1. Các biện pháp phòng bệnh cho trâu, nghé
1.1. Nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức khỏe của trâu, nghé
- Cho trâu nghé ăn uống đầy đủ, khẩu phần ăn phù hợp với từng thời kỳ, đối tượng nuôi.
- Tạo môi trường sống thoải mái, giữ ấm áp về mùa đông, mát mẽ về mùa hè cho trâu nghé.
1.2. Phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh, cách ly
- Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, máng ăn uống sạch sẽ; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và thu gom phân để ủ.
- Sử dụng thức ăn, nước uống không bị nhiễm độc, nhiễm bẩn và mùa nắng thường xuyên tắm chải cho trâu, nghé.
- Cách ly trâu bệnh với trâu khỏe, những trâu mua về nên nuôi riêng ít nhất 3 tuần để theo dõi.
- Bố trí chuồng nuôi trâu không quá gần nhà ở, nguồn nước sinh hoạt và không nuôi chung với các loại vật nuôi khác.
1.3. Phòng bệnh bằng thuốc
- Phòng bệnh ký sinh trùng:
+ Tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho nghé lúc 1, 3 và 6 tháng tuổi.
+ Tẩy sán lá lúc trâu 12 tháng tuổi và sau đó định kỳ 6 tháng tẩy lại 1 lần (cần chủ động tẩy sán trước khi phối giống).
- Phòng bệnh truyền nhiễm: Tiêm phòng các loại vác xin Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng ... theo lịch của thú y.
2. Một số bệnh thường gặp và cách phòng chống
2.1. Bệnh truyền nhiễm
2.1.1. Bệnh tụ huyết trùng trâu bò
2.1.1.1. Đặc điểm
Bệnh do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn có sức đề kháng mạnh, tồn tại rất lâu trong chuồng trại và đất ẩm thiếu ánh sáng. Bệnh xảy ra quanh năm và thường tập trung vào mùa mưa lúc khí hậu nóng ẩm và những lúc giao mùa thời tiết thay đổi đột ngột, sức đề kháng gia súc bị suy giảm.
2.1.1.2. Triệu chứng
- Thể quá cấp tính: Con vật đột nhiên lên cơn sốt cao 41-420C và trở nên hung dữ điên loạn, lồng lên, đập đầu vào tường, húc đầu vào gốc cây, lăn ra giãy giụa rồi chết, có thể chết trong 24 giờ.
- Thể cấp tính: Thể này thường xảy ra ở trâu bò hơn so với thể quá cấp. Thời gian nung bệnh ngắn từ 1-3 ngày, con vật không nhai lại, mệt mỏi, ủ rũ, sốt cao đột ngột 40-420C. Các niêm mạc mắt mũi đỏ thẩm rồi tái xám. Nước mắt, nước mũi chảy liên tục, nước mũi lúc đầu trong sau đặc lại, có lẫn mủ màu vàng hoặc màu gỉ sắt. Phần dưới hầu sưng rất to, làm cho con vật lè lưỡi, thở khó. Một số trâu bò có triệu chứng bệnh ở đường ruột, lúc đầu phân táo bón, sau tiêu chảy dữ dội, phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Bụng chướng to do viêm phúc mạc và có tương dịch trong xoang bụng.
Giai đoạn cuối con vật nằm liệt, đái ra máu, thở khó khăn, có nhiều chấm xuất huyết đỏ thẫm ở các niêm mạc. Bệnh tiến triển 3-5 ngày, tỉ lệ chết 90-100%.
2.1.1.4. Điều trị
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì mới có hiệu quả cao, dùng một trong các loại kháng sinh sau: Streptomycine, Sulfadiazin 24%, Pen-Strep, Shotapen, Oxytetracyclin, Remacylin... Sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra nên kết hợp với các loại thuốc trợ sức và thuốc bổ để tăng đề kháng để con vật mau lành bệnh.
