lần mà không có chửa cần kiểm tra xác định nguyên nhân để có biện pháp can thiệp phù hợp.
4. Nuôi dưỡng trâu cái sinh sản
4.1. Giai đoạn chửa
- Thời kỳ bắt đầu mang thai đến 7-8 tháng, nuôi trâu chủ yếu là thức ăn thô xanh. Trước khi đẻ 2-3 tháng, ngoài cỏ xanh cần cho trâu ăn thức ăn tinh (cám, bắp, lúa nghiền ...) từ 0,5 - 1,5 kg/con/ngày.
- Ở tháng chửa đầu và tháng chửa cuối, không sử dụng trâu để cày kéo, không xua đuổi nhiều, không dùng thuốc tấy . . . tránh ảnh hưởng đến thai. Giai đoạn gần đẻ, nên chăn thả gần và nuôi riêng trâu cái chửa để tiện chăm sóc.
- Trước khi trâu đẻ 1-2 ngày, nhốt trâu tại chuồng, tắm rửa sạch sẽ, dọn chuồng, chuẩn bị dụng cụ và trực trâu đẻ.
- Căn cứ các biểu hiện của trâu cái để dự kiến ngày trâu đẻ. Trâu sắp đẻ có những biểu hiện sau:
+ Trâu hay đứng lên nằm xuống, đi loanh quanh chuồng biểu hiện cơn đau bụng, đại tiểu tiện nhiều lần
+ Bầu vú căng to, núm vú căng vắt có sữa trắng chảy ra
+ Âm hộ sưng to, có dịch chảy ra (ban đầu đặc sau loãng dần)
+ Có hiện tượng sụp mông, đuôi lệch sang một bên và ít cử động
4.2. Khi trâu đẻ
- Phải bố trí người trực để chăm sóc trâu khi đẻ và can thiệp khi gặp những trường hợp bất thường.
- Cần giữ yên tĩnh khi trâu cái đang đẻ và để trâu đẻ một cách tự nhiên. Nghé sinh ra, móc sạch nhớt ở mũi và miệng, dùng giẻ lau sạch nghé, bóc móng, cắt rốn đúng cách và cho bú sữa đầu ngay.
- Trường hợp sau vỡ ối 30 phút mà thai chưa ra cần phải có biện pháp can thiệp để giúp nghé được sinh ra.
- Khi trâu mẹ ra nhau cần thu nhau thai không để trâu mẹ ăn. Sau khi sinh 5-6 giờ mà nhau chưa ra, cần báo thú y can thiệp (người có kinh nghiệm).
- Trâu mẹ sinh xong cho uống nhiều cháo loãng hoặc nước bột (cám, bắp …) có pha ít muối (nếu hứng được nước ối cho uống thì càng tốt).
- Trường hợp nghé sinh ra không thể tự đứng bú được phải can thiệp để nghé bú được sữa đầu (đỡ cho nghé bú, vắt sữa cho nghé uống).
4. 3. Giai đoạn nuôi con
- Cần theo dõi và điều trị trị thời các bệnh đường sinh dục của trâu mẹ, nhất là bệnh sót nhau, viêm tử cung ....
- 7- 10 ngày sau đẻ nên nhốt trâu tại chuồng để chăm sóc. Sau đó chăn thả từ gần tới xa để nghé quen dần.
- Trong giai đoạn này cần cho trâu cái ăn nhiều để phục hồi cơ thể và sản xuất sữa để nuôi con. Ngoài chăn thả phải bổ sung thêm thức ăn xanh và thức ăn tinh tại chuồng.
- Mùa mưa cần chú ý việc che chắn để chuồng nuôi không bị mưa tạt gió lùa, giữ cho nghé khỏi bị lạnh.
- Hàng ngày dọn chuồng sạch sẽ, khô ráo; đảm bảo có nước sạch thường xuyên tại chuồng.
Ý kiến bạn đọc