- Chuẩn bị thiết bị dụng cụ trồng:
- Hệ thống ống thủy canh hồi lưu làm bằng ống nhựa vuông, kích thước 5x10 (cm), đặt trên giàn trồng cách mặt đất 0,8m, luống rộng 1,3-1,4m.
- Rọ nhựa chuyên dụng trồng rau thủy canh để chứa giá thể trồng cây.
- Vĩ xốp ươm hạt giống.
- Giàn ươm cây con có mái che lưới râm, gắn hệ thống phun sương giữ ẩm và làm mát.
- Thiết bị đo nồng độ chất hòa tan trong dung dịch (thiết bị TDS)
- Thiết bị đo chỉ số pH dung dịch
- Xử lý giá thể trồng:
- Chọn nguyên liệu làm giá thể trồng rau thủy canh: Xơ dừa, Mùn Cưa, vỏ trấu hun.
- Ngâm giá thể (xơ dừa, mùn cưa) trong nước vôi 3% thời gian 10 ngày để xử lý chất tanin, diệt khuẩn, diệt nấm bệnh.
- Xả ráo nước ngâm giá thể, cho nước lã ngâm 2-3 ngày xả ráo, công đoạn này làm 2 lần để xả sạch nước vôi ngấm trong giá thể.
- Để ráo nước, khi độ ẩm giá thể 70-80%, đóng bao bảo quản sử dụng dần.
- Gieo ươm cây con:
Cách 1: Ươm cây con trên vĩ xốp.
- Cho giá thể vào các lổ vỉ ươm (vỉ xốp loại 104 lổ), dùng dụng cụ tạo lổ trên vỉ ươm sâu 1-1.5 cm, mỗi lổ gieo 1 hạt rau cải hoặc 1 hạt xà lách, gieo xong sắp xếp các vĩ ươm trên giàn ươm giống.
- Phun nước tạo độ ẩm trên các vỉ ươm, sau 3-4 ngày hạt nảy mầm, tiến hành pha dinh dưỡng theo tỷ lệ quy định (nồng độ từ 1000-1200 ppm) đổ vào các máng giàn ươm giống một lượng dung dịch cao 1 cm để vỉ ươm hút nước và dinh dưỡng nuôi cây.
- Thời gian ươm cây con trong vĩ ươm từ 12-15 ngày.
Cách 2: Ươm cây con trực tiếp trên rọ nhựa.
- Cho giá thể đã xử lý vào trong rọ nhựa, thể tích giá thể trong rọ chiếm 1/2 - 2/3 rọ nhựa, dùng dụng cụ tạo lổ nhỏ trên giá thể sâu 1-1,5cm; cấy vào lổ 1 hạt giống sau đó phun nước để tạo độ ẩm cho hạt.
- Chuyển rọ ươm cây con sắp vào giàn ươm để chăm sóc.
- Thời gian ươm cây con trong vĩ ươm từ 12-15 ngày.
- Chăm sóc và cấy chuyển cây con từ giàn ươm vào hệ thống thủy canh:
- Để cây con sinh trưởng thuận lợi, giàn ươm cây con phải đảm bảo mát mẻ, điều kiện ánh sánh vừa phải, dùng lưới râm cắt nắng 70% để hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
- Trong quá trình ươm nuôi cây con luôn giữ ẩm, tưới phun sương làm mát tạo điều kiện thuận lợi để cây giống sinh trưởng khỏe mạnh.
- Khi cây con ươm được 12-15 ngày hệ rễ bắt đầu phát triển khỏe mạnh, độ dài rễ 3-5 cm, cây có chiều cao 4-5cm. Loại bỏ những cây con có dấu hiệu bệnh sinh lý như vàng lá, đỏ lá hay cây còi cọc kém phát triển hoặc các dấu hiệu nấm bệnh như héo lá, đen gốc, hay thối rễ… và chuyển những cây con khỏe mạnh lên giàn trồng thủy canh.
- Vận hành hệ thống thủy canh:
- Cài đặt hệ thống điều khiển máy bơm nước dinh dưỡng chạy tuần hoàn trong hệ thống thủy canh, đảm bảo dòng dinh dưỡng mõng chảy tuần hoàn liên tục trong hệ thống ống trồng để cung cấp nước và dưỡng chất cho cây rau.
- Cho nước lã sạch bể chứa dung dịch trồng, châm dinh dưỡng vào các bể chứa dung dịch đúng tỷ lệ quy định, dùng thiết bị TDS kiểm tra tra nồng độ chất hòa tan trong dung dịch đạt yêu cầu, cân đối lượng dinh dưỡng trong dung dịch trồng, kiểm tra chỉ số TDS nằm trong ngưỡng từ 1200-1500 ppm là phù hợp.
- Dùng máy sục Oxy vào thùng chứa để tăng lượng Oxy trong hòa tan trong dung dịch thủy canh.