2.1.2. Bệnh lở mồm long móng
2.1.2.1. Đặc điểm
Bệnh do virus gây ra, virus gây bệnh có nhiều chủng (type). Hiện nay ở nước ta có 3 chủng gây bệnh là A, O, ASIA-1, gây triệu chứng và bệnh tích như nhau nhưng không gây miễn dịch chéo. Sức đề kháng của virus rất cao, virus sống ở trong đất, rơm, cỏ khô được hơn 5 tháng. Trâu bò mắc bệnh còn mang virus đến hơn 3 năm. Bệnh lây lan rất nhanh, bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường phát nhiều vào mùa mưa lạnh.
Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, không những xảy ra trên nhiều loài vật nuôi, mà còn gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho cả người chăn nuôi và xã hội.
2.1.2.2. Triệu chứng
- Con vật bệnh sốt cao 40 – 42oC kéo dài trong 2-3 ngày, ủ rũ, lông dựng, ăn ít, nặng nề khi nằm xuống đứng lên.
- Sau 3- 4 ngày các mụn nước bắt đầu mọc ở nhiều nơi: miệng, ở chân và những nơi da mỏng. Mụn nước lúc đầu nhỏ nhưng nhanh chóng to ra, sau vài ngày thì vở và chảy dịch màu vàng. Nếu không bị nhiễm tạp khuẩn sau 2-3 ngày vết loét sẽ hồi phục và thành sẹo. Nếu điều kiện vệ sinh và chăm sóc kém, những mụn loét ở quanh móng chân có thể bị nhiễm trùng sinh mủ tạo thành những ổ loét sâu trong móng chân và làm sút móng.
- Con vật không ăn uống được do bị tổn thương, miệng chảy nhiều nước dãi (trắng như bọt bia), chân đau đứng không yên, đổi chân liên tục, chân nhấc lên rồi hạ xuống như giã gạo. Bệnh nhẹ thì long móng, đau không đi được. Bệnh nặng hơn có thể làm trâu, bò, dê bị chết.
- Bê nghé thể hiện viêm ruột cấp tính: ỉa chảy nặng, xuất huyết đường tiêu hóa, hoặc viêm phế quản và viêm phổi cấp làm cho bê nghé chết sau 2-3 ngày.
2.1.2.3. Phòng bệnh
- Khi có bệnh xảy ra phải báo cáo lên thú y cấp trên để có biện pháp thích hợp, khoanh vùng dịch, ngăn chặn bệnh lây lan.
- Không mua bán, vận chuyển gia súc ốm. Hạn chế ra vào nơi có bệnh. Xác chết, phân rác đem đốt rồi chôn.
- Vệ sinh, tiêu độc kỹ chuồng nuôi bằng xút 2%, Formol 2%, nước vôi 20%.
- Tổ chức tiêm phòng vác xin theo yêu cầu và chỉ đạo của ngành thú y.
2.1.2.4. Điều trị: Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chữa triệu chứng và phòng nhiễm trùng kế phát. Công tác hộ lý rất quan trọng để làm nhẹ bớt hậu quả của bệnh:
- Nhốt gia súc ở nơi khô, sạch. Cho ăn thức ăn mềm, ngon.
- Xử lý mụm loét bằng thuốc sát trùng nhẹ như: Vime Iodine, acid acetic (dấm chua), axit boric, axit lactic, phèn chua, thuốc tím 1%, xanh Methylen 1%, nước quả chua (chanh, khế,…), lá chát đắng (lá chè tươi, lá ổi, lá sim,…) rửa sạch
chổ loét hàng ngày. Sau 2-3 tuần vết loét sẽ khỏi (nếu không bị nhiễm trùng).
- Kết hợp dùng một trong các loại thuốc sau để trị các triệu chứng viêm loét và phòng các bệnh thứ phát: Penicilline, Ampicilin, Kanamycin, Oxytetracyclin.
- Súc vật bệnh mệt nhọc cần tiêm các loại thuốc trợ giúp như: Na-Campho, B.Complex ADE, VitaminC.
