KỸ THUẬT XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI
TRONG CHĂN NUÔI TRÂU Ở VÙNG MIỀN NÚI
1. Đặc điểm sinh học của trâu
Trâu gồm hai loại hình là trâu sông (River buffalo) và trâu đầm lầy (Swamp buffalo). Chúng có chung nguồn gốc từ trâu rừng, nhưng khác nhau về số lượng nhiễm sắc thể. Do quá trình chọn lọc và sử dụng mà ngoại hình và khả năng sản xuất của hai loại hình trâu có những đặc điểm khác nhau.
Trâu Việt Nam thuộc loại hình trâu đầm lầy, có sừng dài, thon, cong hình bán nguyệt, đuôi sừng nhọn. Đầu to, trán phẳng, hẹp, mặt ngắn, mõm rộng. tai to và rộng, cổ dài thẳng, thân ngắn, chân thấp và mảnh, vai đầy, ngực lép, bụng to, mông thấp, đuôi ngắn, móng xoè. Trâu cái có vú bé và lùi về phía sau, trâu đực có dương vật dính chặt vào phần bụng, trừ đoạn ngắn phía đầu dương vật vận động tự do, bìu dái gọn, thích hợp cho việc cày kéo. Trâu ta có lông thưa, da dày, màu xám tro sẫm, đa số có vệt khoang trắng ngang phía dưới cổ và một vệt phía trên ngực.
Da trâu lại dày và đen nên dễ hấp thụ nhiệt từ mặt trời. Các tuyến mồ hôi của trâu kém phát triển và lại nằm sâu trong tổ chức dưới da nên khả năng điều hoà thân nhiệt bằng phương thức thoát mồ hôi rất hạn chế. Vì thế, trâu không chịu được nắng nóng. Nếu như để trực tiếp dưới ánh nắng chỉ một vài giờ chúng sẽ mệt lả. Trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ không khí cao, trâu rất khó chịu, do đó nó thường phải tìm nguồn nước để đầm tắm.
Mặt khác, trâu có bộ da dầy, nhưng lớp lông phủ trên thân thể thưa hơn bò nên sức chịu rét lại kém hơn bò, nhất là trong điều kiện rét ẩm và có gió. Nhiệt độ giảm đột ngột, gió rét mạnh hoặc gió lùa có thể làm chúng bị cảm lạnh, viêm phổi và có thể chết.
2. Sự cần thiết phải xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật
- Nền chuồng không chắc chắn sẽ dẫn đến phân và đất nền sẽ lẫn lộn, lâu ngày nền chuồng sẽ bị trũng sâu xuống, tạo nên sự ẩm ướt.
- Che chắn không đảm bảo (mái lợp ngắn hoặc thiếu rèm che): Trâu sẽ bị nóng vào mùa nắng, lạnh vào mùa mưa, hoặc thức ăn ở máng sẽ bị ướt.
- Thiếu máng ăn, máng uống hoặc không phù hợp: Khi thiếu sẽ không đáp ứng được nhu cầu ăn uống của trâu, máng ăn không phù hợp sẽ gây ra sự lãng phí thức ăn.
- Không có hố ủ phân không những lãng phí nguồn phân bón, mà còn gây ra sự ô nhiễm môi trường.
- Khi chuồng nuôi ẩm thấp hoặc chật chội thì các bệnh dễ phát sinh và lây lan nhanh.
Chuồng trại đảm bảo không những tạo môi trường sống thoải mái và phù hợp với đặc tính của trâu nuôi, mà còn dễ chăm sóc và hạn chế sự phát sinh của dịch bệnh.
3. Yêu cầu về chuồng trại
- Chuồng nuôi phải ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè: Xây dựng nơi cao ráo, khung chuồng và nền phải chắc chắn, mái lợp đảm bảo;
- Đảm bảo điều kiện để trâu ăn uống, nghĩ ngơi tại chuồng: Chuồng phải đủ rộng (trâu cái sinh sản: 4 - 5 m2/con, trâu đực giống: 5 - 6 m2/con, trâu nghé: 2 - 3 m2/con) và có đầy đủ máng ăn, máng uống;
- Đảm bảo về vệ sinh: Chuồng nuôi phải cách nhà ở và xa nguồn nước sinh hoạt, có nơi thu gom phân chuồng, có hố chứa nước thải;
- Thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý: Khi nuôi nhiều trâu, cần bố trí các ô để nuôi riêng trâu đực giống và trâu cái đẻ.
4. Quy cách chuồng
4.1. Nền chuồng
- Nền cao hơn mặt đất 20-30cm, nền xi măng hoặc nền đất nén chặt, xung quanh có kè đá.
- Với nền chuồng bằng xi măng cần phải đảm bảo chắc chắn và nên tráng nhám. Nền chuồng phải có độ dốc hợp lý, hướng về rãnh thoát nước.
- Rãnh thoát nước tiểu được bố trí dọc theo chuồng phía sau chỗ trâu đứng. Độ dốc từ đầu này đến đầu kia khoảng 2 - 3%, đảm bảo thoát nước tốt.
4.2. Mái lợp
- Mái lợp bằng tôn, tranh, hoặc ngói. Với mái lợp tôn nên dùng tôn lạnh hoặc tôn fibro xi măng để giảm nóng.
- Nóc chuồng cao so mặt đất 3m, đuôi mái cách mặt đất 1,8 - 2m. Độ nghiêng của mái tuỳ thuộc vào loại vật liệu lợp mái.
- Có thể làm kiểu chuồng 2 mái hoặc 4 mái, mái lợp phải rộng hơn khung chuồng để mưa khỏi tạt vào.
4.3. Khung chuồng
- Trụ chính làm bằng trụ bê tông hoặc cây gỗ to chắc, đường kính 15cm trở lên.
- Róng chuồng làm bằng gỗ, có thể 3 hoặc 4 róng ngang (khoảng cách giữa các róng 30 -35cm).
- Cổng để trâu bò ra vào rộng từ 1,0 - 1,2m, cao từ 1,6 - 1,8m.
4.4. Máng ăn, máng uống
- Máng ăn có thể xây gạch hoặc làm bằng tre, gỗ ghép liền nhau, chiều cao máng 40 - 50cm, đáy máng cao hơn mặt chuồng 20- 30cm.
- Bố trí máng ăn nên theo chiều dài của chuồng để đủ chổ cho trâu bò đứng lấy thức ăn.
- Máng uống có thể xây bằng xi mămg hoặc dùng thùng, chậu, xô ..., máng uống nên đặt gần máng ăn.
4.5. Nơi chứa phân
- Chuồng nuôi kiểu 4 mái nên bố trí phía mái phụ làm nơi chứa phân.
- Với kiểu chuồng 2 mái cần phải che thêm mái phụ để che nơi chứa phân
* Ô chứa phân nên ngăn làm 2 ngăn làm hai, khi phân trong ngăn thứ nhất đã đầy thì cho phân vào ngăn thứ hai.
Tác giả: TTTTUDKHCN
Ý kiến bạn đọc