- Bổ sung dinh dưỡng cho hệ thống:
- Trong một chu kỳ của lứa rau trồng trên hệ thống thủy canh cần bổ sung dinh dưỡng từ 3-4 lần, khoảng 5-7 ngày kiểm tra hàm lượng chất dinh dưỡng trong hệ thống, nếu chỉ số TDS dưới 1000 ppm bổ sung thêm dung dịch. Giữ chỉ số TDS từ 1200-1500 ppm là đạt yêu cầu.
- Dinh dưỡng thủy canh đạt tiêu chuẩn thường ở dạng chất lõng, chia làm 2 nhóm A và B, khi bổ sung dinh dưỡng bằng cách cho lần lượt mỗi loại vào thùng chứa, lưu ý không đổ dịch A và B dạng đậm đặc vào chung với nhau sẽ gây kết tủa làm giảm chất lượng của dinh dưỡng.
- Kiểm tra chỉ số pH của dung dịch dinh dưỡng trong hệ thống, đảm bảo pH từ 6 - 7 là tối ưu cho cây trồng phát triển.
Chú ý: Muốn tăng chỉ số TDS (tổng nồng độ hòa tan của ion trong dung dịch) thì ta bổ sung thêm dung dịch dinh dưỡng. Muốn giảm pH thì có thể sử dụng H3PO4 hay HNO3, muốn tăng pH thì dùng KOH để thêm vào dung dịch.
- Bổ sung nước cho hệ thống:
- Trong quá trình nuôi trồng, tùy thuộc vào thời tiết và giai đoạn phát triển của cây mà lượng nước trong hệ thống sẽ bị tiêu hao nhiều hay ít, do vậy cứ 2-3 ngày cần quan sát và bổ sung thêm nước cho đầy thùng chứa để tránh bị cạn nước trong trong hệ thống. Để chủ động có thể dùng nguồn nước chảy trực tiếp vào thùng thông qua bộ phao cơ.
- Trong toàn bộ quá trình nuôi trồng hoàn toàn không sử dụng bất kỳ chế phẩm phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào khác vào hệ thống trồng rau. Nguồn nước sử dụng để pha dung dịch dinh dưỡng cho hệ thống giàn rau trong suốt thời gian nuôi trồng đảm bảo là nước sạch đạt tiêu chuẩn.
- Theo dõi, chăm sóc:
- Trong quá trình trồng cần theo dõi sự sinh trưởng của rau, tiến hành tỉa bỏ lá già để ngăn ngừa nấm bệnh phát triển, do điều kiện nhà màng cách ly bằng lưới chăn côn trùng nên sâu bệnh không xâm hại do đó không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun cho rau.
- Vào mùa nắng, ở thời điểm nắng nóng nắng nóng trong ngày cần sử dụng hệ thống màng cắt nắng và khởi động hệ thống phun sương làm mát môi trường trồng, duy trì nhiệt độ ổn định không để tăng cao làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng trong nhà màng.
- Thu hoạch rau:
- Cây sau khi trồng từ 4-5 tuần tuổi tùy thuộc vào từng loại rau mà có kế hoạch thu hoạch phù hợp. Thu hoạch vào buổi sáng (trước 9 giờ) hoặc buổi chiều (sau 16 giờ) để tránh cây khỏi bị héo khi thu hoạch.
- Khi thu hoạch nguyên giỏ cần tiến hành như sau: Lấy rọ rau muốn thu hoạch ra khỏi hệ thống, cắt ngang gốc từng cây, hoặc giữ nguyên gốc tùy theo nhu cầu.
Lưu ý : Không được để các rọ nhựa trồng rau khi đã thu hoạch vào hệ thống vì phần gốc rễ còn lại sẽ bị phân hủy, khi chuyển vào hệ thống sẽ làm hỏng dung dịch dinh dưỡng và đồng thời dễ gây bệnh cho các cây còn lại trong hệ thống.
- Xử lý rọ nhựa sau thu hoạch rau:
Sau khi thu hoạch xong, loại bỏ giá thể và rễ bán ra khỏi rọ, rửa sạch rọ và tái sử dụng cho lứa tiếp theo. Trong trường hợp những ống trồng trên hệ thống chưa có giỏ rau mới để thay giỏ rau đã thu hoạch thì cần phải sử dụng vật dụng che ống nhựa hoặc đặt rọ nhựa đã rửa sạch vào hệ thống để hạn chế sự bốc hơi nước và đồng thời ngăn chặn ánh sáng chiếu vào dung dịch làm cho rêu phát triển trong hệ thống.
- Vệ sinh hệ thống:
- Trong quá trình vận hành hệ thống, cần lưu ý làm vệ sinh toàn bộ hệ thống sau mỗi vụ trồng. Khi vệ sinh cần vệ sinh bên trong lẫn ngoài các ống nhựa, các ống nối, thùng cấp chứa và máy bơm.
- Thay toàn bộ nước dung dịch cũ trong thùng chứa, nếu tái sử dụng dung dịch của lứa rau rước cây sẽ phát triển chậm, đồng thời giá thể lọt vào từ hệ thống sẽ tập trung vào thùng chứa quá nhiều dễ làm tắt ngẵn và hỏng bơm.