2. 2. Bệnh do ký sinh trùng
2.2.1. Bệnh sán lá gan trâu bò
2.2.1.2. Nguyên nhân và đường lây truyền
Bệnh do sán lá ký sinh ở trong gan gây ra, bệnh xảy ra ở hầu hết các loại thú kể cả người. Gia súc già thường tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn gia súc non, bệnh hay xảy ra ở vùng lầy lội, ngập nước.
Sán trưởng thành sống trong ống mật của vật chủ và đẻ trứng, trứng theo ống mật vào phân ra ngoài. Điều kiện thích hợp, trứng phát triển thành ấu sán và xâm nhập vào ốc nước ngọt. Ở trong ốc, ấu sán phát triển qua nhiều giai đoạn thành vĩ ấu, sau đó chúng thoát ra ngoài và bám vào cây cỏ thủy sinh. Gia súc ăn phải cây cỏ nhiễm ấu sán, chúng sẽ đến gan và cư trú ở trong ống mật để phát triển thành sán trưởng thành.
2.2.1.3. Triệu chứng
- Thể cấp tính: Thời kỳ đầu con vật bị sốt, kém hoặc bỏ ăn, vùng gan sưng đau. Sau đó tiêu chảy dữ dội, phân loãng xám có mùi tanh. Sau vài ngày súc vật bệnh nằm liệt không đi được và chết.
- Thể mãn tính: Nếu số lượng sán ít, sức đề kháng của con vật cao thì bệnh chuyển sang thể mãn tính, bệnh tiến triển chậm. Sau một thời gian mắc bệnh, con vật thiếu máu, niêm mạc nhợt nhạc, lông khô dễ rụng, thủy thủng ở mí mắt, dưới hàm, ngực và phần dưới cơ thể. Súc vật bệnh gầy còm, bị rối loạn tiêu hoá: ỉa lỏng, nhiều khi bị chướng hơi nhẹ.
2.2.1.4. Điều trị: Dùng một trong các loại thuốc sau: Tolzan F, Fasinex, Fasiolid. Sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
2.2.1.5. Phòng bệnh
- Tránh chăn thả ở vùng lầy lội, ngập nước. Diệt mầm bệnh ở môi trường ngoài, ủ phân để diệt trứng và ấu trùng giun sán ...
- Định kỳ kiểm tra phân và tẩy sán lá gan 2 lần/năm cho toàn đàn.
- Chăm sóc và nuôi dưỡng tốt để nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
2.2.2. Bệnh giun đũa bê nghé
2.2.2.1. Nguyên nhân
Bệnh do một loại giun đũa sống ký sinh ở ruột non gây ra. Bê nghé từ 2-5 tuần tuổi mắc nặng nhất, từ 6 tháng tuổi trở đi bệnh giảm dần. Bệnh gây cho bê nghé chậm lớn, bệnh nặng có thể dẫn đến chết.
2.2.2.2. Triệu chứng
- Bê, nghé mắc bệnh dáng đi lù dù đầu cúi đuôi cúp, lưng cong bụng phình, lông xù.
- Phân từ đen sang màu vàng xẫm, rồi đến trắng lỏng và có mùi thối khắm thường dính bết vào đuôi và hai chân sau.
- Con vật gầy sút tương đối nhanh và có thể chết sau 1-2 tuần.
2.2.2.3. Điều trị: Dùng một trong các loại thuốc sau: Levamisol 7,5%, Ivermectin 0,25%. Sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
2.2.2.4. Phòng bệnh
- Nên tẩy cho bê nghé lần 1 vào lúc 2-3 tuần tuổi, lần 2 lúc 6-7 tuần tuổi.
- Tăng cường công tác vệ sinh, chăm sóc.
- Bồi dưỡng trâu bò mẹ và bê nghé mới sinh để tăng sức đề kháng.
- Thu gom phân đem ủ để diệt trứng giun.
2.3. Bệnh do thức ăn, nuôi dưỡng
2.3.1. Bệnh chướng hơi dạ cỏ
2.3.1.1. Nguyên nhân
Chướng hơi dạ cỏ là hiện tượng bụng trái phình to do dạ cỏ căng phồng lên. Một số nguyên nhân chính:
- Do trâu, bò, dê ăn nhiều thức ăn xanh non, cây họ đậu hay thức ăn tinh bột hoặc ăn các loại thức ăn quá chua, mốc, thối hay thay đổi thức ăn đột ngột, khi vào dạ cỏ sẽ lên men quá mạnh, sinh nhiều khí.
- Bị trúng độc làm mất phản xạ ợ hơi hoặc gây liệt dạ cỏ.
- Do viêm sưng hoặc dị vật, bị bệnh truyền nhiễm như bệnh nhiệt thán, bệnh tụ huyết trùng.
Bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không can thiệp kịp thời trâu, bò, dê sẽ chết do nghẹt thở (dạ cỏ phình to ép cơ hoành vào phổi nên không thở được).
2.3.1.2. Triệu chứng
Con vật biếng ăn, không nhai lại, bụng căng lên do tích hơi, vật khó thở. Nếu bệnh nặng, con vật không đứng được, nằm nghiên, bốn chân bơi đạp, bí đái ỉa.
2.3.1.3. Phòng trị bệnh
* Phòng bệnh:
- Chia nhỏ thức ăn dễ tiêu cho bò ăn nhiều lần
- Trước khi cho ăn các loại thức ăn thô xanh non nên cho bò ăn ít rơm
* Trị bệnh:
- Dùng rơm, cỏ khô hoặc muối rang bọc giẻ xoa bóp vùng dạ cỏ để kích thích dạ cỏ co bóp. Kích thích ợ hơi: kéo lưỡi, xông bồ kết ...
- Cho bò uống một trong những loại sau để ức chế sự lên men:
+ Tỏi 3 - 5 củ to, gừng 1 củ cùng ít muối giã nhuyễn pha 200 ml rượi.
+ Nước dưa cải chua 0,5 -1 lít.
+ Lá tía tô 1 nắm to, muối ăn giã nhỏ hòa 100 ml nước.
- Trường hợp chướng hơi nặng cần phải thoát hơi bằng cách chọc dạ cỏ (dùng trô-ca chọc vào điểm giữa của tam giác lõm hông trái và cho hơi thoát từ từ ra ngoài).
* Những trâu bò bị chướng hơi do kế phát từ bệnh tụ huyết trùng trâu bò thì ngoài điều trị như trên còn phải kịp thời báo thú y để tiêm thuốc.
2.3.2. Bệnh ngộ độc sắn (mì)
2.3.2.1. Nguyên nhân
Trong lá và củ mì tươi có chứa nhiều nhiều axit cyanhydric (HCN)- nhất là ở ngọn lá non, khi gia súc ăn nhiều sẽ gây ngộ độc.
2.3.2.2. Triệu chứng
Bệnh thường thể hiện ở thể cấp tính, xảy ra sau khi ăn 10-20 phút. Con vật tỏ ra không yên, lúc đứng, lúc nằm, toàn thân run rẩy, mồm chảy nước dãi, có khi nôn mửa. Vật khó thở, tim đập nhanh và yếu, có lúc loạn nhịp, thân nhiệt thấp hoặc bình thường, bốn chân và cuống tai lạnh. Cuối cùng con vật hôn mê, co giật rồi chết.
Bệnh ở thể nặng con vật chết sau 30 phút – 2 giờ. Bệnh nhẹ sau 4-5 giờ con vật có thể qua khỏi.
2.3.2.3. Can thiệp
Nhanh chóng thải trừ chất độc ra ngoài, tìm mọi biện pháp ngăn trở sự gây hại của chất độc trong cơ thể, đồng thời tăng cường khả năng giải độc của gan.
- Dùng xanh Methylen 1% tiêm dưới da hoặc tĩnh mạch với liều từ 40 - 50ml.
- Tiêm truyền tĩnh mạch bằng nước sinh lý ngọt với liều 200-500ml.
Ngoài ra, có thể cho gia súc uống nước đường, nước mía, mật mía có tác dụng rất tốt, hoặc dùng nước rau má, lá khoai lang giã nát, cháo đậu đen, đậu xanh.
Tác giả: TTTTUDKHCN
Ý kiến bạn đọc